Người sử dụng ma túy khi bị “ngáo đá” thường rất hung hãn, tiềm ẩn nhiều mối nguy có thể xảy ra cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
Hút chích công khai nơi công cộng
Sau nhiều đợt ra quân của cơ quan chức năng, tình trạng người nghiện công khai hút chích ma túy không còn diễn ra rầm rộ, thay vào đó là những cuộc “hành sự” rất chớp nhoáng để không bị phát hiện.
Những khu vực ưa thích “hành sự” của người nghiện vẫn là gầm cầu, bờ kè, công viên, cầu bộ hành trên các tuyến đường lớn…Theo quan sát của phóng viên trong những ngày qua, khu vực công viên 23/9; bờ kè dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa; đại lộ Võ Văn Kiệt; thậm chí trên đường Trần Hưng Đạo, con đường đông đúc người qua lại ở quận 1 vẫn có tình trạng người nghiện ngang nhiên pha chế ma túy để chích.
Trở lại khu vực bờ kè đường Hoàng Sa (đoạn gần cầu Bông, quận 1), sáng 18/3, tại khu vực này, một thanh niên chạy xe máy dừng lại bên bờ kè, sau đó nhảy xuống xe chọn vị trí tương đối khuất , móc kim tiêm ra chích rồi lên xe lao đi.
Con nghiện chích ma túy tại kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Ảnh: Đình Du
Chiều 18/3, phóng viên phát hiện một thanh niên tầm 30 tuổi, mặc quần áo xộc xệch đi bộ trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (đoạn quận 1, TPHCM). Khi đến trước số nhà 112 Trần Hưng Đạo, thanh niên này dừng lại và ngồi xuống móc từ trong túi ni-lon màu đen ra chai nước, ống kim tiêm.
Rất nhanh, người thanh niên pha chế xong và dùng tay lắc mạnh kim tiêm hòa tan ma túy. Người này vén tay áo tìm mạch máu, chưa đầy 3 giây số ma túy trong kim tiêm đã được bơm vào người.
Chích xong, thanh niên này thản nhiên đi lại trạm xe buýt và ngồi tận hưởng cảm giác phê. Bất chấp một số người ngồi chờ xe buýt tỏ vẻ lo sợ, có người rời khỏi trạm để đề phòng người này lên cơn "ngáo đá".
Trước đó, ngày 17/3, trên đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn gần công ty xi-măng Hà Tiên, quận 1), chúng tôi phát hiện nhiều ống kim tiêm mà người nghiện vứt lại sau khi chích. Có những ống đã vứt lâu, có những ống trên kim tiêm còn dính máu.
Tại khu vực này, ông Tư (45 tuổi, hành nghề ve chai) bức xúc cho biết, đoạn này hơi vắng nên nhiều người nghiện ưa thích đến để tiêm chích. Họ chích xong rồi vứt kim tiêm vào bụi cây, bụi cỏ. Nhặt ve chai ở đây,thấy đầy kim tiêm nên cũng hơi ớn.
Hậu quả của ảo thanh, ảo thị
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM cho biết, những năm gần đây, tình trạng người trẻ sử dụng ma túy (methamphetamine) ngày càng nhiều. Do đó, tình trạng người bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy (ngáo đá) cũng gia tăng.
Bác sĩ Quang cho rằng, một trong những biểu hiện rối loạn tâm thần chính là việc hình thành nên những cơn xung động đột ngột mà trong thời gian đó, người sử dụng ma túy sẽ bắt gặp ảo thanh.
Trong cơn ảo thanh, người sử dụng ma túy nghe thấy tiếng nói bên tai hoặc bên trong hoặc bên ngoài vọng vào. Họ nghe được nhiều nội dung như bình phẩm, chê bai, khen ngợi,…Đặc biệt nguy hiểm nhất là ra mệnh lệnh đâm, chém, giết người…
Khi xuất hiện ảo thanh, họ phải nghe và làm theo tiếng nói đó, đôi khi trong cơn ngáo đá, ngoài ảo thanh còn xuất hiện ảo thị. Khi xuất hiện đồng thời, người ta thường tưởng tượng người đối diện như là một vật gây hại cho mình, đóng đinh vào mắt và thôi thúc người bệnh phải ra tay.
“Các vụ án thường mang tính chất từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì người nghiện gây xây xát, nặng họ sẽ đâm chém gây thương tích thậm chí giết người. Nạn nhân của những đối tượng này không phân biệt người lạ hay quen, già hay trẻ, thậm chí cả người thân”, bác sĩ Quang nói.
“Ngáo đá” gây họa cho xã hội
Theo Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tỷ lệ người nghiện sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp (dạng ATS) chiếm gần 80%. Việc người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần như "ngáo đá" dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ án giết người gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Điển hình như ngày 11/3, trong cơn “ngáo đá”, Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, TPHCM) đã ra tay sát hại 4 mạng người ở TPHCM và tỉnh Long An. Trong đó có 3 nạn nhân là cha, mẹ và bà nội của Nam.
Khi bị Công an TPHCM bắt giữ, Nam có những biểu hiện tâm lý không được bình thường, nghi lạm dụng chất kích thích dẫn đến “ngáo đá”, loạn thần.
Sau đó, ngày 14/3, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), một nam thanh niên nghi ngáo đá lái xe ô tô tông liên hoàn nhiều xe cộ khác lưu thông trên đường. Vụ tai nạn làm 3 người bị thương. Nam thanh niên này vẫn ngồi trên xe với nhiều biểu hiện bất thường như ôm vô lăng ưỡn ẹo, lắc lư.
Cùng ngày 14/3, người dân khu vực xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) phát hiện một nam thanh niên khoảng 30 tuổi nghi ngáo đá. Người này trèo lên cột điện la hét, nói nhảm khá lâu. Hàng chục cảnh sát được huy động để đưa người này xuống đất.
Đến ngày 16/3, Nguyễn Duy T. (SN 1990, trú TP.Phan Thiết, Bình Thuận) sử dụng ma túy có biểu hiện “ngáo đá”. Nam thanh niên này chạy vào trụ sở Viện KSND tỉnh Bình Thuận liên tục la hét, dọa nhảy lầu. Cơ quan chức năng phải huy động lực lượng để khống chế T.
Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động thương binh và Xã hội) cho biết, tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Đến nay, tổng số người nghiện đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở trên cả nước là gần 35.000 người. Cai nghiện ngoài cộng đồng hơn 4.300 người.
Một trong những nguyên nhân người nghiện quay lại con đường cũ được lý giải là do sốc tâm lý.
Hoàn cảnh đẩy đưa
Bạn thân vì sốc ma túy chết trên tay mình, bởi vậy chưa bao giờ Huy nghĩ sẽ lại bập vào con đường này. Huy (29 tuổi ngụ quận 8, TPHCM) là trẻ cô nhi, tuổi 13 trốn khỏi cô nhi viện, Huy lang thang lay lắt kiếm sống bằng nghề đánh giày rồi được một người phụ nữ tốt bụng chăm sóc như con đẻ. Nhưng ngặt nỗi, lớn lên không có giấy tờ nên bao nhiêu lần đi xin việc, dù chỉ là đẩy hàng, rửa bát thuê… cũng chẳng ai dám nhận. Đói thì đầu gối cũng phải bò, không ai nhận vào làm, Huy đánh liều bán lẻ ma túy. Mà muốn mua hàng “xịn” thì phải biết… chơi, vậy là dính.
Học viên cai nghiện tại cơ sở Tiêu Vĩnh Ngọc. Ảnh: Đình Du
Hiện Huy đang cai nghiện tại một cơ sở ở Đồng Nai. Huy đã đi “hai khóa”, nhưng khi được hỏi thời điểm cai xong lần đầu rồi làm gì, Huy cười buồn: “Cai xong ra trại không có việc làm, quay lại con đường cũ rồi chẳng mấy chốc lại đi cai. Mọi người ở đây rất tốt, em cũng hiểu, cai xong phải làm lại cuộc đời. Không để ma túy lậm vào người… phải quá tam ba bận”.
Cần tình thương từ cộng đồng
Anh Tiêu Vĩnh Ngọc, phụ trách việc cai nghiện ở xã Sông Thao, tỉnh Đồng Nai kể, có người đi cai nghiện lần hai, thậm chí lần ba, lần bốn nhưng không bỏ được vì buồn. Họ buồn chuyện cha mẹ, buồn vợ con, buồn vì đi cai nghiện về không có công ăn việc làm… Khi được hỏi, những “người cũ” này cho biết, họ cảm thấy cô đơn lạc lõng khi bị kỳ thị ngay trong chính ngôi nhà của mình, bị đối xử không công bằng, bị xem thường so với các thành viên khác trong gia đình. Đi xin việc thì không được nhận. Và họ buồn quá nên chơi trở lại. Rảnh rang, ở không ắt sẽ “nhàn cư vi bất thiện”. Rồi bạn bè rủ rê, lôi kéo và tái nghiện trở lại.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: Thành phố hiện nay là có 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc và 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện. Các cơ sở cai nghiện ma túy được chuyên môn hóa thực hiện các giai đoạn của quy trình cắt cơn, phục hồi sức khỏe đến giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa, hướng dẫn kỹ năng và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Thành phố đang thực hiện cai nghiện ma túy cho gần 10.000 người, trong đó có 1.371 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; 676 người cai nghiện ma túy tự nguyện và 8.884 người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện. |
“Người nghiện thường khi gặp lại bạn nghiện thì cảm xúc thèm muốn trở lại, dù chỉ là mùi mồ hôi. Vì thế, có người nghiện khi vừa ra khỏi trung tâm cai mà gặp bạn đã nhảy xuống nghiện lại. Thứ hai là căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm… với môi trường xung quanh. Cuối cùng là căng thẳng tâm lý dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý thì phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng của bản thân. Đây là giai đoạn cần qua điều trị trợ giúp về tâm lý, tư vấn và giúp người nghiện hình thành những kỹ năng sống mới”, Tiêu Vĩnh Ngọc cho biết thêm.
