Tình trạng hãm hiếp phụ nữ ở Ấn Độ đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử, năm 2013, New Delhi chính thức bị gọi là “thủ đô hiếp dâm” của Ấn Độ, vì tỷ lệ phạm tội ở thành phố này dù có giảm nhưng vẫn cao nhất cả nước. Thật khủng khiếp khi từ nữ tu già cho đến trẻ thơ, từ phụ nữ mới sinh cho đến khách du lịch đều có thể là nạn nhân của các vụ xâm hại.
Tình trạng bạo lực và hiếp dâm tại Ấn Độ chỉ được chú ý sau vụ một nữ sinh 23 tuổi bị nhóm đàn ông hãm hiếp ngay trên xe buýt vào tháng 12/2012 ở thủ đô New Delhi. Người Ấn Độ đổ ra đường biểu tình, đánh động truyền thông trong-ngoài nước và chính phủ.
Đặc biệt, năm 2014, trong bài phát biểu đầu tiên nhân ngày độc lập kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không nói đến các vấn đề kinh tế, chính trị vĩ mô như các thủ tướng tiền nhiệm khác, mà ông đi vào các vấn đề đời thường như nạn tè bậy nơi công cộng và lên án nạn hiếp dâm. Ông Modi cho biết, ông cảm thấy xấu hổ khi các cuộc tấn công tình dục phụ nữ ngày càng gia tăng và đây là nỗi xấu hổ quốc gia.
Ngạn ngữ có câu: “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Thế nhưng, thủ tướng Modi lại chọn cách trực diện với cái xấu với mong muốn thức tỉnh toàn xã hội trong công cuộc bài trừ cái xấu này.Không chỉ là lời nói, chính phủ của ông Modi đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực nhằm làm giảm nạn hiếp dâm như xây dựng các tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ, tăng cường giáo dục và đặc biệt là tăng khung hình phạt đối với các tội phạm loại này.
Để có thể bài trừ một tệ nạn thâm căn cố đế như thế này không hề dễ dàng giải quyết nhanh chóng một sớm một chiều, nhưng rõ ràng thời gian gần đây, các vụ hãm hiếp tập thể đã giảm nhiều, các vụ xử án với mức án nặng ngày càng tăng. Việc hôm 10/6 vừa qua, tòa đã kết án tù chung thân đối với 5 người đàn ông Ấn Độ vì đã hiếp dâm tập thể một nữ du khách người Đan Mạch là một tuyên chiến mạnh mẽ với tệ nạn này.