Nông dân Trung Quốc đua nhau tự chế máy bay

Chiếc “Đấu Cường 3” của Trương Đấu Tam được phép bay thương mại
Chiếc “Đấu Cường 3” của Trương Đấu Tam được phép bay thương mại
TP - Mới đây, anh nông dân Trương Minh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc gây xôn xao dư luận vì chiếc máy bay tự chế. Theo các thông tin được đăng tải trên mạng, Trung Quốc hiện có 30 nông dân đã tự chế máy bay, phần lớn thất bại, nhưng cũng có người thành công.

> Tự chế máy bay từ… phế liệu

Ngày 13-3 vừa qua, cảnh sát thị trấn Tân Phong, Tứ Xuyên đã ngăn cản thành công một vụ bay thử máy bay tự chế của một nông dân trên đường quốc lộ.

Đây là một chiếc máy bay cỡ nhỏ, mang hình dáng phỏng theo kiểu chiến đấu cơ F-22 của Mỹ, cánh có thể gập gọn lại.

Tác giả của chiếc máy bay này là Trương Minh. Tháng 5-2011, khi báo chí đưa tin Trung Quốc thử thành công máy bay tàng hình J-20, Trương Minh liền nảy ý định tự chế một chiếc máy bay để thỏa giấc mơ bay.

Anh tự mày mò nghiên cứu, mua sắm động cơ, thùng xăng, cánh quạt, hệ thống điều khiển.

Cuối cùng, chiếc máy bay cũng hình thành: Thân dài 4m, sải cánh 5m, cao 0,5m, nặng 400kg, tổng chi phí hết hơn 10.000 tệ (khoảng 35 triệu VNĐ).

Sáng sớm ngày 12-3, được hàng xóm giúp sức, Trương Minh đã đưa chiếc máy bay ra quốc lộ cách nhà hơn 100m để bay thử nhân lúc đường vắng xe, nhưng máy bay không thể cất cánh được sau khi chạy đà dù Trương đã nhấn hết ga.

Đưa máy bay về, Trương Minh lên mạng nhờ cộng đồng những người yêu thích máy bay tư vấn giúp. Các cư dân mạng đã bày cách cải tiến về động cơ, cánh quạt, cánh chuyển hướng…

Sau khi cải tiến theo tư vấn của các “chuyên gia” trên mạng, sáng sớm 13-3, Trương Minh lại đưa máy bay ra đường bay thử lần hai, nhưng lần này máy bay mới vừa nổ máy khởi động, chưa kịp chạy đà, cảnh sát đã xuất hiện ngăn chặn cuộc thử nghiệm đầy nguy hiểm này, yêu cầu Trương Minh phải đưa máy bay quay về nhà.

Tuy bị ngăn cản việc thử nghiệm nhưng Trương Minh vẫn không nản chí, anh tiếp tục tập trung cải tiến để giảm nhẹ trọng lượng và tăng độ nhạy của hệ thống phanh hãm và sẽ tiếp tục bay thử đến khi thành công mới thôi.

Trương Minh không phải là nông dân Trung Quốc đầu tiên chế tạo máy bay. Theo các thông tin được đăng tải trên mạng, cả nước hiện có 30 nông dân đã tự chế máy bay, phần lớn thất bại, nhưng cũng có người thành công.

Người đầu tiên làm máy bay vào năm 1984 là Tào Chứng Thư, một nông dân ở huyện An, Tứ Xuyên. Ông đã làm tới 10 chiếc, nhưng đều phải đem bán sắt vụn.

Vương Cường, một nông dân làm nghề cắt tóc cũng người huyện An, từ tháng 4-2005 bắt đầu tự thiết kế, chế tạo máy bay, sau 3 tháng lắp ráp xong.

Ngày 15-7-2005, Vương Cường đã cho máy bay bay lên cách mặt đất 1m trong khoảng 5 giây sau khi chạy đà, được coi là bay thử thành công.

Tô Đạo Thành, nông dân ở Hồ Bắc đã mua 8 xe mô tô cũ để lấy động cơ và bỏ mấy ngàn tệ đặt mua tài liệu hàng không để nghiên cứu tự chế máy bay.

Ngày 1-5-2001, chuyến bay thử đầu tiên thất bại, ông vẫn không nản chí, đến ngày 18-7-2001 trong lần bay thử thứ 8, máy bay bị cháy, Tô Đạo Thành cháy xém hết cả tóc tai, lông mày, khi ấy ông mới chịu thôi.

Người thành công nhất cho đến nay là Trương Đấu Tam, một nông dân ở Triều Dương, Quảng Đông. Ngày 15-12-1998, chiếc máy bay mang tên “Đấu Cường 3” (tên ghép của ông với đối tác Hoàng Vĩ Cường) đã bay thử thành công tại sân bay Hợp Sơn.

Chiếc máy bay do họ tự chế đạt tốc độ 100km/h, lên được tới độ cao 3.000m. Tháng 11- 2000, Trương Đấu Tam đã mang máy bay đến tham dự Triển lãm hàng không Chu Hải, bay thử thành công, trở thành ngôi sao tại đây.

Ngày 8-2-2001, Trương Đấu Tam đã được Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cấp bằng lái.

Trương Đấu Tam là người Trung Quốc đầu tiên được phép lái chiếc máy bay tự chế của mình tham gia các hoạt động thương mại và quảng cáo công ích.

Thu Thuỷ
Theo China Daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG