Cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 về chấm dứt nội chiến 52 năm ở Colombia đổ vỡ. Cả thế giới bàng hoàng. Ý nghĩa tiêu cực của nó không chỉ bó hẹp ở đất nước Nam Mỹ mà di sản cuộc chiến là 220.000 người chết và hơn sáu triệu người ly hương.
May mắn thay, một trong những bất ngờ lớn nhất và cũng dễ chịu nhất năm 2016 chính là quyết định nhân bản của Hội đồng Hoà bình Nobel tuyên bố hôm 7/10. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos trở thành người duy nhất đoạt Nobel Hoà bình.
Ban tổ chức đã đi đến một hành động lịch sử vào phút chót từ danh sách ứng viên kỷ lục 376 người. Chỉ một tiếng trước khi chính thức công bố, một đài truyền hình của Na Uy, nước có vinh dự được cha đẻ giải Nobel giao xét giải hoà bình từ năm 1901 đến giờ, bố cáo một cái tên khác hẳn.
Để đến với “đại hoà”, cái đạo đưa đến đoàn kết thay vì thù hận, người ta đầu tiên phải “hoà với chính mình” trước đã. Ta hãy xem hai nhân vật kiến tạo hoà bình cho Comlombia từ hai chiến tuyến khác nhau, và đều là ứng viên Nobel hoà bình, “hoà với mình” thế nào.
Xuất hiện trên truyền hình Colombia và có phu nhân đứng bên cạnh, Tổng thống Santos phát biểu: “Tôi nhận giải thưởng không phải vì nó ghi tên tôi mà là tên của nhân dân Colombia, đặc biệt là hàng triệu nạn nhân của cuộc xung đột dai dẳng mà tất cả chúng ta phải hứng chịu hơn nửa thế kỷ qua. Hỡi đồng bào Colombia, giải thưởng này là của bà con”.
Còn Rodrigo Londono, lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố, chia sẻ trên trang cá nhân Twitter: “Giải duy nhất mà chúng ta khao khát là hoà bình với sự công bằng xã hội cho một Colombia không còn chiến tranh, không còn trả đũa và dối trá”.
Hoà với mình, thắng không kiêu bại không nản, là quan trọng nhất. Khi hoà được với mình, ắt sẽ hoà được với người, bất kể giai tầng và đảng phái. Cái duyên để đạt quả lành ấy đã được gieo từ 2010, năm Santos trở thành tổng thống với tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong lịch sử dân chủ Colombia và cũng là năm ông bí mật đàm phán với FARC. Và quả lành Nobel 2016 hy vọng lại là nhân đem đến phúc lành không chỉ cho quê hương của Gabriel García Márquez, người con Colombia đầu tiên nhận giải Nobel văn chương năm 1982.