Những vị quan ‘lạc lối vì… ham ăn’

Những vị quan ‘lạc lối vì… ham ăn’
Nhiều vị quan trong sử Việt vì quá trọng miếng ăn mà lụy đến thân, thậm chí có người suýt rơi đầu thiệt mạng.

Những vị quan ‘lạc lối vì… ham ăn’

Nhiều vị quan trong sử Việt vì quá trọng miếng ăn mà lụy đến thân, thậm chí có người suýt rơi đầu thiệt mạng.

Người xưa có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, tức dân coi ăn là trời, điều đó quả chẳng sai. Mà đâu chỉ có dân thường, vua chúa, quan lại cũng không thể không lấy sự ăn để mà sống.

Hiềm nỗi, lại có nhiều vị quan trọng việc ăn quá mức, hoặc cũng vì vô tình bởi sự ăn mà để hậu thế chê cười hoặc bản thân phải bẻ cong luật pháp.

Mất phần quả muỗm, Cự Đà phản vua

Cuối tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), quân Mông Cổ bị dẹp tan, cuốn gói chạy về nước, dân ta mỉa mai gọi là “giặc Phật” dù trước đó sức mạnh như tằm ăn rỗi ùa vào Đại Việt.

Tuy lúc này chưa định công ban thưởng, nhưng vua Trần Thái Tông cũng có một việc mà người đời sau nhớ mãi, để khắc cốt ghi tâm rằng, việc dù nhỏ, nếu không để ý có thể sinh họa to, tàn lửa mà không dập tắt thì gặp rơm lại thành đống lửa lớn. Việc nói tới dưới đây về sau được dân gian đúc kết qua câu: “Cự Đà không được ăn muỗm”.

 Vua Trần Thái Tông ban muỗm
Vua Trần Thái Tông ban muỗm. Ảnh: Internet
 

Trước kia, có lần vua Thái Tông ban quả muỗm (có tài liệu thì cho rằng đó là quả xoài, quả am la?) cho những người hầu cận, nhưng Nội quan chia không biết sao lại để sót Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà không được ăn. Muỗm ngoài chợ Đông, chợ Tây của Thăng Long chẳng thiếu gì. Nhưng đây là lộc vua ban, mà quan viên xưa nay thì “một miếng giữa đàng hơn cả sàng xó bếp”, nghĩ mình bị khinh rẻ, Cự Đà từ đó ôm mối hận trong lòng.

Đến khi quân Mông Cổ đánh tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn trước. Linh từ quốc mẫu (bà Trần Thị Dung - vợ thái sư Trần Thủ Độ) đưa Hoàng Thái tử Hoảng và cung phi, công chúa cùng vợ con các tướng lánh xuống mạn Hoàng Giang, khoảng ngã ba Tuần Vường (thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam bây giờ). Cự Đà gặp Hoàng Thái tử từ hạ lưu đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn:

- Quân Mông Cổ ở đâu?

Cự Đà trả lời rồi rong thuyền đi thẳng:

- Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy.

 Thái tử đề nghị khép tội tử Cự Đà vì phản quốc bởi quả muỗm
Thái tử đề nghị khép tội tử Cự Đà vì phản quốc bởi quả muỗm.
 

Thắng quân Mông Cổ, Hoàng Thái tử Hoảng xin với vua khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua Trần Thái Tông suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm (*) không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cực Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội.

May có lời vua, không thì chỉ vì quả muỗm mà Cự Đà rơi đầu vì “ghen ăn, tức uống” rồi.

Mạng người bằng cái thủ lợn

Nguyễn Văn Giai (? - 1682) vốn người đất Thiên Lộc, nay là đất làng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Dù xuất thân trong gia đình nhiều đời đỗ đạt, nhưng đến đời cha ông gia cảnh bần hàn, bởi thế, Nguyễn Văn Giai cũng chịu nhiều vất vả. Để có tiền dầu đèn ăn học, sẵn có sức khỏe, ông hay gánh thuê cho thiên hạ. Là người chí lực, nên sức ăn của ông Giai cũng lớn, gấp vài lần người thường.

