Chương trình bắt đầu từ 20h, nhưng ngay từ 18h, con đường Hoàng Văn Thụ đoạn phía trước khách sạn White Palace đã chật cứng người. Hàng ngàn người, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đến để ngắm nhìn và lắng nghe sự chia sẻ của diễn giả nổi tiếng nhất hành tinh.
Hãy biết ơn và học cách yêu cuộc sống
Vừa bước ra sân khấu, Nick nói: “Xin chào các bạn, tôi là Nick Vujicic. Xin chào Việt Nam”. Trong một buổi diễn thuyết của mình, Nick từng chia sẻ: “Những lúc chán nản, tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là ai? Và tôi thấy thật buồn cười khi phải lo sợ rằng bạn bè lại chính là người quyết định tôi là ai”, Nick nói: “Tôi là tôi, Nick Vujicic. Tôi không quan tâm bạn là ai, ngoại hình bạn như thế nào, bạn bị béo phì hay bị chứng rối loạn tiêu hóa. Điều tôi quan tâm là con người bên trong của bạn”.
Sân khấu trung tâm hội nghị White Palace được bố trí khá gần, giúp khán giả có thể nhìn rõ Nick. Những ánh mắt cảm thông có phần ái ngại hướng vào chiếc chân phải ngắn ngủn khi Nick đứng chênh vênh trên chiếc bàn.
Cảm nhận được điều đó, Nick nói: “Tôi rất yêu cái chân của tôi. Chỉ với hai ngón, nó giúp tôi làm được nhiều thứ”. Trong một buổi diễn thuyết cho học sinh, Nick nói: “Khi 8 tuổi, tôi chỉ nghĩ đến những gì tôi không có được, những gì mà cuộc đời đã nhẫn tâm cướp mất của tôi. Lớn lên, tôi học được rằng trong cuộc sống cần phải học cách biết ơn. Và tôi cám ơn cuộc đời đã cho tôi cái “đùi gà” nhỏ bé này.
Nhờ nó, tôi có thể làm được mọi việc”. “Cái đùi gà nhỏ bé” là cách Nick nói về mẩu chân trái của mình, bởi nó chỉ dài khoảng gang tay. Nhờ nó, Nick có thể di chuyển, trượt ván, lướt sóng, bơi, đá bóng hay nghe điện thoại, viết, đánh máy tính…
“Tôi biết nhiều bạn trẻ mới lớn thường nhìn vào gương và ước mình có một cơ thể khác. Tôi học được rằng mình đừng tập trung vào những thứ mình không có mà hãy biết ơn vì những gì mình đã có”.
Năm 8 tuổi, ngồi trên bàn nhìn mẹ nấu ăn, một niềm vui nho nhỏ của Nick, cậu bé cảm thấy mình thực sự là gánh nặng của mẹ. Một ngày nọ, cậu đếm được 12 người đi qua nhà cậu đều hét toáng những câu trêu chọc rồi phá lên cười.
Nick nghĩ thầm: “Nếu con số tăng lên 13, mình sẽ tự tử”. Cuối ngày, một cô bé đi về phía cậu. “Nào, hãy trêu tôi, hãy mang tôi ra làm trò đùa của các người đi”, cậu bé thầm nghĩ. “Hôm nay trông cậu thật dễ thương, Nick ạ”. Lời cô bé khiến Nick cảm thấy cuộc sống vẫn còn ý nghĩa và rằng, dù chỉ còn một người tốt với ta, ta càng phải cố sống có ích hơn nữa.
Nick cũng rất biết ơn cha mẹ mình khi đã đưa cậu bé theo học ở một ngôi trường bình thường với những đứa trẻ bình thường. Có người cho rằng, để những đứa trẻ khuyết tật cùng học với nhau, chúng sẽ dễ dàng cảm thông, chia sẻ và chăm sóc cho nhau.
Nhưng thực tế chỉ đúng với khoảng thời gian đầu. Việc mọi người tạo cho chúng suy nghĩ và thói quen chúng thực sự “khác người” ngay những ngày đầu khiến những đứa trẻ lớn lên và dần chấp nhận việc mình thua kém, “không bình thường như mọi người”.
Có lẽ chưa có câu nói nào lại khiến nhiều người suy nghĩ và tỉnh thức như lời bộc bạch từ trái tim của Nick: “Khuyết tật lớn nhất của con người là quyết định đầu hàng số phận. Tất cả những giới hạn, khuôn khổ đều do con người tự đặt ra – ý chí và tâm hồn con người không hề có giới hạn”.
Sống cho điều ý nghĩa hơn
Anh Trần Anh Sang (bị điện giật, phải cưa mất hai tay) nói: “Tôi nhận ra nhiều điều mới mẻ từ Nick Vujicic”. |
Những câu chuyện về cuộc đời, những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống đã được Nick chia sẻ với hàng ngàn bạn trẻ. Điều khiến những người trẻ có mặt trong buổi tối hôm qua phải ngưỡng mộ, đó là Nick không hề than thở, không mong chờ sự thông cảm trong từng câu chuyện của mình.
“Lúc tôi muốn học lên đại học, không một tổ chức chính phủ nào ở Úc giúp đỡ tôi. Tôi biết rằng mình phải tự thân vượt qua”, Nick nói.
“Tôi không quan tâm bạn là ai, ngoại hình bạn như thế nào, bạn bị béo phì hay bị chứng rối loạn tiêu hóa. Điều tôi quan tâm là con người bên trong của bạn”. Nick Vujicic |
Mọi trắc trở, khó khăn trong cuộc sống của một người thiếu cả chân tay qua cách kể chuyện của Nick đều trở nên lạc quan. Trần Anh Sang, sinh năm 1993, bị điện giật phải cưa cả hai tay không giấu được sự cảm phục: “Trong đôi mắt của Nick không hề có sự buồn bã. Anh truyền cho tôi những suy nghĩ, quyết định mới mẻ về cuộc đời mà trước đó tôi chưa có được”.
Anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn nói: “Nick Vujicic là một tấm gương về nghị lực sống, vươn lên trong nghịch cảnh. Sự hiện diện của Nick ở đây là một sự lan toả, nguồn động viên các bạn trẻ học tập tấm gương của Nick để vươn lên: càng khó khăn càng phải khẳng định mình, hướng tới thành công”.
Trong chương trình, ban tổ chức trao 24 cúp Ý chí và nghị lực kèm theo 24 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng/sổ cho các tấm gương vượt khó điển hình, đồng thời trao Kỷ niệm chương và quà tặng cho 10 người được vinh danh “Tấm lòng nhân ái”. UBND TPHCM cũng trao tặng Huy hiệu công dân TPHCM cho Nick Vujicic.