Nỗi niềm ca sĩ kẹo kéo

Nỗi niềm ca sĩ kẹo kéo
TP - Không phải là ca sĩ thứ thiệt, đứng hát trên những sân khấu hoành tráng, lộng lẫy, hay trong các phòng trà, nhà hàng sang trọng hoặc các chương trình hát với nhau, tôi đi hát ở các quán nhậu bình dân, quán nhậu vỉa hè, chỉ để... bán kẹo kéo mưu sinh.
Nỗi niềm ca sĩ kẹo kéo ảnh 1
PV Tiền Phong trong vai một ca sĩ kẹo kéo vừa hát vừa đi bán kẹo. Ảnh: Gia Phú

Đang ngồi lân la với mấy đồng hương ở quán nhậu nghêu, sò bình dân trên đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM, bất ngờ hai thanh niên đèo nhau trên chiếc xe máy, phía sau lểnh khểnh một dàn nhạc âm thanh chạy đến. Đỗ xịch xe trước quán, họ bước xuống lấy vội chiếc đĩa nhạc đã ghi lời bài hát rồi cho vào đầu đĩa, lẹ tay lôi chiếc micro ra. “Alô... a lô một - hai - ba” - giọng của một thanh niên dội vang, rồi bắt đầu màn biểu diễn.

Anh này cất cao giọng trong bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng trong khi một thanh niên khác tay cầm hơn 50 cây kẹo kéo màu trắng, nhỏ như chiếc đũa tiến đến từng bàn nhậu mời chào khách. Mua ủng hộ năm cây kẹo với giá 10 nghìn đồng, tôi bắt chuyện để xin theo học làm ca sĩ kẹo kéo.

Vào nghề ca sĩ

Người được phân công bán kẹo kéo mà tôi bắt chuyện là Sĩ, một thanh niên 22 tuổi ở Cần Đước, Long An. Sĩ kể với tôi vào nghề gần một năm nay sau khi từ quê lên Sài Gòn tìm việc và quen Long đã đi ca hát bán kẹo kéo trước đó.

“Em thấy nghề ca hát và bán kẹo kéo cũng vui, nó mới lạ ở đất Sài Gòn nên em nhờ anh Long giới thiệu mình với một ông chủ ở khu chợ Xóm Chiếu, quận 4 để vào nghề” - Sĩ vừa nói xong liền cầm kẹo đi chào bán, trong khi Long đang mải mê thả hồn vào bản nhạc Con đường mưa...

Đêm cuối tuần, quán xá ở Sài Gòn tấp nập kẻ vào người ra. Long bảo tôi, mới vào nghề nên đi theo hắn và Sĩ để học hỏi. Tôi hỏi Long phải bắt đầu từ đâu, Long nhẹ giọng: “Dễ ẹc! Cứ tủ sẵn khoảng chục bài hát mà mình thích, sau đó ghi ra để em về thuê các tiệm bán đĩa ghi lại nhạc nền, xong anh cứ luyện và hát sao cho khớp với nhạc là OK”.

Sau khi bán được khoảng 10 cây kẹo kéo từ quán nhậu thịt dê trên đường Nguyễn Thị Thập, Sĩ quay sang bảo tôi: “Bước đầu chưa quen anh cứ cầm kẹo đi mời khách với em. Mời thảm thiết vào, bán được cây nào hay cây đó!”.

Đêm đầu tiên đi theo nhóm Long và Sĩ, cả nhóm bán được 170 nghìn từ kẹo kéo, coi như Long và Sĩ mỗi đứa bỏ túi được 50 nghìn. Gần 12 giờ khuya, thấy tôi líu ríu mắt, Long bảo cả nhóm nghỉ. Trước khi nhà ai nấy về, Long bảo tôi góp 100 nghìn đồng tiền thu nhạc nền và thêm 100 nghìn coi như phí theo nhóm.

“Ít khi một nhóm có ba thành viên lắm nhưng anh yên tâm, mai em xin ông chủ giúp anh để anh theo tụi em cho vui. Có ít ăn ít, có nhiều hưởng nhiều. Ở đây tụi em và ông chủ ăn chia rõ ràng lắm: cứ bán được 10 cây kẹo thì ông chủ lấy bốn, còn tụi em được sáu” - Long nói chân tình.

Theo Long thì gần 10 chiếc xe kẹo kéo, kèm theo dàn âm thanh... đều của ông chủ sắm hết. Mỗi xe cứ 2 - 3 đứa đăng ký thế là đi hát và bán kẹo thôi.

