Nỗi lo văn hóa ngoại lai

Các sao Việt mặc quân phục Hàn Quốc bắt chước phim “Hậu duệ Mặt trời” bị chỉ trích mạnh mẽ.
Các sao Việt mặc quân phục Hàn Quốc bắt chước phim “Hậu duệ Mặt trời” bị chỉ trích mạnh mẽ.
TP - Cùng với trào lưu văn hóa Hàn Quốc đang du nhập mạnh mẽ và gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Việt, nỗi lo về sự xâm lấn văn hóa ngoại lai, xa rời văn hóa truyền thống của người Việt cũng đang được đặt ra. Một hội thảo về vấn đề này vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo “Giao lưu văn hóa trên truyền hình giữa Việt Nam và Hàn Quốc” vừa diễn ra tại Hà Nội do Tổ chức Truyền thông Văn hóa Hàn Quốc chủ trì đã quy tụ được khá nhiều học giả Việt Nam và Hàn Quốc. Hai bên cùng bàn về những mặt tích cực và tiêu cực của Làn sóng Hàn Quốc.

Bài thuyết trình với chủ đề “Xung đột văn hóa và đặc điểm phản đối làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam” của giáo sư Kim Su Jeong, Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc gây sự chú ý đặc biệt. Nó gây chú ý bởi lẽ, đây là cuộc khảo sát do chính người Hàn Quốc thực hiện. Có diễn giả Hàn Quốc tham dự hội thảo cho biết, ông ngạc nhiên vì lần đầu tiên được biết tới hiện tượng này. Thực tế, người Hàn Quốc không ngại đề cập tới mặt tiêu cực.

Giáo sư Kim đã cùng nhóm cộng sự của mình thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến từ tháng 7 đến tháng 8/2015 với 50 người trẻ tại Bắc- Trung- Nam của Việt Nam về sự phản đối làn sóng Hàn Quốc. Nghiên cứu của bà có sự tham khảo với các trang báo điện tử của Việt Nam và  trang facebook anti kpop (tập hợp những người ghét K-pop, âm nhạc đại chúng Hàn Quốc). Hiện tượng cuồng sao Hàn thái quá của giới trẻ Việt đã trở thành vấn đề xã hội nhức nhối ở Việt Nam thời gian gần đây. Việc phản đối Làn sóng Hàn Quốc trở nên cao trào trước cơn sốt vé xem nhóm nhạc Super - Junior đến Việt Nam năm 2015, một vài fan cuồng viết trên facebook: “Nếu ai tặng vé xem nhạc thì sẵn sàng ngủ qua đêm với người đó”, hay "Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn...”.

Qua điều tra này, theo giáo sư Kim, phe phản đối Làn sóng Hàn Quốc cũng nêu ra những điểm yếu đang hiện hữu như: âm nhạc rẻ tiền, K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc không còn gì đặc sắc, ai xem cũng biết trước kết cục, nội dung phim phi thực tế... Chính sự chỉ trích gay gắt của phe phản đối đã làm cho những fan cuồng có sự thay đổi.

Giáo sư Kim cho biết: “Cái gì thái quá cũng dẫn đến tiêu cực. Ở ngay Hàn Quốc, không phải là không có thái độ tiêu cực khiến người Hàn Quốc cũng lo lắng. Trung Quốc và Nhật Bản đã từng rất yêu thích Làn sóng Hàn Quốc và giờ bắt đầu chống đối và nay là Việt Nam. Điều nguy hại là từ chống đối Làn sóng Hàn Quốc dẫn đến việc ghét người Hàn Quốc”.

