Nông dân loay hoay lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân 1 doanh nghiệp đang chuẩn bị vải thiều ở Hải Dương để vận chuyển cho khách hàng
Công nhân 1 doanh nghiệp đang chuẩn bị vải thiều ở Hải Dương để vận chuyển cho khách hàng
TP - Thông tin vải thiều Hải Dương được đưa lên bán trên sàn thương mại điện tử khiến không ít nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết họ còn băn khoăn về hình thức bán hàng này.

Chị Nguyễn Thị Bảy 53 tuổi (Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, gia đình chị trồng gần một mẫu vải, với 150 gốc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, vườn nhà chị cho thu hoạch từ 7 - 8 tấn vải. Thông thường vào chính vụ, chị đều bán cho đơn vị thu mua, có năm bán cho các thương lái. Tuy nhiên, năm nay dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, gia đình không khỏi lo lắng về việc tiêu thụ.

“Khi biết thông tin Hải Dương đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử bán, chúng tôi rất mừng. Mấy hôm nay, loa phường thông báo liên tục về việc này nhưng cụ thể cách triển khai ra sao, chúng tôi vẫn chưa biết và cần hướng dẫn thêm”, chị Bảy chia sẻ.

Cũng là hộ dân trồng vải theo quy chuẩn VietGap nhiều năm nay, gia đình chị Đào Thị Thơ, 42 tuổi (xã Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, chủ yếu vẫn bán cho các thương lái là chính.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Việt Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cho biết, hiện đơn vị cũng đã tổ chức một số buổi tập huấn cho các hợp tác xã và hộ dân trồng quy mô lớn về cách thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, trong năm đầu tiên triển khai, rất khó để 100% người dân đều chuyển sang bán hàng trên các sàn này.

Tại xã của chị, Trung tâm khuyến nông mấy hôm nay liên tục thông báo sẽ hỗ trợ bà con bán trên các sàn thương mại như Lazada, Sendo,…người dân bớt lo lắng phần nào. Tuy nhiên, theo chị Thơ, đặc thù quả vải nếu cắt sớm không bán nhanh mà chứa trong kho đông lạnh cũng sẽ nhanh bị sần vỏ, hỏng hóc. Trường hợp lên sàn thương mại điện tử, đơn vị đến nhận hàng sẽ phải vận chuyển cấp tốc hoặc có phương án bảo quản được trong thời gian lâu.

“Ở trong nhóm Zalo hội làm vườn của xã, hội trưởng động viên người dân chăm sóc vải theo đúng quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhưng chúng tôi đang lo, việc bảo quản và vận chuyển hàng sẽ ra sao. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được phổ biến về vấn đề này để người dân yên tâm hơn”, chị Thơ chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Phú (TP Hải Dương), cho rằng, sàn thương mại điện tử mở ra cho các hộ nông dân có thêm kênh tiêu thụ hàng hóa mới. Trong đợt đầu năm, khi Hải Dương vào vụ rau, quả bị tồn ứ nhiều, gia đình anh trồng su hào với diện tích hơn 1 ha cũng được chính quyền, doanh nghiệp hướng dẫn bán hàng trên sàn thương mại điện tử. “Với rau củ, có thể không đòi hỏi nhiều về tính thẩm mỹ. Nhưng với vải thiều, người mua sẽ chọn những quả đẹp, to, chín hồng. Chúng tôi cũng mong được học cách để khi bán hàng trên sàn điện tử bắt mắt hơn”, anh Phú nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, việc các tỉnh, thành thúc đẩy chuyển đổi phương thức tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại điện tử, trực tuyến là cấp thiết, phù hợp. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng như cam kết, đảm bảo chất lượng đòi hỏi người dân cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm. Các địa phương, doanh nghiệp cần hướng dẫn nông dân cách thức chăm sóc khách hàng, tiếp thị, quản lý chất lượng sản phẩm, thậm chí hướng dẫn cho nông dân về cách quay video, chụp ảnh chuyên nghiệp…

MỚI - NÓNG