Trải qua bao năm đèn sách, đến năm Canh Thìn (1580) đời vua Lê Thế Tông, khi tham dự kỳ thi Đình, Nguyễn Văn Giai được vinh hiển, trở thành bạn đồng khoa với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: “Canh Thìn, năm thứ ba (1580). Tháng 8, mùa thu. Lại mở khoa thi hội. Từ niên hiệu Nguyên Hòa (niên hiệu của vua Lê Trang Tông – người dẫn chú) trở đi, đã lâu không có khoa thi hội, đến đây mới lại mở. Nhà vua sai chia làm tam giáp, ban cho bọn Nguyễn Văn Giai và Phùng Khắc Khoan sáu người được đỗ tiến sĩ xuất thân và tiến sĩ đồng xuất thân có khác nhau” (Trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Vào triều làm quan, với tính ngay thẳng, cứng rắn, nên đến bọn thân sơ của vua Lê hay chúa Trịnh đều ngại tiếng ông. Thậm chí, chúa Trịnh thời này quyền to là thế, cũng phải kiêng dè. Tuy nhiên, cũng vì sức ăn khác người, mà có lúc Nguyễn Văn Giai phải làm trái với lương tâm của mình một cách vô tình. Trong Tang thương ngẫu lục cho biết, dạo ông làm chưởng quản Lục bộ, có vị Quận mã là con rể chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623) khi ra trận đánh giặc thua chạy, bị ông bắt bỏ ngục, rồi chiểu theo luật khép tội tử hình. Chúa Trịnh thương con rể, muốn tha lắm nhưng không biết phải ăn nói thế nào với ông.

Lúc này, Nguyễn Văn Giai có tới mấy bà vợ, duy có bà vợ Ba được ông cưng yêu nhất. Bà Quận chúa bèn đem châu ngọc tới thăm bà Ba và kể việc Quận mã. Bà Ba nghe xong, từ chối mà nói:

- Tướng công nhà tôi là người thanh liêm, ngay thẳng. Việc lớn của triều đình, tôi đâu dám can dự vào.

Quận chúa nghe thế thì cố nài nỉ. Đàn bà nghe mãi cũng dễ xiêu lòng, bà Ba bèn bảo:

- Nếu vậy sáng mai, Quận chúa cho đem một con lợn nhỏ luộc chín, một mâm xôi nếp cái, kèm cả tương giấm, dao thớt nữa, lựa lúc tướng công tôi đi vắng thì đưa vào.

Được lời như cởi tấm lòng, bà Quận chúa rối rít cảm ơn. Lại nói, trong các món ăn ông chưởng quản Nguyễn Văn Giai chuộng, món thịt lợn chấm với tương là món ông thích nhất, ăn mãi không chán. Bà Ba dặn Quận chúa đem thịt lợn cùng tương giấm là vì thế.

Đến sáng hôm sau, khi sắp sửa vào triều, ông Giai bảo người hầu dọn cơm sáng ăn. Bà Ba liền nói:

- Trong triều bây giờ các quan đến đủ cả, tướng công hãy vào rồi về xơi cơm kẻo muộn.

Nghe vợ, ông lên kiệu vào triều. Lúc về, do đói bụng từ sáng, thấy chiếc lồng bàn đậy cơm, bèn mở ra, lại sẵn có dao thớt bên cạnh, ông thái thịt nhúng tương ăn với xôi. Chỉ một lèo hết sạch. Đến khi ăn xong, ông mới nhớ, hỏi vợ:

- À, những thứ này ở đâu ra thế nhỉ?

Bà Ba lúc bấy giờ mới kể nguồn cơn. Nghe xong, ông bực lắm, cau mày, bóp trán mãi không thôi. Một hồi lâu mới nói:

- Ta lỗi lầm rồi! Ta lỗi lầm rồi! Nhưng vì một bữa no mà làm sống một mạng người, chẳng cũng vì trời đó sao!

