Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ lưỡng sẽ thấy cả 3 đội bóng này đều không đến Việt Nam theo con đường thương mại thuần túy, như cái cách các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đón tiếp các đội bóng nổi tiếng nước ngoài.
Olympic Brazil đến Hà Nội năm 2008 vì họ cần làm quen với điều kiện khí hậu nhiệt đới trước khi sang Bắc Kinh tham dự Olympic 2008, còn Arsenal đến Việt Nam thông qua nỗ lực của bầu Đức, người bỏ tiền mua biển quảng cáo ở sân Emirates và bỏ tiền mở Học viện bóng đá mang tên Arsenal ở Việt Nam.
Trong khi đó, Man City lẽ ra đã đến Jakarta, nhưng vì LĐBĐ Indonesia đang chịu lệnh cấm thi đấu của FIFA nên Man City đã chuyển hướng sang Việt Nam.
Sự hạn chế về khả năng thu hút các đội bóng nước ngoài của chúng ta càng thể hiện rõ hơn ở việc Arsenal từng tới Hà Nội cách đây 2 năm và dù khi ra về đã để lại những lời có cánh, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sớm quay lại, trong khi hè này Arsenal vẫn có lịch du đấu ở Đông Nam Á.
Có nhiều lý do giải thích cho sự hạn chế này, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất phải là tài chính, bởi kinh nghiệm tổ chức thi đấu quốc tế ở Việt Nam cho thấy, với những trận đấu mà đối tác yêu cầu lệ phí ra sân chừng 2 triệu USD thì nhà tổ chức cầm chắc lỗ nặng vì thu không bù chi, trong khi 2 triệu USD gần như là mức giá sàn để những đội bóng như Man Utd hay Barcelona nhận lời ghé thăm trong lịch du đấu mùa hè.
Vì thế, có lẽ trong tương lai người hâm mộ Việt Nam lại phải tiếp tục phấp phỏng chờ đợi xem có đội bóng nổi tiếng nào bất ngờ thay đổi lịch du đấu mùa hè vào phút chót để đến Hà Nội.