Cơn ác mộng "transit", "delay"
Các CLB cũng như cầu thủ đã quen với cảnh đi về bằng máy bay. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ, các cầu thủ đã có mặt ở địa điểm thi đấu mà không hề tốn sức. Nhưng nhiều khi "những chuyến du hành trên không" lại mang không ít phiền phức cho các tuyển thủ.
Ở chuyến bay sang Ả-Rập Xê-Út, BHL và các tuyển thủ Olympic Việt Nam phải mất 3 chuyến transit mới có mặt ở thủ đô Riyad. 30 tiếng đồng hồ liên tục từ sân bay Nội Bài tới khi có mặt ở Trung Đông, các cầu thủ la oai oái, liên tục lắc mình để tránh bị co rút. Quãng thời gian ngồi transit ở Bangkok (Thái Lan) rồi Dubai (các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất) cũng mất tầm vài ba tiếng, khiến các cầu thủ gần như ngủ gục trên ghế chờ tại sân bay.
Tài Em cầm chiếc di động có hình con trai ngắm nhìn trong khi chờ transit. |
"Gần 60 tiếng ngồi trên máy bay, chưa bao giờ tôi và các đồng đội lại thấy những chuyến bay dài và nhiều ám ảnh như thế. Ngồi trên không gần 2 ngày, khi xuống mặt đất vẫn còn lâng lâng như đi trên mây. Tới lúc ngồi lại máy bay đi đá ở V-League vẫn còn hãi. Có lẽ chưa bao giờ tôi lại thèm ngủ nướng, đi lại bình thường như lúc này. Còn 2 chuyến đi về vừa qua, tôi coi như ác mộng vậy", một tuyển thủ của SHB Đà Nẵng cho biết.
Chuyện transit chờ bay đã là bình thường, nhưng chuyện các sân bay liên tục "delay" hoãn chuyến cũng khiến không ít các tuyển thủ than trời. Sau trận đấu Việt Nam gặp Qatar vừa qua, tân binh Tuấn Mạnh là người đen đủi nhất vì chàng thủ môn trẻ người Thanh Hóa đã bắt chuyến bay từ Hà Nội lên phố núi ngay vào sáng 29/7, nhưng không hiểu có chuyện gì, các chuyến bay lên Pleiku liên tục “delay” 2 ngày liên tục.
Tới sáng 31/7, Mạnh mới ngồi lên máy bay trở về Gia Lai. Nhưng do mây phủ kín sân bay phố núi, máy bay lại vòng ngược về TP.HCM và mãi tới hơn 12 giờ trưa, Mạnh mới có mặt ở TTHL Hàm Rồng. Oái oăm hơn, ngày 31/7 lại là sinh nhật thứ 21 của chàng thủ môn Hoàng Anh GL. Tuấn Mạnh chỉ cười khi nhắc lại ngày sinh nhật gắn liền với những chuyến bay bị “delay” liên tục, khiến chàng "người nhện trẻ" mất 3 ngày trời mới có mặt ở đội nhà.
Nỗi khổ ăn mì gói và thời tiết thất thường
Sau những chuyến bay dài, việc nạp năng lượng để lấy lại sức lực luôn rất quan trọng với các tuyển thủ. Nếu đi qua Đông Á, chuyện ăn uống khá dễ với các cầu thủ Việt Nam, do có cùng văn hóa ẩm thực. Nhưng ở Đông Nam Á, chuyện ăn uống lại cực kỳ phức tạp. Ngay ở Thái Lan, các món ăn thường rất nhiều ớt. Nếu các tuyển thủ không quen với mùi cà ri, rất khó cho các cầu thủ mỗi khi ăn các món ở khách sạn. Ở Malaysia, Indonesia các món ăn lại thường rất khó nuốt theo kiểu đạo Hồi. Do đó, các tuyển thủ dày dặn kinh nghiệm đi xa nhà thường chuẩn bị sẵn mì gói là thực phẩm tiện lợi trong hành lý, bên cạnh giày, tất và áo đấu.
Mì gói là thức ăn chính của các tuyển thủ khi tới địa điểm thi đấu không hợp văn hóa ẩm thực |
Ngoài ra, chuyện làm quen với khí hậu cũng chẳng dễ dàng. Nhiều tuyển thủ nhắc tới cái lạnh tại Đông Á với một sự hãi hùng. Còn nhớ năm 2006, đội SHB Đà Nẵng sang Nhật Bản đá cúp C1 Châu Á với Gamba Osaka. Thời điểm đó Nhật Bản đang bước vào mùa đông nên rất lạnh, khí hậu xuống dưới 0 độ C. Do không lường trước thời tiết, BHL lẫn cầu thủ Đà Nẵng không chuẩn bị áo ấm đặc chủng để chống cái lạnh khắc nghiệt xứ người.
Nhắc lại kỷ niệm ấy, một tuyển thủ cũ của đội bóng này thổ lộ: "Khi chúng tôi bước ra sân tập, trời lạnh khủng khiếp. Tuyết rơi đặc quánh, còn anh em ăn mặc phong phanh. Có cầu thủ bất tỉnh trên đường về khách sạn vì chịu không nổi cái lạnh. Sau đó, đội bạn có cung cấp áo ấm đặc chủng. Nhưng nửa đội hình bị sốt, chúng tôi không đủ sức ra sân. Kết quả SHB Đà Nẵng thua tới 0-15 và bị dư luận trong nước phản ứng dữ dội…"
Ngay cả tuyển thủ hiện nay, vốn được chuẩn bị tới tận răng, cũng hãi hùng khi nhắc tới điều kiện thi đấu khi đá quốc tế. Trong chuyến đi tới Riyad, Qatar vừa qua, thời tiết luôn trên 50 độ C. Cái nóng khô khốc tới cháy da thịt, chuyện thở đã khó chứ đừng nói tới việc chạy, cướp bóng và ghi bàn. Trận đấu giữa Qatar - Việt Nam được diễn ra tại sân vận động có máy lạnh khổng lồ. Nhưng trước trận, nhiều tuyển thủ mệt mỏi, mất nước do khí hậu quá khắc nghiệt ở nước bạn.
Rõ ràng, mỗi chuyến đi xa đều là thách thức đối với cầu thủ Việt Nam. Và những hệ lụy mang tính khách quan đôi khi khiến các tuyển thủ không có được sự chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu. Bởi vậy, họ rất cần sự đồng cảm từ những người hâm mộ…
Theo Bưu Điện Việt Nam