Nỗi lòng mẹ vợ trong phiên xét xử con rể

Bị cáo Nguyễn Thành Luân (giữa) và bố vợ (áo kẻ sọc) trước tòa
Bị cáo Nguyễn Thành Luân (giữa) và bố vợ (áo kẻ sọc) trước tòa
Bà Bi bảo không biết có phải cái tên vận vào bà hay không mà quãng đời nào của bà cũng đầy nước mắt. Ở lứa tuổi xế chiều, bà lại chịu cảnh bất hạnh khi chồng, con rể vào tù.

Nỗi lòng mẹ vợ trong phiên xét xử con rể

Bà Bi bảo không biết có phải cái tên vận vào bà hay không mà quãng đời nào của bà cũng đầy nước mắt. Ở lứa tuổi xế chiều, bà lại chịu cảnh bất hạnh khi chồng, con rể vào tù.

Bị cáo Nguyễn Thành Luân (giữa) và bố vợ (áo kẻ sọc) trước tòa
Bị cáo Nguyễn Thành Luân (giữa) và bố vợ (áo kẻ sọc) trước tòa.
 

Phiên xét xử Nguyễn Thành Luân (27 tuổi, ở Phú Xuyên) về tội Giết người diễn ra tại TAND Hà Nội vào ngày đầu hè oi bức, khán phòng chật ních người dự. Một bên là gia đình của bị hại với nỗi buồn đau hằn lên trên những gương mặt lam lũ. Một bên là gia đình bị cáo với đầy nỗi lo lắng, thấp thỏm.

Nghe tiếng khóc của đứa trẻ hơn một tuổi ngoài hành lang phòng xử, bà Phạm Thị Bi (52 tuổi) lật đật chạy ra ngoài, ôm đứa cháu ngoại vào lòng, vỗ vỗ vào lưng bé. Đứa trẻ thấy bà vội níu chặt tay, im bặt, mắt ngơ ngác nhìn quanh.

Bà Bi bảo ngày xét xử Luân (con rể) về tội Giết người và ông Truy (chồng bà) về tội Cố ý gây thương tích, bà không gửi được cháu cho ai nên mấy mẹ con bà cháu bìu ríu đến tòa án, một phần cũng để cho "cha nhìn thấy con, ông nhìn thấy cháu". Khó khăn lắm, bà mới xin được cho đứa bé cùng vào tòa.

Đưa bàn tay đen nhẻm quệt vội những giọt nước mắt đang chảy tràn trên gương mặt lam lũ, bà Bi bảo không biết có phải chính cái tên đã vận vào cuộc đời của bà không mà quãng đời nào cũng đầy nước mắt. Nhà nghèo, không được học hành tử tế nên tuổi thơ bà là những tháng ngày vật vã mưu sinh, trang trải cuộc sống. Không được trời phú cho chút nhan sắc, gần 30 tuổi bà mới lấy chồng. Người đàn ông bà gá nghĩa cũng đã qua một đời vợ.

Hàng ngày bà đi làm thuê, có lúc gánh gạch, ông Truy làm thợ xây dựng, bữa đói bữa no nhưng cuộc sống đầm ấm. Lấy nhau 7 năm, ông bà cũng không sinh được mụn con.

"Nhiều người khuyên tôi bỏ chồng, nhưng tôi nghĩ đến cái tình cái nghĩa. Ông ấy là người hiền lành, tử tế, yêu thương tôi. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng trời rét đi làm về, bao giờ ông ấy cũng đun cho tôi nồi nước nóng để tắm", bà buồn bã kể.

Bà Phạm Thị Bi và đứa cháu ngoại
Bà Phạm Thị Bi và đứa cháu ngoại.

Thương chồng, bà quyết định xin một đứa con nuôi. Nghe người ta mách bảo, bà xin được một đứa bé gái 7 tháng tuổi của một người phụ nữ trẻ lỡ dở, rồi đặt tên con là Hạnh. Bà bảo ông bà hiếm muộn nên coi Hạnh như đứa con ruột thịt của mình. Có bao nhiêu, ông bà dành hết cho Hạnh đi học, hy vọng con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, tròn đầy hơn cha mẹ.