Nỗi lo văn hóa ngoại lai ảnh 1

Sự khác nhau giữa phim (Hậu duệ Mặt trời) và đời thật của lính Hàn Quốc.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về giao lưu văn hóa, giáo sư Kim chia sẻ: “Tại các quốc gia tiếp nhận văn hóa nước ngoài, không bao giờ có chuyện hòa hợp hoàn toàn. Do đó, trong phát triển văn hóa cần phải có sự cân bằng. Làn sóng Hàn Quốc ngoài việc quảng bá ảnh hưởng ra nước ngoài nhưng vẫn cần phải bảo vệ văn hóa truyền thống bản địa, ở đây là văn hóa Việt Nam”.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, giảng viên khoa báo chí truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết thêm, bộ phim “Hậu duệ mặt trời” mới đây cũng gây sốt tại Việt Nam và cũng là lúc dậy sóng chống đối Làn sóng Hàn Quốc khi các sao Việt đua nhau mặc quân phục Hàn Quốc. Chủ yếu là những chỉ trích của người Việt đối với những người Việt vì thói a dua, thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc. Bà Huyền cũng gợi ý, việc biên tập lời thoại trong các bộ phim đang phát trên truyền hình Việt Nam cũng cần cẩn trọng hơn, nếu không sẽ làm dâng cao làn sóng phản đối Hàn Quốc. Bà lấy ví dụ gần đây nhất có một bộ phim có lời thoại gây tranh cãi khi một bà mẹ Hàn Quốc mắng con trai: “Nếu con mà cứ lười biếng, ham chơi thì chỉ có đến Việt Nam mà lấy vợ”.

Nỗi lo văn hóa ngoại lai ảnh 2
Nỗi lo văn hóa ngoại lai ảnh 3
Nỗi lo văn hóa ngoại lai ảnh 4

Fan cuồng của nhóm nhạc T-ara

Ông Trương Văn Minh, nguyên Trưởng Ban biên tập, Đài truyền hình TPHCM cho biết, Làn sóng Hàn Quốc vào Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn: Thâm nhập (1997- 2000)- Bùng nổ (2000- 2005)- Bão hòa (2005 đến nay). Ông cho biết, hiện nay khán giả Việt Nam  “ngán” cả phim truyền hình Hàn Quốc lẫn Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Minh cũng thừa nhận, việc hợp tác với truyền hình Hàn Quốc đã đem lại sự phong phú, đa dạng cho truyền hình Việt Nam. Hàn Quốc là nước đầu tiên hợp tác với Việt Nam về format truyền hình thực tế, trong đó có thể kể đến chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” rất được yêu thích.

Trao đổi riêng với Tiền Phong về trào lưu chống đối Làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Koh Young Ju, Chủ tịch Tổ chức Truyền thông Văn hóa Hàn Quốc cho cho biết: “Phong trào chống lại Làn sóng Hàn Quốc ở Nhật Bản, Trung Quốc có yếu tố chính trị, còn ở Việt Nam chỉ là sự khác biệt văn hóa, là sự lo lắng thái quá trước những hiện tượng không phải là phổ biến, mà chỉ là hiện tượng nổi lên gây tâm lý lo lắng cho thế hệ sau. Để giải quyết vấn đề này, việc lựa chọn các chương trình truyền thông phù hợp là cần thiết và cần có sự chung tay của các đơn vị truyền hình hai nước để tạo nên các chương trình truyền hình hợp với thuần phong mỹ tục và sở thích của người Việt. Đây cũng là thời điểm để những người làm truyền hình xem xét lại và có những lựa chọn phù hợp hơn”. 

Theo một số liệu thống kê, có thời điểm, có tới 56 đài truyền hình cả nước phát phim Hàn Quốc, mỗi ngày có đến 20 bộ phim Hàn Quốc được phát trên các đài truyền hình Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Lại dừng phá bỏ tòa nhà đẹp nhất Cà Mau
Lại dừng phá bỏ tòa nhà đẹp nhất Cà Mau
TPO - Liên quan đến việc xử lý tòa nhà đẹp nhất Cà Mau xây không phép trên đất nông nghiệp, UBND TP. Cà Mau lại thống nhất cho chủ căn nhà chuyển mục đích sử dụng đất, thay vì đường chế phá dỡ phần vi phạm như quyết định trước đó.