Từ trung tâm TP Hà Nội, qua cầu Chương Dương rồi thẳng đường Nguyễn Văn Cừ, tới đoạn rẽ quốc lộ 5 đi Hải Phòng thì rẽ về hướng thành phố Cảng. Đi độ dăm km, nhìn sang trái sẽ thấy Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội). Phải hỏi thêm bảo vệ, khách mới tìm được Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội.
Nằm khuất phía sau Nhà thi đấu Gia Lâm, “lò” Gia Lâm gồm một dãy các phòng chức năng nhỏ, gồm phòng HLV, phòng thay đồ… với diện tích khá nhỏ. Phía cuối dãy nhà là phòng ngủ của các VĐV trẻ. Khách được giới thiệu đây là chi nhánh của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, trụ sở chính tại Mỹ Đình. Trong phòng VĐV đếm thoáng được khoảng hơn chục chiếc giường tầng, đồ đạc, chăn gối gấp gọn gàng. Phía sát tường hướng có cửa sổ được đặt thêm bộ tủ đựng đồ cá nhân, hai dây phơi treo quần áo tập luyện, thi đấu của VĐV. Phòng có trang bị thêm 1 chiếc tivi.
Bên ngoài phòng VĐV treo tấm biển ghi lịch tập luyện và sinh hoạt của đội U11. Giờ giấc, công việc được phân chia đâu ra đấy. Tôi đã khá “choáng” khi nhìn lịch dày đặc của các VĐV trẻ. “Mỗi ngày như mọi ngày”, 5h30 chuông báo thức rung là dậy, vệ sinh buổi sáng trong 15 phút và sau đó tập thể dục, ăn sáng, đi học… Các buổi tập bóng đá thường diễn ra vào buổi chiều, 21h30 bắt đầu lên giường ngủ. Chủ nhật là ngày vui nhất, cả đội được nghỉ ngơi.
Phía trái Nhà thi đấu là một sân đất, diện tích khá lớn nhưng mặt cỏ không thực sự tốt. Đầu tháng 1, mặt sân như se lại trong cái rét căm căm. Đây là toàn bộ “cơ ngơi” của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội.
Năm 2018 rồi đây sẽ được nhớ tới như một giai đoạn diệu kỳ của bóng đá Việt Nam, với thành công liên tiếp của các đội tuyển quốc gia. Từ VCK U23 châu Á 2018 tới Asiad 2018 rồi kết lại bằng chức vô địch AFF Cup, đội bóng của ông Park Hang Seo đã đưa người hâm mộ đi hết từ chiến thắng này tới chiến thắng khác. Người ta đã nhắc nhiều tới HAGL của bầu Đức hay bầu Hiển phía sau Hà Nội FC. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng lứa Quang Hải đã được ươm mầm từ chính chiếc sân cỏ nhỏ cạnh Nhà thi đấu Gia Lâm vừa kể trên, vốn thuộc Sở VH-TT&DL Hà Nội. Có thể đếm ở đội tuyển Việt Nam hiện nay, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, hay Huy Hùng, Đức Huy, Thành Chung…tất cả đều từ đây trưởng thành.
Năm 2009 khi mới 11 tuổi, Quang Hải được gửi tới “lò” Gia Lâm ăn tập và mãi tới khi qua tuổi U17, cậu bé quê Đông Anh mới đầu quân cho Hà Nội FC. Nếu không kể tới mảnh sân ruộng làng Đường Nhạn, Gia Lâm là nơi đầu tiên Quang Hải làm quen với trái bóng. Bạn bè của Quang Hải chính là những Duy Mạnh, Đình Trọng…đều vừa cùng đội tuyển Việt Nam đăng quang ở AFF Cup 2018. Chiếc sân nhỏ phía trong Nhà thi đấu Gia Lâm là nơi ghi dấu ấn những năm tháng tập luyện thời trẻ của các ngôi sao Việt Nam.
Niềm vui người thầy
Lần ngược về trước, tầm năm 2002, Sở TDTT Hà Nội (cũ) đã quyết định xây dựng một tuyến đào tạo bóng đá trẻ, đặt tại Gia Lâm. Tới năm 2005, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội khi đó, ông Nguyễn Đình Lân, đã cậy nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm TDTT Gia Lâm, do cơ sở vật chất ở Hà Nội khó khăn.
Từ đây, những người đầu tiên như Chủ nhiệm CLB bóng đá Hà Nội Đặng Xuân Hưởng (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội), Nguyễn Trọng Hồng, cố HLV Vũ Minh Hoàng…đã tới từng địa phương, tìm kiếm, tuyển chọn VĐV.
Những ngày đầu bao giờ cũng khó khăn. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, lương tiền chẳng đáng là bao. Có một chuyện ít người biết nhưng vẫn được các HLV kể lại, là năm 2003 khi sân Hàng Đẫy cải tạo mặt cỏ để chuẩn bị cho SEA Games 22, Trung tâm Gia Lâm mới xin lại mặt cỏ ở đây. Từ năm 2010, Trung tâm được nhận thêm tài trợ từ ông bầu futsal Trần Anh Tú, ban đầu 500 triệu rồi sau đó tăng lên 1 tỷ đồng. Mọi thứ nhờ vậy cũng bớt chật vật hơn. Trung tâm hiện chỉ duy trì 3 tuyến U11, U13 và U15, với tổng cộng 60 VĐV.
Cho tới khi những cái tên Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… lan toả khắp đường làng, quán xá của Hà Nội, “lò” Gia Lâm vẫn âm thầm những hoạt động hàng ngày. Báo chí ít nơi nhắc tới, hầu hết đều hướng về Hà Nội FC của bầu Hiển. Những người ở trung tâm cũng không muốn ồn ào, báo chí có hỏi đều được đề nghị xem trước nội dung. Thảng hoặc mới có người hỏi thì HLV Nguyễn Trọng Hồng chia sẻ, ở đây không ai băn khoăn nhiều chuyện đó. Những người làm ở đây từ đầu đều bắt nguồn từ đam mê. Niềm vui lớn nhất của ông Hồng và các HLV ở trung tâm là mỗi lúc thấy các học trò ngày nào của mình…xuất hiện trên tivi. Đợt năm ngoái, nhân dịp cuối năm, trung vệ Duy Mạnh chia sẻ, anh và các bạn được như ngày nay cũng nhờ công lao dẫn dắt của các thầy ở Trung tâm. “Đời làm thầy, như thế cũng đủ!”-ông Nguyễn Trọng Hồng chia sẻ.
Năm 2009 khi mới 11 tuổi, Quang Hải được gửi tới “lò” Gia Lâm ăn tập và mãi tới khi qua tuổi U17, cậu bé quê Đông Anh mới đầu quân cho Hà Nội FC. Nếu không kể tới mảnh sân ruộng làng Đường Nhạn, Gia Lâm là nơi đầu tiên Quang Hải làm quen với trái bóng.