Còn một cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD), cho biết: “Ngày trước tôi luôn đặt câu hỏi vì sao người nghiện vẫn tái nghiện. Câu trả lời là người nghiện chịu hai sự lệ thuộc rất rõ ràng, sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuộc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ. Vì vậy việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý và họ hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện… và tái nghiện trở lại.
Ông Trần Ngọc Du, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho biết, hiện nay quy trình để đưa người nghiện vào các chương trình cai nghiện khá chặt chẽ nhưng lại khó khăn khi xác định tình trạng nghiện để đưa họ đi cai.
Rất nhiều học viên tìm thấy niềm vui, có thêm động lực để cai nghiện từ gia đình Ảnh: Văn Minh
Chặt chẽ bởi tòa án mới có quyền quyết định
Ông Du cho biết, đối với người nghiện có nơi cư trú, thì trước tiên họ phải được đưa vào các chương trình cai nghiện tại cộng đồng. Sau khi người nghiện đã qua thời gian giáo dục tại xã phường và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn tái nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Riêng đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định sẽ tạm thời đưa vào các cơ sở xã hội ở địa phương, sau đó, nếu xác định tình trạng nghiện, Tòa án quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
“Thực tế nhiều trường hợp trong thời gian chờ xác định tình trạng nghiện, người nghiện ở bên ngoài cộng đồng đã gây ra những hậu quả đáng tiếc”, ông Du nói.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thừa nhận, hiện nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng nghiện để đưa người nghiện đi cai.
Theo quy định chỉ cho phép lưu giữ người nghi nghiện ma túy trong vòng 24 tiếng. Trong khi thực tế, muốn xác định chắc chắn một người nghiện ma túy phải mất nhiều thời gian, có khi cả tuần, cả tháng. Thậm chí có loại ma túy phải mất cả năm trời mới xác định được.
Việt Nam có phác đồ điều trị “ngáo đá” Về phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp, ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, ngày 1/3 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 786/QĐ-BTY “Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine”, các ngành sẽ phối hợp tập huấn, triển khai cho cán bộ làm công tác cai nghiện. Phác đồ điều trị này khác với cai nghiện ma túy truyền thống có sự hỗ trợ của thuốc cắt cơn, cai nghiện ma túy tổng hợp không có thuốc hỗ trợ, hoàn toàn dựa vào các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho người bệnh… |
Chất gây nghiện tăng đột biến
Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, nếu như trước đây chỉ có vài loại chất gây nghiện, thì vài năm trở lại đây đã bùng phát hơn 500 loại chất gây nghiện mới.
“Đây chính là điều đáng lo ngại bởi việc xuất hiện quá nhiều chất gây nghiện mới khiến công tác phát hiện, điều trị không dễ”, ông Hiền lo lắng.
Ông Lê Đức Hiền chia sẻ thêm vấn đề cai nghiện thành công, theo quan điểm của thế giới, cai nghiện thành công không phải là thống kê số người và số lần tái sử dụng ma túy mà là vấn đề phục hồi sức khỏe, ý thức, tinh thần tốt hơn,... Ngoài ra, hiện nay công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều trở ngại.
Nguyên nhân là do người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo, không đăng ký cai nghiện hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ cai nghiện…Quản lý sau cai tại nơi cư trú cũng gặp nhiều khó khăn, không quản lý được…
Theo ông Hiền, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy; nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số người điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị tại cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy.
Thạc sỹ tâm lý Lê Minh Huân Ảnh: NVCC
Đừng kỳ thị người nghiện
Thạc sỹ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, bản thân người nghiện ma túy gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt trong gia đình và tiếp xúc xã hội.
Theo vị chuyên gia tâm lý, để cải thiện khả năng giao tiếp xã hội cũng như giúp đẩy nhanh quá trình cai nghiện cần chú ý công tác hỗ trợ, tham vấn và can thiệp tâm lý cho người nghiện nhằm giảm thiểu các khó khăn về tinh thần, về việc tự hủy hoại bản thân, tự kì thị.
“Thông thường họ cố gắng lảng tránh, xa lánh. Để giúp đỡ họ, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử”, thạc sỹ Huân nói.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội để việc giám sát chặt chẽ, khoa học trong việc hỗ trợ việc làm, ổn định sức khỏe giúp người cai nghiện có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động liên quan tới giá trị tinh thần.