Nỗi đau da cam và cổ tích về cô giáo vùng cao

Nỗi đau da cam và cổ tích về cô giáo vùng cao
Bố từ giã cõi đời sau bốn năm liệt giường, một tháng sau người chị lành lặn duy nhất cũng ra đi bởi căn bệnh tim quái ác. Ba người chị nhiễm chất độc da cam nheo nhóc, rúm ró trong góc nhà, anh trai điên điên, dại dại...

Ruột cô như có ngàn mũi dao cào xé, tưởng chừng cô không còn sống nổi... Thế mà giờ đây trước mắt tôi, cô gái tuổi 20 ngày ấy đã trở thành một cô giáo chững chạc trên bục giảng.

Ngược vùng cao thăm cô giáo

Từ thành phố Vinh nhảy xe khách dọc theo Quốc lộ 46 hơn 40 cây số,  băng qua bãi cát dài, quá giang thêm một chuyến đò ngang, rồi bắt xe ôm khoảng 10 km đường núi, tôi đến được xã vùng cao Thanh Hà đi tìm cô giáo Trần Thị Thủy ở xóm 9 xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Tìm nhà  không khó, nhưng vào được nhà thật vô cùng vất vả. Vừa qua trận mưa giông con đường vào xóm 9 nơi cô Thủy ở bị ngập lút, nước băng qua cả một quãng dài, tiếp bờ rồi chưa kịp nghỉ ngơi lại leo qua con dốc đứng, đất đỏ trơn như mỡ. Theo hướng chỉ của một đứa trẻ chăn trâu, nhà cô ở vót cheo leo trên cao.

Vừa vào đến bắt gặp ngay người đàn ông. Thấy khách lạ, anh ta hoảng hốt, mắt nhìn thao láo rồi chạy vụt lên quả đồi sau nhà.

Mẹ cô Thủy lọm khọm bước từ trong nhà ra, nói: “Chú đừng sợ, đấy là anh trai của Thủy, nó bị bệnh thần kinh. Còn ba chị nó đang ở trong nhà”. Theo chân bà tôi bước xuống căn nhà bếp tồi tàn ẩm thấp thăm ba người chị. Cả ba ngồi ngay ở cửa, gương mặt khó đoán tuổi. Nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, cả ba đều chân tay teo tóp, lưng gù, hai vai gồ lên, người nhỏ như đứa trẻ lên tám…

Vượt lên số phận

Trúng tuyển CĐSP Nghệ An nhưng hoàn cảnh gia đình không thể theo học được. Tuy vậy ước mơ làm cô giáo không hề nguôi. Thủy còn nhớ như in: “Em đi bộ cả chục cây số ra xã để xin một suất đi dạy mầm non. Lặn lội nhiều lần may mà các bác ở xã chấp nhận”.

Nhưng hồi ấy dân nông thôn ăn còn không đủ không ai dám nghĩ đến chuyện cho con em mình đi học. Trường lớp sách vở, học sinh... bao nhiêu câu hỏi nan giải. Thủy vẫn quyết tâm mở lớp ngay trong hai gian nhà tranh của mình. Phòng học vài ba chiếc bàn gỗ kê tạm, được đặt trang trọng ngay ở gian thờ cúng.

Ban đầu chỉ vài em học, rồi Thủy đi vận động từng nhà, dần dần số lượng các cháu theo học ngày càng đông hơn. Năm 1996, lớp Thủy có đến 22 cháu theo học.

Thủy nhớ lại: “Đứng lớp chốc chốc em lại phải chạy vào nhà trong, lúc dìu chị ba đi, khi thì bón cháo cho chị năm...”. Thoăn thoắt như con thoi, đi dạy một buổi một buổi Thủy lại ra đồng làm công việc đồng áng.

Hồi ấy cả nhà 6 miệng ăn nhưng chỉ có 2 lao động, cả sáu sào ruộng đều đè lên vai cô gái gầy yếu. “Nhiệt tình hết mình, nhưng nhiều lúc em sợ mình không còn đủ kiên nhẫn bám trụ. Lương giáo viên mầm non hồi ấy (năm 1994) chỉ có 15 nghìn đồng một tháng, hoặc nhận 15 kg thóc thì khỏi lĩnh tiền”- Thủy tâm sự.

Cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Hà cho biết: “Cả bốn năm lại đây Thủy đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Thủy là một cô giáo đầy nghị lực, là niềm tự hào của cả trường Mầm non Thanh Hà”.

Khi được hỏi về thành tích cô giáo Thủy chỉ cười khiêm tốn: “Em đã làm được gì to tát đâu, trong cuộc sống này còn biết bao cảnh đời bất hạnh hơn em nhiều nhưng họ vẫn sống, vẫn cống hiến cho đời”. 

Lâm Hoài
(K49 Báo Chí ĐHKHXH&NV Hà Nội)

MỚI - NÓNG