Nói xong, ông liền lên kiệu vào phủ, xin tha cho Quận mã đang nằm trong đề lao. Chúa Trịnh nghe xong, mừng lắm, cho thi hành lệnh ngay. Nhờ đó mà vị Quận mã mới thoát khỏi nạn rơi đầu. Còn ông Giai dù cứu một mạng người, nhưng cũng lấy làm áy náy vì món lợn chấm tương lắm, nên từ đó theo tương truyền, ông cạch hẳn món ăn ruột ấy.

Quan Khắc Chung tham… ăn

Người xưa có câu “Dân dĩ thực vi thiên” (tức: Dân coi ăn là trời). Chẳng biết câu đó có ứng với tất cả mọi người hay không. Nhưng với trường hợp của Trần Khắc Chung thì quả là hợp lẽ.

Trần Khắc Chung (? - 1330) có tên thật là Đỗ Khắc Chung, người ở Giáp Sơn cùng quê với mẹ của vua Trần Hiến Tông. Ông làm quan trải bốn đời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Đại hành khiển, Tể tướng, Thượng thư, Ngự Sử đại phu, Đại an phủ kinh sư, Quan nội hầu, Sư bảo.

Trong quãng đời quan nghiệp, Trần Khắc Chung cũng có vị trí, công lao nhất định. Từng sang doanh trại Ô Mã Nhi để đàm phán, được tướng giặc Ô Mã Nhi khen là “ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên… Có thể nói là không nhục mệnh vua”. Nhờ công lớn trong cuộc kháng chiến đó, ông được vua ban quốc tính mà đổi sang họ Trần.

Nhưng cuộc đời ông cũng có tì vết, lúc thì vì chức mà bênh em, rồi lại làm chuyện khuất tất khi đi cứu công chúa Huyền Trân, sau còn xúi giục vua Minh Tông giết hại Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn. Làm việc thì giả tạo gắng sức, gia công mà dụng tâm thì không tốt. Đồng thời, còn một chuyện hiếm có để lại tiếng xấu cho ông, bị thiên hạ chê cười. Đó là tính tham ăn, ham chè chén, cỗ bàn.

Khi làm việc nhà nước, Khắc Chung cố làm ra vẻ tận tụy để cầu tiếng khen. Mỗi buổi sáng vào chầu thì tạm nghỉ ở cục Thượng Liễn cửa Vĩnh Xương, xem kỹ các bản tâu để chuẩn bị tâu bày. Khi tan chầu thì tới Đông cung dạy Thái tử Minh Tông. Mọi việc đều giả vờ, cố sức mà làm, khác với bản tính thật thà cần phải có của một tín đồ Phật giáo (Khắc Chung theo Phật giáo, môn phái Thiền Tông, là người viết lời bạt cho tập Tuệ Trung Thượng sĩ do nhà sư Pháp Loa biên tập và vua Trần Nhân Tông hiệu đính).

Dù là một trong những trọng thần, quan đầu triều phải mẫu mực, nhưng Khắc Chung lại say trò đỏ đen, thường hay đánh bạc với Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, có khi đến hai, ba ngày, đánh thâu đêm suốt sáng, ngồi ngay trên giường đánh bạc mà húp cháo, không nghỉ lấy một chút. Được thua chỉ một hai quan tiền mà dụng tâm khổ sở như vậy. Máu cờ bạc đã ngấm vào xương tủy, nhiều khi không dứt ra được. Cũng lạ là tệ đánh bạc bị nghiêm cấm, mà quan Khắc Chung vẫn cứ ngang nhiên mà xóc đĩa.

Còn cái khoản tham ăn thì cũng lắm chuyện. Khi gặp những ngày trẻ đầy năm, mừng nhà mới của bạn bè, được mời thì Khắc Chung không bao giờ vắng mặt. Thậm chí nhà quan thầy thuốc có món ăn ngon, biết tiếng cũng mò tới, khỏi cần rào trước đón sau hay mời mọc lấy lệ. Quân nhân biếu món ăn thì khen ngợi vợ họ nấu ngon để được ăn lần sau. Là quan trọng thần, lương bổng, lộc vua không thiếu, không hiểu tại sao Khắc Chung lại phải làm xấu mình vì miếng ăn như thế.