Sáu giờ chiều ngày cuối tháng 11, vội vã nhét đại miếng cơm vào bụng, tôi xách xe chạy đến gần khu nhà trọ của Long ở một con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát để bắt đầu một đêm đi diễn.

“Hôm nay Sĩ bận, hai anh em mình cày thôi!”- Long nói khi gặp tôi. Long đã chuẩn bị mọi thứ cho đêm diễn. Long ra quyết định sang quán ốc Tân Thuận trên đường Bùi Văn Ba để mở hàng. Đỗ xe ngay vệ đường, Long làm các thủ tục tiền kỳ như bỏ đĩa nhạc vào đầu máy, lấy micro cho tôi, về phần mình Long cầm sẵn 20 cây kẹo kéo mà ông chủ giao cho trước đó.

Hạnh và Sĩ mong dành dụm được 5 - 6 triệu đồng để ra riêng mua một dàn âm thanh và khỏi ăn chia với chủ. “Ước mơ của tụi em không biết thực hiện được không vì bây giờ ca sĩ kẹo kéo nở rộ quá, đi đâu cũng đụng nhau. Có khi chạy từ quận này sang quận khác để hát, một giờ khuya mới về phòng trọ nhưng bán cũng chẳng là bao. Nhiều lúc trời mưa chả bán được đồng nào”-Sĩ buồn bã.

Tiếng nhạc rộn vang, tôi giới thiệu qua loa bằng giọng nửa Nam nửa Huế, nghe hơi chộn tai. Nhạc nền của bài nhạc sến Ngọn trúc đào vang lên, tôi đứng một chỗ trên vệ đường Bùi Văn Ba, trong khi Long cầm kẹo kéo đi bán. Thi thoảng chiếc micro ụ vang, Long chạy xịch ra chỗ dàn nhạc nằm trên chiếc xe máy làm DJ rồi lao vào mời thực khách mua kẹo.

Sau khi ra mắt bản nhạc đầu tiên trong hành trình làm ca sĩ kẹo kéo của mình, tôi tiếp tục hát thêm hai bài nữa. Chờ đến bản nhạc khác, Long chạy đến đưa tôi khoảng 10 cây kẹo kéo bảo “vừa hát vừa mời khách mua”, thế là miệng hát, tay đưa kẹo mời khách. Kết thúc ở quán Tân Thuận, Long nhẩm tính bán được 20 cây kẹo rồi cả hai lên xe chạy ra đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Vừa cầm lái, chàng thanh niên người Long An, nhận xét: “Anh hát cũng tạm nhưng chưa tự nhiên. Hát ở những chỗ như thế này chẳng mấy ai nghe, nhưng cũng gần như ca sĩ thứ thiệt, có khi la ó, có khi thắm thiết, có lúc nhảy xuống sân khấu hát chung với khán giả nữa”. Nhưng quan trọng mà theo Long là làm sao phải có nghệ thuật để bắt thượng đế mua kẹo.

Tấp vào quán nhậu thịt dê 404 trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, Long mở nhạc và làm ca sĩ, còn tôi cầm kẹo đi bán. Long vừa khai mào hai câu bài Cây cầu dừa, một nhóm 4 chàng trai và 2 cô gái mua ủng hộ 5 cây kẹo kéo. Một thanh niên trong nhóm ngà ngà say cướp micro hát tiếp và mời Long uống bia. Uống ực hai ly, Long đưa micro cho tôi rồi ra chỉnh nhạc.

Hai bài hát nữa trôi qua chẳng thấy ma nào mua kẹo kéo. Bàn này thì zô trăm phần trăm, bàn bên thì dân nhậu ngồi cười nói rôm rả, tôi cứ thất thần cầm míc hát và mời kẹo kéo đến rát họng và chỉ nhận được những cái gật đầu.

Nỗi niềm ca sĩ kẹo kéo ảnh 2
Hát để bán kẹo - một kiểu mưu sinh mới của nhiều thanh niên. Ảnh: Gia Phú

Giành giật mưu sinh

20 tuổi, Long rời huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An theo bạn bè lên TPHCM kiếm sống. Không nghề nghiệp, không người thân, bỏ 50 nghìn đồng tiền phí dịch vụ môi giới lao động ở một trung tâm giới thiệu việc làm gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Long được nhận vào làm phụ hồ thời vụ cho một đơn vị thầu xây dựng. Mỗi ngày làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều Long kiếm được từ 70-80 nghìn đồng, lắm lúc không đủ trang trải cuộc sống.

Hơn hai năm trước, khi đến thuê trọ trên đường Huỳnh Tấn Phát, tình cờ Long quen được anh Diệu - một ca sĩ kẹo kéo lâu năm, ở cùng khu trọ. Thấy Long có chất giọng lại muốn kiếm thêm thu nhập, cuối cùng Long được người này giới thiệu cho ông chủ. Và thế là hơn hai năm nay Long có thêm nghề hát dạo để kiếm sống. 

“Thấy nghèo, anh Diệu thương nên bảo lãnh giùm em với ông chủ. Em chỉ đưa giấy chứng minh thư và 1 triệu tiền cọc thế là sở hữu chiếc xe cúp 87 cà tàng và dàn âm thanh này đây”- Long kể lại ngày đầu đến với nghề. Gia đình có 5 anh em, Long không học hành đến nơi đến chốn, cha mẹ lại già nên Long lên Sài Gòn kiếm sống giúp gia đình. “Từ khi có thêm nghề bán kẹo kéo, mỗi tháng em cũng kiếm được vài ba triệu gửi về quê cho em ăn học để đỡ đần mẹ già”- Long kể.

Từng là những thanh niên ăn chơi lêu lổng, đến bây giờ nhóm ca sĩ vỉa hè gồm hai thành viên Hạnh và Hùng đã chí thú làm ăn sau khi được Sĩ và Long dẫn dắt. Hạnh và Hùng cùng ở Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đều đã 21 tuổi. Hùng tâm sự: “Em phải kiếm thật nhiều tiền để lo cưới vợ anh ạ” “Hát rát cả cổ họng, mời khách mua kẹo mỏi tay mới bán được năm ba cây kẹo, giờ ăn tiêu phung phí thấy tiếc lắm”- Hạnh nói.

Sau khi hát ở mấy quán trên đường Hoàng Diệu, ở quận 4, Long cùng tôi và Sĩ định tấp xe vào vỉa hè chỗ quán thịt dê Tri Kỷ trên đường Nguyễn Văn Linh. Tuy nhiên khi thấy ở góc quán, một xe nhạc khác do một thanh niên tóc nhuộm đỏ vàng điều khiển cũng tấp vào,  bỗng Long khựng lại một lát rồi rồ ga chạy tiếp. “Quán này đông khách sao không vào”- tôi hỏi. Long bảo: “Đụng hàng. Đây là lãnh địa của nhóm thằng Bi, Sân khấu vỉa hè khu quán này của nó, mình lớ ngớ vào nó suỵt chết”.

Hát ở sân khấu vỉa hè cũng phải có lãnh địa? Tôi hỏi Long. Hắn giải thích: “Không ai bắt buộc cả nhưng tụi em ngầm hiểu với nhau như vậy, đứa này hát ở chỗ này thì cách nhau 30 phút hoặc một tiếng sau đứa khác mới được tới, không tập trung một chỗ, khách sẽ chán”. Long tiếp: Nhóm của thằng Bi thuộc ông chủ khác, nên không được đụng hàng rất dễ sinh chuyện.

Theo Long kể lại, gần 2 năm làm nghề hát dạo bán kẹo kéo, đã chứng kiến hàng chục vụ ca sĩ đánh nhau vì giành sân khấu vỉa hè. “Mới đây, cũng chỉ vì giành quán để hát, nhóm Hạnh và Hùng cũng bị thằng Bi dùng micro đánh vô ngay miệng làm gãy răng không hát hò gì được, thế là đói” - Long kể.

Sĩ góp thêm: “Cũng có nhiều nhóm đánh nhau vì ghen tức, máy móc bị đập hư hỏng phải còng lưng làm việc không công để đền cho chủ”.

Có hôm khi chúng tôi dạt vào một quán nhậu bình dân trên đường Nguyễn Tường Tộ, quận 4 liền bị chủ quán hải sản ở đây đuổi thẳng, mặc cho Long bật nhạc chuẩn bị hát. “Hát với hò, chỉ được cái làm phiền người khác” - bà chủ la lớn khiến chúng tôi lên xe bỏ đi. Long giải thích, có một số thằng chỉ toàn hát nhép, vừa cầm micro vừa bán kẹo , rồi chèo kéo khách mua khiến nhiều khách tới nhậu ở quán một lần rồi... lặn luôn. Thế là chủ bực mình, đứa nào tới cũng bị đuổi.  

MỚI - NÓNG