Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 (âm lịch), nhiều thương lái và khách khắp nơi tìm về các vựa rươi lớn ở vùng quê Tiên Lãng (TP Hải Phòng) để thu mua thứ đặc sản được gọi là "lộc trời". |
Rươi chỉ sống ở môi trường sạch, ở vùng nước lợ, gần cửa sông, có thủy triều. Người dân sẽ đắp bờ, chia luồng lạch, cải tạo đất làm môi trường cho rươi sinh trưởng mà không cần phải cho ăn, không phải chăm sóc. |
Ông Vũ Văn Tuyến (ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, chủ một đầm rươi) chia sẻ, những ngày đầu tháng 11 (âm lịch), gia đình ông và người dân địa phương kiểm tra chất lượng rươi để có kế hoạch xả nước, thu "lộc trời". Rươi chính vụ to béo, nhiều bột, có màu hồng tươi. |
Khi rươi đạt chất lượng, bật lên thì người dân sẽ đồng loạt tháo nước dẫn vào cống rồi dùng lưới để thu rươi. |
Theo ông Tuyến, trong 3 ngày chính vụ đầu tháng 11 (âm lịch), đầm rươi rộng hàng nghìn mét vuông của gia đình ông thu được hơn 1 tạ rươi tươi, thu được vài chục triệu đồng. Đây là thời điểm rươi nhiều và to béo nhất nên rươi vớt tới đâu, thương lái thu mua tới đó. Trước và sau những ngày chính vụ, ông vẫn thu hoạch được rươi nhưng ít hơn. |
Sau khi vớt từ lưới, rươi được nhúng vào nước lạnh sau đó sẽ rửa lại 3-4 lần nước và lọc sạch rong rêu. Sau khi được rửa, lọc sạch, rươi sẽ được treo cho ráo nước rồi thương lái đóng hộp mang đi giao cho khách hàng. |
Bà Phạm Thị Nhinh (thương lái ở Hải Phòng) cho biết, rươi chỉ có theo mùa và những năm gần đây, người dân Hà Nội, các tỉnh trung du miền núi và cả miền Nam đều ưu thích. Do đó, để có rươi cung ứng cho khách, bà phải thường xuyên liên hệ người dân và tới đầm từ sớm để thu mua. |
"Năm nay thuận lợi, nhiều địa phương đều thu hoạch được nhiều rươi hơn mọi năm. Tuy nhiên, do sản lượng tăng đều ở nhiều vùng nên giá rươi tươi giảm, dao động 300.000-400.000 đồng/kg, tùy thời điểm thu hoạch và chất lượng rươi", bà Nhinh nói. |