Nỗi ám ảnh giải nghệ

Nỗi ám ảnh giải nghệ
TP - Người hâm mộ chưa hết vui mừng và tự hào về thành tích của đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup thì liên tiếp nghe được những thông tin gây sốc về chấn thương của các cầu thủ. Ngoài Huy Hoàng, giờ đến lượt Minh Phương cũng có nguy cơ phải giải nghệ.
Nỗi ám ảnh giải nghệ ảnh 1
Huy Hoàng thi đấu dũng mãnh và lăn xả ở ASIAN Cup

Ngay sau khi tuyển Việt Nam lọt vào đến tứ kết ASIAN Cup, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã rất tỉnh táo khi nhìn nhận những vấn đề còn tồn đọng: “Mục tiêu vững chắc tốp 10 châu Á hay lọt vào VCK World Cup còn xa và còn phải phấn đấu rất nhiều.

Có một vấn đề rất đơn giản, dễ nhìn ra là trong bốn đội bóng bảng B, đội nào cũng phục hồi thể lực rất nhanh nhưng riêng tuyển Việt Nam còn yếu. Rõ ràng là khâu y tế và phục hồi thể lực có vấn đề”.

Ám ảnh

Những thông tin không vui liên tiếp đến sau ASIAN Cup: Đầu tiên là việc Huy Hoàng phải chống nạng đến CLB với chấn thương cũ cộng thêm một vết nứt ở cạnh ngón út.

Điều tệ hại là theo như bác sỹ chẩn đoán, nếu phẫu thuật, Huy Hoàng có thể phải giải nghệ vì có thể chỉ “cứu” được cái chân đi lại bình thường, chứ không cứu được cái chân đá bóng.

Chưa hết, sau Huy Hoàng, lại có cái tin Minh Phương đứng trước nguy cơ giải nghệ vì một chứng bệnh liên quan đến thận là viêm mao mạch dị ứng.

Điều đáng nói là đúng bốn năm trước, cả hai cầu thủ này vẫn còn là thành viên của đội U23 dự SEA Games. Nghĩa là ở thời điểm này, lẽ ra họ phải đang ở độ chín nhất của sự nghiệp bóng đá và còn có thể cống hiến cho bóng đá Việt Nam trong một thời gian dài nữa.

Trong trường hợp xấu nhất, Minh Phương và Huy Hoàng phải giải nghệ, tất nhiên không ai mong điều này, thì đúng là một điều rất đáng tiếc. Nhưng nguyên nhân ở đâu?

Ở đây, đúng như Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận là nguyên nhân ở khâu y tế và phục hồi thể lực còn chưa tốt. Vấn đề không chỉ nằm ở những bác sỹ của đội tuyển mà là cả một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ từ cấp CLB.

Chấp nhận sự thật, hay...

Bóng đá Việt Nam cũng đã từng chứng kiến nhiều trường hợp phải giải nghệ sớm vì chấn thương không thể chữa lành, điển hình như trường hợp của Trần Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường hay Phùng Thanh Phương.

Nghe Huy Hoàng nói về việc tham gia đội tuyển rồi bị chấn thương, ẩn chứa trong đó sự đau xót: “Tôi biết nếu đá đội tuyển sẽ phải nghỉ V-League”.

Trên thực tế, chấn thương của Huy Hoàng đã có từ rất lâu, đó là một vết nứt phải cố định bằng inox ở xương bàn chân. Bản thân Huy Hoàng cũng nhận thấy mức độ trầm trọng của chấn thương nếu vận động với cường độ cao khi lên tuyển.

Ông Hồ Văn Chiêm - GĐĐH của CLB SLNA đã từng khuyên Huy Hoàng nên nghỉ đợt tập trung cho ASIAN Cup nhưng BHL và VFF đã thuyết phục và trung vệ của Nghệ An phải gật đầu, dù chuyện giã từ đội tuyển anh đã tuyên bố trước đó.

Trước khi gọi người, BHL và VFF cũng biết khá nhiều về tình trạng sức khỏe của các cầu thủ nhưng vẫn gọi. Huy Hoàng chấn thương thì đã rõ còn Minh Phương trước khi lên tuyển tập trung đã xin phép sang tận Singapore để khám bệnh.

Vấn đề đặt ra là: “Liệu có phải căn bệnh thành tích chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả những chấn thương nặng hơn, cầu thủ phớt lờ yêu cầu của bác sỹ để thi đấu?”.

Ở một khía cạnh nào đó, thành tích trước mắt đã được đặt lên cao hơn tương lai sự nghiệp cầu thủ. Và những người gánh chịu đầu tiên phải là chính các cầu thủ, gia đình họ, sau đó mới đến CLB. Một lãnh đội phàn nàn nghe mà ngậm ngùi: “Khi gọi quân lên tuyển, thành tích thì đội tuyển và VFF hưởng nhưng khi họ chấn thương, CLB lại phải chịu trách nhiệm”.

Phải thay đổi, đó là điều chắc chắn. Không chỉ là tăng cường công tác y tế từ cấp cơ sở lên tới đội tuyển mà còn phải xác định rõ hơn nữa giữa nhiệm vụ và khả năng gánh vác của các cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam đã và có thể tiếp tục sẽ mất nhiều tài năng ở độ tuổi đang chín trong sự nghiệp. Đối với những cầu thủ giỏi, bóng đá Việt Nam không chỉ cần họ trong một trận đấu, một giải đấu mà phải làm sao để họ cống hiến càng lâu càng tốt. Đó mới là cách bảo quản những “tài sản quốc gia” thoát khỏi nỗi ám ảnh giải nghệ.

MỚI - NÓNG