Nhượng quyền cao tốc, sân bay

TP - Cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông lâu nay được mặc định là công trình nhà nước, tài sản quan trọng của quốc gia. Việc Bộ GTVT chuẩn bị chuyển nhượng quyền khai thác (không phải bán đứt, gọi tắt là nhượng quyền) cao tốc và sân bay cho tư nhân khiến nhiều người thấy lạ, thậm chí chột dạ.

Vài năm qua, xu hướng tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông trở thành cơn lốc. Tư nhân bỏ tiền làm đường, xây cầu, sân bay, bến cảng... Tư nhân thuê, mua cả đội bay 100 chiếc chở khách. Từ năm 2012 đến nay, riêng vốn huy động từ doanh nghiệp vào hạ tầng đường bộ lên đến 160 nghìn tỷ đồng (đầu tư vào 132 dự án), cao gấp 10 lần đầu tư từ ngân sách. Động thái nhượng quyền cao tốc, sân bay cho tư nhân là bước tiếp theo của cơn lốc đó. 

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, mục tiêu của việc chuyển nhượng cao tốc, sân bay là để có vốn làm cao tốc mới, xây thêm sân bay; trong đó có sân bay Long Thành và các sân bay ở miền núi - nơi tư nhân không muốn đầu tư. Rộng ra, ông nói: “Nhà nước chỉ làm những gì gắn với an ninh quốc phòng, thúc đẩy kinh tế -xã hội mà tư nhân không đầu tư. Những gì xã hội hóa được, dứt khoát phải kêu gọi đầu tư”.

Dù còn không ít tranh cãi nhưng khuynh hướng này đang mang lại những kết quả rõ ràng: Nhờ nguồn lực tư nhân, quốc lộ 1A được mở rộng lên 4 làn xe chỉ sau hơn 2 năm (trước đó, quốc lộ này cải tạo 2 làn, mất 10 năm; phần lớn dựa vào vốn, kỹ thuật của quốc tế). Đường Hồ Chí MInh qua Tây Nguyên nhờ sự “chia lửa” của tư nhân cũng hoàn thiện vào giữa năm nay. Đường sắt, đường thủy, hàng hải... bắt đầu nhúc nhích từ “đòn bẩy” tư nhân hóa.   

Tư nhân hóa còn giúp phá tảng băng độc quyền, trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử, các doanh nghiệp nhà nước ngành GTVT mấy năm qua không thể trông chờ vào những dự án đầu tư bằng ngân sách; mà phải nhảy vào cuộc, cạnh tranh với tư nhân. Chuyện độc quyền, trì trệ trong khai thác hạ tầng (dẫn đến việc Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nằm trong số những sân bay kém nhất thế giới) cũng có cơ chấm hết. Một môi trường cạnh tranh rộng mở; các dịch vụ tốt hơn trong tương lai kỳ vọng được hình thành. 

Xu hướng tư nhân hóa, ngay cả trong lĩnh vực cốt yếu nhất là xây dựng hạ tầng, thế giới thực hiện từ lâu. Ở ta, vì muộn nên có phần vội, dồn dập; nhưng không nên vì thế mà bỏ qua các quy trình cần thiết. Và khi số lượng tư nhân đông đảo nắm quyền khai thác hạ tầng, thu lợi thông qua thu phí trong cùng một thời gian, sức nặng trả nợ sẽ đè nặng lên những người sống trong vài chục năm tới. Vì thế, việc cho tư nhân xây dựng hạ tầng ra sao; nhượng quyền sân bay, cao tốc thế nào là những quyết sách quan trọng, ảnh hưởng vài thế hệ. Rất cần tiến hành thận trọng.