Niềm vui trở lại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thành phố chúng tôi đã nới lỏng giãn cách, quán xá mở cửa trở lại, ở mức độ chỉ bán hàng đem đi.

Người bán tạp hóa trước cây xăng bảo: “Nhìn bác trùm kín, đeo kính chống giọt bắn, đeo găng tay, đứng xa hai mét nhưng tôi vẫn nhận ra bác là khách quen”. Vâng, cũng đã 120 ngày rồi mới ghé tiệm tạp hóa mua vài món đồ. Vẫn giữ vững nguyên tắc đeo khẩu trang khi ra đường. Người bán tạp hóa bảo: “Chúng ta gặp lại nhau là có phước, chỗ chúng tôi, nới lỏng giãn cách mới biết có mấy người khách quen không may mắn đã ra đi vì COVID-19”.

Dịch vụ thứ hai được mở là các phòng tập thể thao. Nói cho cùng, thể thao cũng là một dịch vụ thiết yếu. Ngay cả trong bệnh viện dã chiến, bệnh nhân cũng cần được tập thể dục. CLB bóng bàn ở phố Lê Hồng Phong mở cửa, nhưng theo quy định chỉ khách nào tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có thẻ xanh mới được vào chơi, với số lượng hạn chế. Nhiều người vẫn đeo khẩu trang khi chơi bóng bàn.

Cầm cây vợt cũ sau hàng trăm ngày đóng cửa ở nhà, họ bảo nhau: “Xa nhau thấy nhớ, gặp nhau bùi ngùi”. Người trông coi câu lạc bộ bóng bàn 4 tháng liền “3 tại chỗ” - ăn ngủ cạnh bàn bóng. Dù đầu đường là hàng rào cứng, nhưng anh cứ đeo khẩu trang suốt ngày, chờ cho đến hôm nay mở cửa câu lạc bộ trở lại, rào chắn cũng đã tháo dỡ từ mấy hôm rồi. Anh nói: “Một chị quản lý câu lạc bộ bóng bàn ở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã dính COVID-19 và qua đời, để lại đứa con còn nhỏ. Thật tội nghiệp”. Ánh mắt anh thoáng buồn.

Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vừa có công văn lấy ý kiến tỉnh Quảng Nam về việc tổ chức giải vô địch quốc gia môn bóng bàn năm 2021. Đương kim vô địch đơn nữ quốc gia, cây vợt chủ lực của TPHCM là Mai Hoàng Mỹ Trang nói với tôi: “Nếu giải tổ chức tháng 11 thì chẳng biết bóng bàn TPHCM có tham gia được không? Thứ nhất là vấn đề cách ly, chi phí ăn ở thế nào? Thứ hai là chúng em cũng đã không tập luyện cùng nhau 4 tháng rồi, giờ biết đấu thế nào đây”.

CLB của nhà vô địch Mai Hoàng Mỹ Trang tại Trung tâm văn hóa - thể thao Phú Nhuận hiện vẫn là bệnh viện dã chiến và khoảng tháng 11 ngành y tế mới trả lại mặt bằng cho ngành thể thao.

Dù sao, hậu giãn cách, tôi gặp khắp nơi những niềm vui vô bờ bến trong những ánh mắt trên những chiếc khẩu trang. Cùng với đó là biết bao công việc đang đến với những con người hôm nay. Một khối lượng công việc khổng lồ cần phải bù đắp cho những ngày giãn cách vừa qua.

Người bán sách quen thân với tôi cách đây mấy tháng bán sách online, sau đó thì nhà sách đóng cửa hẳn để chống đại dịch. Những đơn đặt hàng sách hầu như không thể hoàn tất, do người giao hàng không được chạy liên quận. Tôi quen một anh bán sách trong quận của tôi, nhưng anh cũng bảo: “Bác thông cảm, trong đại dịch, chúng cháu không tiếp ai tại nhà và cũng không tiếp xúc với người giao hàng, vì gia đình có bố mẹ già”.

Đường sách mở trở lại, các nhà văn và độc giả tìm tới mua sách và chụp ảnh. Đeo khẩu trang chụp ảnh cũng tươi roi rói.

Người bán sách nhắn tin cho tôi: “Cuối tuần này, mời bác qua chỗ chúng em nhận 4 cuốn sách bác đã đặt. Các cụ nhà em đều đã tiêm đủ 2 mũi”. Bạn bán sách trên đường sách cũng nhắn tin: “Chúng em vừa mở cửa trở lại, mời quý khách tới nhận 3 cuốn đã đặt”. Ngẫm cũng buồn cười, vì tôi đặt sách để đọc theo kiểu “sống chậm” trong những ngày đại dịch, đơn hàng từ tuần đầu đợt dịch mà giờ hết giãn cách mới nhận được sách.

Nhưng, không nỗi buồn nào lại so bì được với niềm vui ngày gặp mặt sau trận cuồng phong đại dịch khốc liệt vừa qua. Tôi chuẩn bị khẩu trang, kính chống giọt bắn, chai cồn xịt khuẩn để đi nhận sách với những câu hẹn chia vui với người bán sách: “Chúng ta chiến thắng, an toàn gặp lại là điều vui nhất rồi! Có sách để đọc, dù muộn còn hơn không”.

MỚI - NÓNG