Thu tiền khách hàng rồi né
Vừa qua, hàng trăm khách hàng kéo đến hai công ty trên phản ứng về việc họ đóng tiền mua đất nền tại dự án Thái Sơn 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM nhưng chủ đầu tư không bàn giao sản phẩm.
Chị Lan (35 tuổi, ngụ quận 11) cho biết, cuối năm 2008, chị mua 2 nền đất tại dự án này hơn 7 tỷ đồng. Đóng tiền xong thời gian thì chị phát hiện dự án… “đắp chiếu” cho đến nay.
Theo chị Vân (ngụ quận Gò Vấp), Tổng công ty Thái Sơn luôn tìm cách né tránh khách hàng, công ty giữ tiền của khách hàng cả chục năm qua để làm gì. Khiến không ít người lâm vào cảnh nợ nần vì Tổng công ty Thái Sơn. Bời họ tin tưởng chủ đầu tư giao nền đất đúng thời hạn, nên họ vay mượn bạn bè, cầm cố tài sản ngân hàng… để có tiền đóng cho chủ đầu tư. Đất thì không nhận được, trong khi lãi xuất hằng ngày họ phải gồng mình để trả cho đối tác.
Như trường hợp của ông Duy Hiền, hợp đồng được ký kết ngày 7/2005, ông đồng ý góp vốn để nhận nền xây dựng nhà ở trên diện tích 140m². Với đơn giá 2,5 triệu đồng/m², tổng giá trị hợp đồng là 350 triệu đồng, nhưng 13 năm qua ông Hiền không nhận được nền.
Bức xúc trước cách làm ăn không còn chữ “tín”… trước Tổng công ty Thái Sơn, không ít khách hàng cho biết họ muốn chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư, yêu cầu đền giá trị là 25 triệu đồng/m2, thực tế giá thời điểm hiện tại khoảng 50 triệu đồng/m2, (lỗ 50% giá trị thị trường). Nhiều người gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư trả lời vào ngày 27/10 sắp tới.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Gặp Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, cho rằng, Tổng công ty Thái Sơn gặp nhiều khó khăn, trong khi ông mới được nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Tổng công ty, đang trong quá trình bàn giao nhiệm vụ, nên sẽ cố gắng nắm bắt tình hình. Tổng công ty mong muốn các nhà đầu tư hợp tác, hiến kế, phối hợp với công ty để giải quyết, sẽ chỉ đạo hoàn thiện dự án càng sớm càng tốt.
Bán “vịt trời”
Liên quan đến việc chủ đầu tư gom tiền của khách hàng rồi “lặn”, hàng chục khách hàng rơi vào tình trạng khốn đốn khi mua nền đất tại (Dự án 6A thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Intresco ở số 18 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM).
Vụ việc này kéo dài đến nay gần 15 năm khiến hàng trăm khách hàng “khóc ròng”. Chị Huyền (ngụ Tân Bình) ngao ngán: “Năm 2003, tôi mua lại một nền đất với giá 1.2 tỷ đồng, Công ty Intresco dự kiến thời gian bàn giao nền là 36 tháng. Đóng tiền theo tiến độ một thời gian thì phát hiện dự án vẫn bất động vì dự án vướng giải tỏa, đền bù”.
Tương tự, để có tiền mua hai nền đất tại Dự án 6A, anh Hải (ngụ quận Bình Thạnh) bán căn nhà mặt tiền ở quận Bình Thạnh và vay mượn thêm bạn bè. Không nhận được đất nền để xây nhà, 13 năm qua gia đình anh phải thuê nhà sống tạm bợ, hai vợ chồng “nai lưng” làm để trả dần số tiền đã vay mượn trước đó. Còn chủ đầu tư thì gần như “bặt vô âm tín”.
Thu tiền không giao đất cho khách hàng nhưng chủ đầu tư Dự án 6A có dấu hiệu bán cho đối tác. Theo điều tra của PV, tháng 3/2009, Công ty Intresco đã có văn bản gửi cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát với nội dung: “Có 47 khách hàng đã góp vốn đầu tư vào dự án 6A thuộc khu đô thị mới Nam TPHCM, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nay thuộc một phần diện tích của quý Công ty... Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư với khách hàng… Đề nghị Công ty ký kết ngay hợp đồng góp vốn đầu tư đất ở với các khách hàng nêu trên”.
Trả lời với Tiền Phong về vấn đề này, ông Vũ Văn Châu - Giám đốc Cty Intresco cho rằng: “Công ty không bán dự án và không phủi trách nhiệm với khách hàng. Do trong quá trình đầu tư phát sinh nhiều vướng mắc khiến dự án rơi vào cảnh khó khăn”.
Ông Châu cho rằng, năm 2004, Intresco được thành phố giao hơn 47 ha để làm dự án. Đến năm 2007, nhận thấy quy mô dự án quá lớn, Công ty không có khả năng làm, UBND thành phố đã tách hơn 25 ha trong tổng diện tích dự án giao cho Công ty Vạn Thịnh Phát tổ chức giải tỏa, đền bù. Đại diện Intresco thừa nhận việc tách nhỏ dự án khiến khách hàng bị ảnh hưởng.
“Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, Intresco nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng với khách hàng, nhưng đơn vị này lấy lý do chưa giải tỏa, đền bù xong nên không chịu ký”- ông Châu nói thêm.