Nhưng học hết lớp 11, Hạnh bỏ học đòi lấy chồng. Thương con, bà vay mượn, tổ chức đám cưới rồi xin cho con rể về ở cùng vợ chồng bà, mở một cửa hàng sửa chữa xe máy. Nhưng rồi bất ngờ tai họa lại ập xuống đầu bà. Tối 19/9/2011, bà nghe người ta nói chồng và con rể đã đâm chết người. Bà tất tả chạy ra...

Sau đó, con rể bà cùng chồng bà bị bắt và truy tố về tội Giết người, Cố ý gây thương tích. Bản cáo trạng xác định, tối 19/9/2011, ông Ngô Văn Truy (55 tuổi, ở xã Nam Triều) gọi điện thoại cho cho Lê Văn Hiển (tức Chung) để đòi tiền công thợ xây dựng. Hai bên lời qua tiếng lại trên điện thoại, Hiển hẹn ông Truy nói chuyện.

Đến nơi được một lúc, ông Truy thấy con rể đến, mang theo một con dao nhọn tự chế. Lúc này ông Hiển cũng đi xe máy chở theo một người đến. Thấy ông Hiển, Luân hỏi: "Sao chú không trả tiền công cho bố cháu?". Ông này không trả lời mà nói "Mày thích gì" rồi lấy mũ cối đánh Luân. Hai bên rượt đuổi, ông Hiển bỏ chạy.

Nhận điện thoại của ông Hiển nói đang bị đánh, anh Nguyễn Đăng Huế (33 tuổi) và một số người chạy ra. Khi qua cầu chui Pháp Vân, họ gặp ông Truy và Luân đang đi xe về, hai bên lao vào đánh nhau. Luân rút dao tự chế ra đâm 3 nhát vào ngực, tay anh Huế…

Bà Bi bảo, từ ngày chồng và con rể bị bắt, bà mất nhiều đêm không ngủ, cuộc sống của hai mẹ con càng hiu quạnh. Bà thương cô con gái đang mang thai 6 tháng, sinh con biết trông cậy vào ai. Bà đau ốm chẳng làm được gì, hai người đàn ông trụ cột trong gia đình giờ đang vướng vòng lao lý.

"Tội nghiệp đứa cháu tôi sinh ra chẳng biết mặt bố, cuộc đời rồi cũng sẽ khổ vì không được cha chăm sóc, dạy dỗ", bà vừa nói vừa nựng đứa cháu gái 17 tháng đang nằm ngoan ngoãn trong vòng tay. Nói rồi bà vội vã trao cháu cho một người họ hàng rồi vào dự tiếp phiên tòa.

Trước vành móng ngựa, Luân thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía vợ và gia đình nội ngoại đang ngồi phía dưới. Lý giải về tội ác của mình, Luân khai do không kiềm chế được khi thấy ông Hiển không trả tiền bố vợ mà còn lên tiếng thách thức. Sau đó, ông Hiển gọi người ra, anh ta không kiềm chế được nên đã ra tay.

Nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án, Luân quay xuống phía gia đình bị hại giọng ân hận: "Cháu thành thật xin lỗi gia đình anh Huế. Sự việc xảy ra khiến hai bác mất đi một người con, vợ mất đi người chồng, và các cháu nhỏ mất đi người cha, đó là sự mất mát lớn. Bản thân cháu giờ đây phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, cũng là điều rất đau đớn. Cháu xin hai bác và gia đình lượng thứ".

Xét thấy hành vi của bị cáo nguy hiểm, có tính chất côn đồ, Tòa đã tuyên phạt Luân mức án chung thân. Ông Truy 19 tháng 18 ngày tù (đúng bằng thời hạn tạm giam), ông Hiển cũng nhận mức 22 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng.

Phiên tòa kết thúc, bà Bi lật đật chạy theo chồng và con, dặn với theo nhưng không kịp. Bà bước chân nặng nhọc, khuôn mặt thất thần ra khỏi tòa án trong cái nắng gắt giữa trưa.

Theo Anh Thư
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG