Nỗi niềm người đi làm ngày Tết

Nỗi niềm người đi làm ngày Tết
TPO - Đó là những người bình thường, với công việc mưu sinh bình dị, thậm chí giản đơn. Năm nay, họ phải đón Tết ngay tại nơi làm việc. Niềm vui của họ ở chỗ làm trong dịp Tết này có thể chỉ là được “lì xì” vài nghìn (tiền gửi xe thừa) của khách tới khu chung cư...

“Chưa năm nào tôi có cái Tết trọn vẹn với gia đình”- Vừa làm thủ tục bán hàng cho khách ở quầy thanh toán, chị Nguyễn Thị Hường (quản lý gian hàng thời trang nữ của Parkson Hà Nội) vừa lấy câu chuyện “làm quà” với đồng nghiệp. Năm nay, chị Hường phải làm cả mùng một Tết.

Đây không phải năm đầu tiên phải làm ngày Tết, nên chị Hường khá quen với công việc chăm sóc khách hàng vào dịp này. “Việc phải làm, không thể khác được, chứ ai chẳng muốn được nghỉ trọn vẹn những ngày Tết”- người phụ nữ xinh đẹp ấy tâm sự.

Ngoài “chế độ” của công ty là làm một ngày Tết, được nghỉ bù ba ngày thường, những nhân viên như chị Hường không được thêm thù lao khi đi làm dịp Tết. Điều được “hưởng” duy nhất về tinh thần là: “Đi làm ngày Tết cũng vui. Những người bán hàng như tôi vui khi tận tay lì xì cho khách mua hàng, dù mình không được mừng tuổi”.

Thu nhập của nhiều nhân viên bán hàng ở trung tâm thương mại không cao, nhưng dù phải làm việc cả trong những ngày Tết, ai cũng cố gắng nhã nhặn, vui vẻ phục vụ khách. Phương Anh - người bán hàng trang sức thương hiệu Goodman, cho biết, cô đã làm công việc này được một năm, với mức thù lao 60.000 đồng/ công (một ca bán hàng). Mỗi tháng làm đủ 30 “công”, cô được trả 1,8 triệu đồng.

Làm việc ngày Tết chỉ được hưởng “công” như ngày thường, "nhưng có nhân viên vẫn làm cả ngày Tết, thường là những người nhà ở Hà Nội. Mỗi người thay nhau làm một đến hai ca"- Phương Anh nói.

Phục vụ “Tây” không thể nghỉ Tết

Trong khi các gia đình Hà Nội đang quây quần bên mâm cỗ, hoặc đủng đỉnh đi chơi xuân thì ở quán cafe Sago (phố Đinh Liệt, Hà Nội), không khí Tết Nguyên đán dường như chỉ phảng phất đâu đó từ bên ngoài. Bởi, cả chủ quán và nhân viên đều tập trung vào việc chính: phục vụ khách "vào quán đều đều" trong ngày Tết.

Quán cafe fastfood này trong mấy ngày Tết Tân Mão 2011 tấp nập khách, chủ yếu là người nước ngoài du lịch. Có mặt ở Hà Nội đúng dịp Tết cổ truyền, nhiều du khách tỏ ra thích thú trước không khí sôi động của Thủ đô. Ban công trên gác của quán cafe nhỏ này luôn được khách nước ngoài lựa chọn. Ngồi ở đấy, họ có thể vừa uống cafe, ăn nhẹ, vừa nhìn ra một góc đường phố trung tâm nhất của Hà Nội, ngắm những người dân xúng xính áo quần đẹp đi chúc Tết, chơi xuân.

Vừa đon đả trả lời khách hỏi thời gian quán mở cửa ngày Tết, chị Hương (chủ quán Sago) vừa điều hành nhân viên chạy bàn và quầy pha chế. “Em ơi! bàn này uống gì nhỉ?”; “Bánh kẹp hả, ok!”; “Một ly sữa tươi, 29 nghìn ạ!”...

Vì toàn phục vụ người nước ngoài, nên nhân viên ở đây, những lúc đông khách, dường như tạm quên ngoài cửa kia không khí Tết đang tràn ngập khắp nơi. Trong quán, chỉ nghe xì xào những lời trò chuyện bằng tiếng nước ngoài của khách và giọng nhân viên phục vụ... Dù đang Tết, họ vẫn phải làm công việc thường ngày. Thế nhưng, những thanh niên phục vụ ở đây vẫn chu đáo với khách. Trên môi họ luôn nở nụ cười thân thiện.

Ăn Tết bằng... mì tôm

Một trong những người lao động mà chúng tôi gặp dịp Tết này là anh lính vừa xuất ngũ được vài tháng Bùi Văn Đoài (quê Hòa Bình). Những ngày Tết Tân mão, Đoài chưa về quê mà ở lại làm bảo vệ, kiêm trông xe cho một khu chung cư tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

“Đây là công việc em mới xin vào làm sau khi ra quân ngày 27 - 7 - 2010” - Đoài kể - “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong, có được tấm thẻ của quân đội để đi học nghề, với học phí gần 9 triệu đồng, em đã vào học trung cấp nghề sửa chữa ô tô”.

Từ Hòa Bình, chàng thanh niên vừa xuất ngũ xuống Hà Nội xin học ở một trường trung cấp tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, sinh hoạt ở thành phố lớn đắt đỏ, qua bạn bè giới thiệu, Đoài xin vào công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ để có thu nhập trang trải thêm cho việc học, cũng như cuộc sống xa nhà.

Ngày Tết, Đoài thật thà nói: “Nếu một tháng em làm đủ 208 giờ thì được trả 1,6 triệu đồng. Làm ca đêm được trả thù lao 150% so với ca ngày. Em toàn xin làm ca đêm, mỗi tháng làm đủ 30 đêm thì được trả khoảng ba triệu đồng. Ăn uống, mua sắm tiết kiệm cũng đủ chi phí sinh hoạt ở Hà Nội, bố mẹ đỡ phải lo gửi tiền lên”.

Mới xin làm bảo vệ ca đêm được khoảng ba tháng, Tết này, Đoài trực cả ba ca (đêm 30, mùng một, mùng hai); đến mùng ba, Đoài mới về quê.

“Những người đã làm ở đây từ một năm trở lên, trực đủ “công” trong tháng thì được thưởng Tết tháng lương thứ 13. Người mới vào làm vài tháng như em chắc cũng được thưởng, nhưng ít thôi. Phải trực Tết xong, em mới biết công ty cho bao nhiêu. Em rất muốn về quê ăn Tết với gia đình, nhưng công ty thiếu người làm Tết, em mới vào, muốn giữ chỗ làm thì phải cố gắng ở lại. Để học xong nghề sửa chữa ô tô, em không ngại việc vất vả”.

Trong khi mọi người được ăn cỗ Tết, có bánh trưng, giò lụa... thì Đoài phải ăn mì tôm trong những ca trực của mình.

“Mấy ngày rồi, em ăn mì tôm úp trong bát nước sôi. Hàng quán ngày Tết nghỉ hết nên không có bánh mì, cũng không có cơm bụi để mua” - Đoài thật thà nói - “Nhưng đã quyết tâm đi học nghề thì phải cố làm để có tiền ăn học. Ngày Tết chỉ hơn ngày thường là được người dân vào chung cư chúc Tết gửi xe cho thêm vài nghìn tiền thừa, hay vài người dân ở chung cư lì xì cho một, hai chục nghìn”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG