Nở rộ giáo viên ngoại dạy tiếng Anh

Nở rộ giáo viên ngoại dạy tiếng Anh
Có thể nói chưa bao giờ giáo viên người nước ngoài lại đông đến thế tại các trung tâm dạy ngoại ngữ và cả trong các trường học chính quy ở Việt Nam.

Hai lý do chính để họ chọn nghề “gõ đầu trẻ” là dễ tìm việc và mức phí sinh hoạt tại Việt Nam thấp, thuận lợi cho việc để dành đi du lịch.

Học trò Việt thích có giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh và ở chiều ngược lại, nhiều người nước ngoài, đặc biệt là những người trẻ, thấy đây là cơ hội để tìm một việc làm có thu nhập kha khá và ổn định.

Giáo viên Steve (đeo cà vạt) giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ ILA - Ảnh: Thu Trang (Tuổi Trẻ)
Giáo viên Steve (đeo cà vạt) giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ ILA - Ảnh: Thu Trang (Tuổi Trẻ).

Đất lành

Susan, một nữ giáo viên người Mỹ, cho biết cô đến TP.HCM vào tháng 10 năm ngoái và chỉ mất khoảng một tháng trước khi được nhận vào dạy tại một trung tâm Anh ngữ uy tín. Cô nhận xét thẳng thắn: “Tìm việc ở Việt Nam rất dễ nên tôi không phải tốn công nhiều lắm”.

Dù chỉ xem dạy tiếng Anh như một phương tiện kiếm tiền ngắn hạn nhưng với thu nhập khoảng 1.700 USD/tháng từ việc giảng dạy tại trung tâm và kèm riêng cho hai học viên, cô cho rằng hoàn toàn sống khỏe.

Đồng tình với ý kiến đó, Andrea B., nữ giáo viên người Mỹ của một hệ thống trường Anh ngữ lớn, cho biết cô thấy thoải mái với cuộc sống ở TP.HCM hơn so với hồi dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc dù mới chỉ đứng lớp ở thành phố này khoảng tám tháng.

Cô cảm thấy rất căng thẳng trong thời gian hai năm dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc vì theo lời cô: “Các trung tâm ngoại ngữ ở đó đối xử với giáo viên như robot, lúc nào họ cũng muốn giáo viên dạy càng nhiều giờ càng tốt. Ở Việt Nam chúng tôi thấy thoải mái hơn nhiều”.

Có thâm niên gần hai năm dạy tiếng Anh ở TP.HCM, Michael Tatarski, người Mỹ, chia sẻ rằng anh sẽ không thể dễ dàng tìm được một chân giảng dạy nếu như đến châu Âu vì ở đó hầu như mọi người đều nói được tiếng Anh.

Theo Michael Tatarski, công việc giảng dạy tiếng Anh mang đến cho anh thu nhập trung bình 1.300-1.400 USD/tháng - mức lương mà theo anh tâm sự là không thể có được nếu đến một nước châu Âu nào đó.

Chi phí rẻ

Những giáo viên mà phóng viên gặp gỡ cho biết họ có thể kiếm được từ 800 đến hơn 2.000 USD/tháng từ công việc giảng dạy tiếng Anh, tùy thuộc số giờ dạy.

Một giáo viên người nước ngoài khẳng định nếu thu xếp dạy nhiều giờ thì thu nhập có thể lên đến 2.500 USD/tháng.

Một lý do khác khiến nhiều người nước ngoài tìm đến TP.HCM dạy học là có thể tiết kiệm được nhiều do chi phí sinh hoạt khá thấp so với ở quốc gia họ.

Rusty Massie, người ở bang Virginia (Mỹ), là một ví dụ. Ông quyết định đến Việt Nam vào năm 2009 theo lời “rủ rê” của bạn bè sau sáu năm dạy tiếng Anh ở Cộng hòa Czech.

Rusty Massie cho biết thời ở Czech ông kiếm được 1.200-1.400 USD/tháng, còn hiện nay thu nhập của ông khoảng 1.500-2.000 USD/tháng khi đầu quân cho một trung tâm Anh ngữ có tiếng tại TP.HCM.

Ông giáo có thâm niên này đưa ra bài tính rất thực tế: hiện chi phí ở Czech đang tăng quá cao mà tiền lương lại không được cải thiện, còn tại Việt Nam mọi sinh hoạt rất thoải mái, từ tiền thuê nhà, đồ ăn thức uống, phí Internet cho đến cước điện thoại đều rất rẻ so với các nước khác.

“Tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu đến Trung Quốc hay Hàn Quốc nhưng chi phí sinh hoạt ở các nước đó lại rất cao” - ông Rusty Massie cho biết.

Còn Philip G., người Anh, cảm thấy hạnh phúc với mức thu nhập hiện tại của mình vì trước khi sang đây ông đã tìm hiểu rất kỹ về công việc, lương bổng cũng như mức sống ở Việt Nam. Philip G. chia sẻ: “Tôi không dạy nhiều lắm nhưng hoàn toàn có thể kiếm được nhiều tiền hơn bây giờ, tuy nhiên với chi phí hiện tại tôi cảm thấy hài lòng với thu nhập của mình”.

Michael Tatarski cho biết cuộc sống của anh rất thoải mái, ngoài ra anh còn tiết kiệm được 500-600 USD hằng tháng sau khi chi trả tiền nhà, ăn uống, cà phê với bạn bè và các chi phí khác.

Susan cho biết cô tìm đến TP.HCM vì nghe nói mức sống nơi đây thấp nên sẽ dễ tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với những nơi khác. Cô dẫn chứng: hằng ngày cô chỉ tiêu xài khoảng 7 USD cho việc ăn uống và các nhu cầu cơ bản khác, trong khi số tiền đó không thể đủ cho chi tiêu hằng ngày ở Mỹ. Nhờ vậy mà cô tiết kiệm được khoảng 1.000 USD/tháng sau khi đã trừ tiền nhà, ăn uống, nhu yếu phẩm và chi phí dành cho việc chơi các môn thể thao.

Làm việc và du lịch

Ngoài ra, đến Việt Nam dạy học còn là cơ hội để người nước ngoài đi du lịch và tìm hiểu về một nền văn hóa mới. V. Phan, một giáo viên tiếng Anh người Mỹ gốc Việt, cho biết cô quyết định sang Việt Nam vào năm 2010 để dạy tiếng Anh theo đề nghị của gia đình. Với cô, dạy học vừa để kiếm tiền vừa là dịp tìm hiểu về nơi mà cha mẹ cô đã sinh ra, cũng như xem đó là cơ hội để cô hiểu rõ hơn về văn hóa, về nguồn cội của mình.

V. Phan chia sẻ cô sẽ dạy ở TP.HCM thêm một năm nữa cho dù ban đầu chỉ có ý định ở đây khoảng một năm. Lý do là vì cô và chồng (một người Mỹ) đã cảm thấy yêu cuộc sống nơi đây sau khoảng hai năm gắn bó.

Cũng suy nghĩ giống như V. Phan, Tin Mai, một người Mỹ gốc Việt khác, quyết định khăn gói lên đường sang Việt Nam vừa tìm kiếm một công việc giảng dạy tiếng Anh theo gợi ý của bạn bè vốn cũng đang dạy ở nhiều nước khác nhau, vừa đi du lịch và tìm hiểu về quê hương.

Với anh, Việt Nam chỉ là khởi đầu cho mong muốn khám phá các nền văn hóa khác nhau và anh cũng có dự định giống như nhiều giáo viên nước ngoài khác: dạy học, dành dụm một khoản và tiếp tục đi du lịch đến nước khác.

“Tôi còn trẻ và tôi sẽ tìm kiếm những điều mới mẻ khác một khi đã dành dụm đủ tiền” - Tin Mai tự tin nói.

Với Rusty Massie, chi phí du lịch thấp là một trong những lý do khiến ông quyết định đến Việt Nam. Ông cho biết đã đi du lịch nhiều nơi trong ba năm dạy tiếng Anh vừa qua, trong đó có những nơi nổi tiếng như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Mũi Né...

Ông chia sẻ thêm đi tham quan nhiều địa điểm như thế ở Mỹ có thể tốn kém gấp mười lần ở Việt Nam.

Michael Tatarski cũng cho rằng đi du lịch ở Mỹ rất đắt nên anh muốn tìm đến một nơi có thể vừa kiếm ra tiền mà chi phí đi đây đi đó lại phải chăng, Việt Nam là một nơi như thế nên anh đã quyết định đến đây.

Theo VIỆT TOÀN - QUỲNH TRUNG
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.