Nói to, coi chừng

Nói to, coi chừng
TP - Ơ kìa, cậu làm sao vậy? Nói to lên nào! Sao cứ thầm thầm thì thì như buôn tiền giả thế kia? Phong thái ăn sóng nói gió của cậu bỗng dưng biến đâu mất rồi hả?

> Cầu trời khấn Phật

-Be bé cái mồm thôi! Cậu cứ quang quác lên thế có ngày rước tai bay vạ gió vào thân đấy!

-Hơ hơ! Không lẽ nói to cho vào tù chắc?

-Xin cậu! Hạ nhỏ vô-lum! Vào tù thật đấy chứ chẳng đùa đâu! Thế cậu không nghe chuyện có hai cụ ông, tuổi thất thập ở Bắc Ninh, lỡ to tiếng cự cãi với tổ công tác liền bị họ gán cho tội chống người thi hành công vụ à?

-Lạ nhỉ! Thế cậu có biết người ta dựa trên căn cứ nào không?

-Mình nghe có người viện dẫn truyện Tam Quốc. Khi ở trận tiền đối mặt, Khổng Minh mắng chửi Chu Du. Chu Du uất quá hộc máu ngã ngựa bất tỉnh. Từ đó suy ra, lời nói có lúc cũng trở thành hung khí sát hại đối phương. Trong trường hợp hai cụ ở Bắc Ninh đủ cơ sở kết luận nó là công cụ để chống người thi hành công vụ…

-Tuyệt! Lập luận rất hay! Nhưng trường hợp này mình nghĩ có thể đó là quy định riêng theo đặc trưng vùng miền chăng? Ví như đất quan họ là phải dịu dàng, thẽ thọt, trầm ấm? Ai trường cổ đại thanh là lụy vòng lao lí?

-Thế ư? Nhưng hai cụ cùng đi chỉ một cụ to tiếng. Cụ to tiếng lại bị nặng tai phải dùng máy trợ thính. Khi người ta dùng trợ thính thường có tâm lí ai cũng điếc như mình nên phải nói to. Mà lỡ nói to lại bị cho là cản trở…

-Rồi, rồi! Chờ tòa nghị án nhé. Biết đâu đó là tình tiết giảm nhẹ giúp các cụ khỏi vòng lao lí…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG