Guardian dẫn lời giám đốc của Hiệp hội leo núi Nepal Ang Tshering cho biết, vào mỗi mùa leo núi, khoảng hơn 700 khách du lịch và những người hướng dẫn đã tham gia chinh phục đỉnh Everest. Quá trình này thường kéo dài đến 2 tháng và họ thường để lại một lượng rác thải khổng lồ cũng như chất thải vệ sinh.
Trong quá trình chinh phục đỉnh Everest, những người leo núi sẽ mất nhiều tuần ở 4 lều trại suốt dọc đường đi tại độ cao 5.300m và ở đỉnh là 8.850m.
Số lều trại này đều có những thiết bị và nguồn thực phẩm cần thiết nhưng không có… nhà vệ sinh. Vì vậy, những người leo núi thường đào hố trong lớp tuyết dày để đi vệ sinh và các chất thải cứ “chồng chất” xung quanh khu vực 4 lều trại trong nhiều năm.
Ông Dawa Steven Sherpa, người làm công việc dọn vệ sinh ở nóc nhà thế giới từ 2008 nói rằng, đây là vấn đề cần được giải quyết sớm bởi lượng rác thải tích tụ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ông Puspa Raj Katuwal, người đứng đầu hoạt động quản lý leo núi Nepal thừa nhận, chính phủ Nepal trước đó chưa có kế hoạch giải quyết vấn đề chất thải của con người. Song, bắt đầu từ mùa leo núi này, mọi việc sẽ được giám sát chặt chẽ.
Năm ngoái, chính phủ đã áp dụng điều luật mới, quy định mỗi người leo núi khi xuống chân núi phải đem theo khoảng 8kg rác, ước tính đúng bằng số rác mà họ thải ra suốt chặng đường leo núi. Các đoàn leo núi phải phải đặt cọc 4.000 USD và sẽ mất số tiền này nếu không tuân thủ quy định.
Post by Báo Tiền Phong.