Các cặp vợ chồng khi thấy triệu chứng bất ổn nên đi khám tìm lời giải đáp rõ ràng, không may mắc chứng bệnh “khó nói” cần sớm chữa trị để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Khổ tâm vì... kém cỏi
Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội (số 7/389, đường Hoàng Quốc Việt) mới đây điều trị cho một nam giới làm ở một công ty bảo hiểm.
Anh này sinh năm 1980, lấy vợ gần hai năm nay. Bề ngoài đẹp trai, cao lớn, nước da bánh mật, rắn rỏi, ai gặp lần đầu, hẳn đều có nhận xét, anh là người “đàn ông đích thực”.
Vậy nhưng, chỉ có anh mới hiểu nỗi khổ tâm của mình. Anh mắc chứng rối loạn cương dương. Trước khi lấy vợ anh đã nhiều lần đi khám nam khoa, điều trị bằng thuốc Đông, Tây y. Lấy vợ xong, để có “bản lĩnh đàn ông”, hàng ngày anh vẫn phải uống thuốc Bắc.
Lấy nhau, không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào nhưng đến nay vợ chồng anh vẫn chưa có con. Là con trai một, bố mẹ anh luôn thúc giục họ sớm sinh con.
Bà mẹ mỗi lần nói ra mong muốn ấy, thường kèm câu: “Vợ chồng gắng đọc sách, kiêng khem, chọn thời điểm... sao cho ra được thằng cu”. Anh nghe nhiều thấy mệt mỏi, có lần gắt gỏng với mẹ: “Con cái mong mãi còn chưa có, lấy đâu trai với gái”.
Anh nói với tiến sĩ Vệ, cứ mỗi lần bị bố mẹ “nhắc nhở” là đêm ấy anh cảm thấy khó ngủ. Chưa kể, anh còn có cảm giác khó chịu, mặc cảm mỗi lần nghe ai đó hỏi: “Bọn em có tin vui chưa? Sao, lại kế hoạch à?”.
Trong thâm tâm, anh luôn đổ lỗi cho bản thân mình. Dù đã điều trị nhiều lần, song thực tế trong quan hệ vợ chồng nhiều khi vẫn bị trục trặc. Cô vợ sau nhiều lần không được chồng đáp ứng chuyện ấy, thường tỏ ra giận dỗi. Đôi lúc cô gây chuyện với chồng một cách vô cớ.
Có lần, cô nói một cách nặng nề: “Biết thế này tôi chẳng lấy anh. Anh mang cái xác to cao, đẹp trai mà đi lừa ai nữa thì đi đi, tôi chẳng cần”. Anh không giữ được bình tĩnh đã cầm cái ly ném về phía cô, trúng màn hình vi tính, vỡ toang.
“Thiếu giống” bị... vợ bỏ
Một nam giới sinh năm 1976 đến Trung tâm được tiến sĩ Vệ khám. Anh tốt nghiệp đại học, đi làm được hai năm thì cưới cô vợ làm cùng công ty. Nhưng hạnh phúc đã sớm rời xa họ, nguyên nhân bắt đầu từ “thằng nhỏ” của anh có vấn đề.
Anh tâm sự, sau một năm không kế hoạch mong mãi vẫn không thấy có thai, vợ chồng anh cùng đi khám. Cô vợ hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng anh bị lao mào tinh hoàn (nên không có tinh trùng). Dù đã được bác sỹ giải thích cặn kẽ nguyên nhân bệnh tình, nhưng sau này cô vợ vẫn đổ lỗi căn bệnh của anh là do... hồi trẻ ăn chơi trác táng!
Cuộc sống gia đình bắt đầu trở nên căng thẳng, cô vợ thường dùng những lời lẽ nặng nề để chì chiết chồng. Càng ngày cô càng tỏ ra coi thường chồng.
Sự chịu đựng có hạn, một hôm không kìm nén nổi cơn tức giận, anh xông vào tát vợ. Cô vợ đêm đó liền ôm đồ áo về nhà mẹ đẻ. Anh hối hận, hai lần sang nhà vợ đón vợ về, nhưng cô nhất quyết không nghe. Anh cảm nhận, bố mẹ vợ cũng lạnh nhạt với mình, một mặt họ không ủng hộ việc con gái quay về nhà chồng.
Cuộc ly hôn đã làm anh già đi trông thấy. Anh xin nghỉ việc không lương hai tháng liền. Vợ cũ của anh vẫn đi làm bình thường, thanh minh với đồng nghiệp rằng, cô chia tay chồng là do bị bố mẹ mình ép.
Bố mẹ cô nói: “Bệnh nó không chữa được đâu, lấy chồng mà không sinh con được thì khác gì không lấy”. Có người góp ý: “Chẳng qua em không yêu chồng nữa thôi, nếu vì tình yêu thì gặp hoàn cảnh không may em phải thương chồng hơn mới đúng chứ”. Nghe đồng nghiệp mách lại, anh càng thấy buồn và chán nản.
Điều đó thôi thúc anh phải chữa khỏi bệnh bằng mọi giá. Để chữa căn bệnh của anh, tiến sỹ Vệ cho biết phải mổ để nối ống dẫn tinh từ bên này sang mào tinh hoàn bên kia, khá khó khăn.
Niềm vui vợ chồng hàn gắn
Câu chuyện của một cặp vợ chồng trẻ đều là kỹ sư. Tiến sĩ Vệ coi là họ gặp may mắn. Người chồng được nhiều người gọi là “người khổng lồ”, nhưng lại chịu nỗi buồn tủi chỉ dám chia sẻ với... bác sỹ. Anh bị suy sinh dục.
Cưới nhau, suốt một thời gian khá dài vợ chồng không quan hệ được. Cô vợ ban đầu không tỏ thái độ gì với chồng, nhưng anh đọc được sự thất vọng lớn trong cô. Sự chán nản ngày một ăn sâu trong người vợ, cô dần trở nên lạnh lùng một cách đáng sợ.
Cô chuyển sang căn phòng còn trống ngủ riêng. Người chồng năn nỉ: “Em đừng ngủ riêng, trông chẳng khác gì vợ chồng mình ly thân”. Cô vợ giọng lạnh băng: “Thì chúng ta đang ly thân đấy thôi, có làm ăn gì được mà phải ngủ chung cho thêm khó chịu”. Nghe vợ nói, anh rất chạnh lòng: “Hãy cho anh thời gian, chắc chắn anh sẽ chữa khỏi bệnh”.
Tâm sự với tiến sĩ Vệ, điều anh thấy buồn nhất, đó là cô vợ luôn nghĩ bị chồng lừa dối. Cô cho rằng, anh lấy vợ là để che giấu căn bệnh tế nhị, cũng như để thiên hạ đừng nghĩ giới tính của mình có vấn đề. Bởi anh biết rất rõ mình khó làm tròn trách nhiệm một người đàn ông nếu lập gia đình.
Điều trị tại Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội, anh đã có những dấu hiệu tiến triển tốt. “Thằng nhỏ” của anh đã biết “tự thức giấc”. Bẵng đi một thời gian khá dài, anh đưa vợ đến thăm Trung tâm, báo tin vui họ sắp có em bé.
Cô vợ lúc ấy đang mang thai ở tháng thứ tư, siêu âm con gái. Anh cho tiến sĩ Vệ biết, “thằng nhỏ” của mình không còn hay “nhõng nhẽo” như trước, bà xã anh giờ đây rất vui vẻ và yêu chồng.
Tiến sĩ Vệ cho rằng, nhiều nam giới (như người đàn ông này) chưa một lần quan hệ tình dục trước hôn nhân, khi lấy vợ mới biết mình “bị yếu” là điều dễ hiểu. Ông khuyên, các cặp vợ chồng khi thấy triệu chứng bất ổn nên đi khám tìm lời giải đáp rõ ràng, không may mắc chứng bệnh “khó nói” cần sớm chữa trị để giữ gìn hạnh phúc gia đình.