Nỗi lo từ cầu Cửa Đại

Nỗi lo từ cầu Cửa Đại
TP - Không khí hồ hởi từ buổi khởi công cầu Cửa Đại (Quảng Nam) hôm 30-8-2009, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nay nhường chỗ cho nỗi lo của người dân ngay vùng di dời.

Họ lo lắng về chỗ ở, về ngành nghề sản xuất. Chưa kể những di tích văn hóa lịch sử gắn liền với vùng đất này, số phận của nó chưa biết sẽ được định đoạt thế nào.

Nỗi lo từ cầu Cửa Đại ảnh 1
Bến An Lương (Duy Hải) - nơi có dịch vụ hậu cần nghề cá duy nhất ở đây. 
Ảnh: T. Việt

Ôm cục tiền mà run

Những ngày này, về xã Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên, nơi đặt đầu cầu bờ nam, được nghe toàn chuyện tiền từ đền bù. Chủ trương đền bù đất theo giá mới làm bà con phấn khởi.

Một nông dân tại thôn Sơn Viên, tính: 1 sào đất làm rau, mỗi năm 2 vụ, giỏi lắm thì lãi hơn 1 triệu, nay được đền bù 45 triệu, không sướng sao được? Một vùng đất cát mênh mông, mạnh ai nấy khai phá, đắp đổi kiếm sống qua ngày, nay vụt biến thành vàng. Vào các quán xá dọc chợ Nồi Rang, trung tâm xã cứ nhìn thanh niên “nổ” bia là biết ngay. Thanh niên rủng rỉnh tiền triệu.

Bà con xầm xì nhà ông L.T.A chơi sang. Vợ chồng ông có 6 đứa con, đất vườn mênh mông nhưng không cứu ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Nay nhận tiền đền bù gần  tỷ bạc. Bà con kể, ông bị xỉu vì choáng! Lập tức, hai anh con trai cầm ngay 80 triệu đi mua 2 chiếc Air Blade.

Đời đã đổi. Nhưng, người tỉnh táo hơn lại đang lo. Anh Trần Phong, thôn Sơn Viên cho biết anh mới nhận  đền bù hơn 50% diện tích đất sản xuất, với số tiền 200 triệu. Nhà anh có 5 sào, 2 đứa con học đại học, 1 đứa lớp 9, thuộc diện hộ nghèo. “Cả đời tôi chưa bao giờ cầm 20 triệu, nay sướng thì có, nhưng lo thắt ruột. Mai mốt tiền ăn hết, thì có đi ăn mày”.

Chưa biết sẽ vào ở đâu, nhưng qui định thì đã rõ: Dân làm nghề phi nông nghiệp, đất ở và sản xuất là 108 m2, dân nông ngư nghiệp như anh Phong được nhận 300 m2. “Chừng đó đất thì làm cái chi? Một nửa làm nhà, nửa còn lại trồng , nuôi con chi? Người ăn lở núi. Nếu còn đất, không giàu thì cũng đủ qua ngày, làm nông mà không đất, bạc tỷ cũng trôi sông”.

Nỗi niềm trên đâu chỉ của anh Phong và nhiều người dân Duy Nghĩa. Xã láng giềng là Duy Hải cũng không khác. Theo tính toán, 1.800 hộ của xã sẽ được cấp gói gọn 200 ha đất ở và sản xuất, 800 ha còn lại giao cho dự án.

Lãnh đạo xã cho biết: Nếu qui hoạch du lịch sinh thái thì được, nhưng đây không phải như vậy, sẽ không ổn về dân sinh. Dân làm nông ngư nghiệp, cấp 300 m2, không đủ chỗ phơi lưới, nói chi nuôi, trồng?

Đây là xã ven biển, ai lấy từ đâu ra con số Duy Hải có hơn 60% dân sống nghề phi nông nghiệp, để rồi chia cho mỗi hộ 180 m2, trong khi thực tế con số trên chỉ hơn 10%. Bà con thống nhất với chủ trương di dời, nhưng họ hỏi: Trong nhà có ba thế hệ sinh sống, tôi có quyền tách thửa không? Chủ trương là không cho, mà không cho là vi phạm nghị định 84 của CP, rằng người sử dụng đất được quyền tách thửa.

Bà con nói: Không cho tách cũng được, nhưng khi đền bù, ba thế hệ có gia đình riêng trên có được đền bù 3 lô đất để ra riêng không? Chưa ai trả lời được. Dân ở đây phần lớn làm nghề biển, qui hoạch gì thì qui hoạch, nhưng nếu không có dịch vụ hậu cần nghề cá, coi như thất bại.

Nỗi lo từ cầu Cửa Đại ảnh 2

Anh Trần Phong: “Mai này đi, không biết có đủ đất để trồng trọt sinh sống?” 
Ảnh: T.Việt

Bờ vui xa ngái

Tại phiên họp vừa rồi của HĐND tỉnh, các đại biểu chất vấn lãnh đạo tỉnh về chuyện ổn định dân sinh vùng dự án này, thì được câu trả lời khá chung chung, rằng quỹ đất đó sẽ đủ cho đến năm 2025.

Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, cho rằng nói như vậy là qua loa, là “đuổi gà qua đám giỗ”, bởi ở không quan trọng bằng việc làm ra cái chi để ăn, mới ở ổn được.

Dân vùng đông Duy Xuyên sống nhờ rau màu là chính, nay khoanh họ lại, cấp cho ít đất, liệu họ đủ sống không, khi phương thức canh tác ở đây khá đặc thù: Họ có giếng nước trong vườn, đi làm sớm hoặc trưa, tối về, họ  tưới rau, tranh thủ lúc rỗi làm thêm. Nay đẩy họ đi sản xuất nơi xa, chuyện đó sẽ được giải quyết ra sao?

Ông Dương Đức Quý, phó ban VHXH chất vấn: Khu vực Duy Hải được giới khảo cổ học đánh giá là vùng tiền cảng, có trước đô thị cổ Hội An, nhiều di tích văn hóa lịch sử có giá trị đã được xác định, nay nằm hết trong khu vực di dời, giải tỏa, giải pháp sẽ ra sao? Câu trả lời: cũng chưa biết!

Bà con thôn Trung Phường, nơi có chùa Trung Phường vốn là di tích lịch sử cấp tỉnh, trước đây có nhiều hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, nhiều dấu tích của việc giao thương trên biển thời “con đường tơ lụa”, âu lo: Chùa có bị phá không?

Có người cho rằng chuyện tín ngưỡng, chắc nhà nước sẽ tôn trọng. Nhưng, quanh chùa sẽ biến thành các khách sạn, nhà hàng cao cấp, chùa sẽ cô đơn lọt thỏm giữa cao ốc,  lúc đó còn cũng như không.

Chuyện tái định cư vùng dự án, lâu nay vẫn được đặt vấn đề: Nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Đó là mong muốn, chứ đố ai chỉ ra được vùng tái định cư nào đạt được chuyện đó?

Quanh đi quẩn lại cũng là chuyện áo cơm, sinh hoạt. Dự án  này mới khởi công, qui hoạch chưa công bố, nguyện vọng của bà con là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần lắng nghe và quyết định chính xác, để cây cầu Cửa Đại không chỉ là bờ nối hai di sản Mỹ Sơn và Hội An như cách nói  bóng bẩy lâu nay, dù Mỹ Sơn cách đó 50 km , mà còn hợp lòng dân một cách thực sự và lâu dài.

MỚI - NÓNG