Vẫn có ý kiến cho rằng, ngân hàng ngại công bố lợi nhuận cao vì sợ dư luận. |
Nợ xấu của ngân hàng tiếp tục gia tăng trong 6 tháng qua và đáng chú ý nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh. Tuy nhiên, gần đây, con số trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng mới đồng loạt tăng, khiến lợi nhuận của các ngân hàng đang bị “gặm mòn”. Có ý kiến cho rằng, đáng ra, các ngân hàng đã phải trích lập dự phòng từ trước rồi.
Nợ xấu đang tăng nhanh
Tín dụng tăng chậm, thậm chí âm, trong khi nhiều khoản nợ cũ trở thành nợ xấu, khiến lợi nhuận của một số ngân hàng đang dần bị bào mòn, kết quả kinh doanh quý 2-2012 đã phần nào nói nên thực tế đó.
Vietcombank (VCB) vốn được xem là nhà băng có thế mạnh trong phát triển tín dụng. Thế nhưng, số liệu vừa được Vietcombank đưa ra cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến 30-6 của Ngân hàng chỉ đạt mức 2,96%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2% đầu năm nay lên 3,47% vào cuối quý 2. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên đến gần 3.900 tỷ đồng. Vì thế, chỉ trong quý 2, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro 1.088 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng trích lập dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế quý 2 của Ngân hàng mẹ Vietcombank do vậy chỉ đạt 1.124 tỷ đồng, giảm 10% so với quý 2-2011; lũy kế 6 tháng giảm 8% so với cùng kỳ 2011.
Tương tự, tại VietinBank (CTG) , do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến 1.453 tỷ đồng, nên lãi sau thuế quý II/2012 của Ngân hàng chỉ còn 565 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank chiếm hơn 66% lợi nhuận trước dự phòng. Bởi khoản nợ xấu có khả năng mất vốn của VietinBank đến cuối quý 2-2012 của ngân hàng mẹ lên tới 2.254 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm, chưa đạt tới 1.000 tỷ đồng khiến trích lập dự phòng (100% cho các khoản nợ có khả năng mất vốn) cũng như nhóm nợ nghi ngờ lên đến gần 2.000 tỷ đồng (trích lập dự phòng 50%) của Vietinbank tăng vọt. Vì thế, dù lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm của ngân hàng này vẫn tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng do chi dự phòng lớn, lợi nhuận sau thuế của VietinBank sụt giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, Ngân hàng chỉ lãi 1.960 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Thu nhập thuần từ lãi đóng góp chủ yếu vào kết quả kinh doanh quý 2-2012 của Eximbank (EIB), nhưng do nợ quá hạn của Ngân hàng chiếm 4% tổng dư nợ, trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 0,87% tổng dư nợ cho vay khách hàng, nên trích lập dự phòng tăng. Vì thế, lợi nhuận trước và sau thuế của EIB chỉ tăng hơn 1,5% so với cùng kỳ. Lũy kế, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay của Eximbank đạt 1.857 tỷ đồng, tăng 9,9% so với 6 tháng đầu năm 2011; lợi nhuận sau thuế đạt 1.391 tỷ đồng.
Lãi thuần 6 tháng đầu năm nay của ACB đạt trên 3.611 tỷ đồng, tăng 18,05% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng cao và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng, khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay của ACB giảm nhẹ so với cùng kỳ, còn 1.392,59 tỷ đồng.
Từ những kết quả công bố trên của các NHTM, có thể thấy, nợ xấu của các nhà băng đang gia tăng và trích lập dự phòng rủi ro đang “khoét dần” vào lợi nhuận. Nếu tỷ lệ nợ xấu cuối năm sụt giảm, các ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận sẽ tăng trở lại. Song trước bối cảnh thị trường hiện nay, khi môi trường kinh doanh không thuận lợi, sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm… tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của DN thì khả năng đòi được nợ của ngân hàng càng yếu dần.
Nhưng tăng trích lập dự phòng… hơi muộn?
Có ý kiến cho rằng, các con số về lợi nhuận của ngân hàng đưa ra gần đây chưa thực sự đúng với thực tế, nhất là khi các DN rơi vào tình trạng sản xuất đình đốn vì sức mua thị trường sụt giảm và chịu áp lực lãi suất nên nhà băng càng ngại công bố mức lợi nhuận cao… Trên thực tế, thời gian gần đây, các ngân hàng rất ngại bình luận đến kết quả hoạt động, ngoại trừ những đơn vị niêm yết buộc phải công bố báo cáo tình hình tài chính quý, vì sợ bị dư luận coi là “ăn” trên lưng DN.
Qua trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định, con số lợi nhuận đưa ra như trên của VietinBank là hoàn toàn sát với thực tế hoạt động của Ngân hàng hiện nay. Theo ông Hùng, sở dĩ lợi nhuận quý 2 của VietinBank giảm là do trích lập dự phòng tăng khi nợ xấu tăng.
“Nợ xấu tăng buộc chúng tôi phải trích lập dự phòng đầy đủ thì rất khó tránh được việc ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, VietinBank vẫn nỗ lực để có thể đạt được kế hoạch lợi nhuận trước thuế”, ông Hùng nói và cho biết, để có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, từ giờ đến cuối năm, VietinBank sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vốn cho các khách hàng có kế hoạch sản xuất - kinh doanh khả thi.
Ông Hùng cho biết, lãi suất cho vay vốn lưu động đối với DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu ở VietinBank hiện là 11%/năm và trung, dài hạn là 15%/năm. Vì thế, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay tại VietinBank là khoảng 2%/năm. Với mức biên lãi suất như vậy, theo ông Hùng, không thể nói là ngân hàng đang “ăn” trên lưng của DN.
Xu hướng nợ xấu vẫn tăng nhanh buộc ngân hàng phải trích dự phòng cao. Nợ xấu ngân hàng được đánh giá sẽ tiếp tục tăng và nếu không có giải pháp xử lý sẽ càng khiến cho dòng chảy tín dụng chững lại, kể cả thời điểm cuối năm.
Bên cạnh nợ xấu, việc giảm lãi suất thời gian gần đây của các ngân hàng, kể cả khoản vay cũ cũng phần nào khiến lợi nhuận nhà băng sụt giảm so với trước. Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, hạ lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm, Ngân hàng phải hy sinh một khoản lợi nhuận khoảng 1.800 tỷ đồng.
Trả lời Đầu tư Chứng khoán, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, sở dĩ lợi nhuận của các ngân hàng vừa được công bố giảm một phần do trước đây nhà băng chưa trích lập dự phòng đủ. Con số lợi nhuận của năm trước thường được báo cáo ở mức cao để đẩy giá cổ phiếu trên thị trường. Đến thời điểm này, khi Thống đốc NHNN cho biết, sẽ thanh kiểm tra nợ xấu của các NHTM, các ngân hàng phải tranh thủ trích lập dự phòng đầy đủ trước khi NHNN tiến hành thanh, kiểm tra nợ xấu.
Theo ĐTCK