 Đền thờ Đỗ Khắc Chung ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Đền thờ Đỗ Khắc Chung ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
 

Có lần, con trai là Công Xưởng nạp thiếp mà không báo, Khắc Chung bảo con: “Mày lấy con gái nhà ấy sao không bảo cho ta biết?”, ý trách là cha mà không được mời, còn sâu hơn thì có cỗ bàn mà không gọi. Cha sai mà con cũng chẳng đúng lễ.

Ham cờ bạc, mê ăn uống, Khắc Chung còn không thật thà ngay cả với cha mẹ vợ. Trước đây Khắc Chung lấy nàng Bảo Hoàn. Khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, tài sản, ruộng đất đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua lên ngôi, xuống chiếu cho trả lại, nhưng Khắc Chung cũng không đem điền sản đó dùng vào việc thờ cúng mà tư lợi luôn ruộng đất của nhạc phụ, nhạc mẫu làm của riêng cho mình. Vì việc này, gương con rể như Khắc Chung luôn được người đời lấy mà răn con gái chọn chồng thì chớ chọn kẻ như Khắc Chung.

Món chả chim sẻ bẻ cong luật pháp

Cũng sống thời Lê Trung Hưng với quan Giai ở trên, nhưng là bậc hậu sinh, ông Tiến sĩ Phạm Công Trứ (1601 - 1675) cũng có câu chuyện liên quan đến việc ăn mà lòng áy náy.

Phạm Công Trứ vốn người làng Liêu Xuyên, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông đỗ tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thái bảo, gia Quốc lão tham dự triều chính, được chúa Trịnh Tạc tín nhiệm, tin tưởng rất mực. Trong Lịch triều hiến chương loại chí có cho hay, ghi nhận công lao ông, chúa còn làm câu đối thêu vào lá cờ như sau:

Điều đỉnh nại, nhiếp âm dương, triều đình phụ trạch;

Hoàn quy mô, định hiệu lệnh, quốc gia đồng lương.

Nghĩa là:

Nêm canh đỉnh vạc điều hòa khí âm dương, làm cột đá cho triều đình;

Hoàn thành được quy mô, định ra các luật lệnh, là rường cột của nhà nước.

Thế mới thấy uy tín, quyền thế của ông lớn đến chừng nào trong cung vua, phủ chúa. Tài năng là thế nhưng như cha ông ta đã nói “nhân vô thập toàn”, nên cũng có lúc, vị Quốc lão triều đình cũng phạm sai lầm, hiềm nỗi, lại cũng vì miếng ăn.

Số là thuở ấy, có viên tù trưởng miền thượng du do lỗi lệch mà phạm vào tội chết. Biết ông là người có quyền nghiêng thiên hạ, bà vợ viên tù trưởng mới tìm cách đút lót cho tên làm bếp nhà ông, được tên làm bếp xui biếu món ăn ông thích là món chim sẻ vàng nướng. Biết vậy, thị nhất mực thi hành. Món chả chim sẻ được tên đầu bếp làm xong, dâng lên vị Quốc lão. Gặp đúng món ưa thích, ông ăn hết sạch cả đĩa chả chim sẻ. Ăn xong rồi, ông hỏi tên đầu bếp. Lúc ấy, hắn mới đưa số vàng vợ viên tù trưởng đút lót cho, phục xuống trước mặt ông xin chịu tội.

Biết mình vừa ăn phải của đút, ông thò tay móc họng nôn ra cho hết, rồi nói với tên người hầu việc bếp:

- Thôi, mày đem số vàng ấy đi, tao tha cho không quở trách nữa.

Đến khi xét án, xử đến viên tù trưởng, nhớ lại món chả chim sẻ lỡ ăn hôm nọ, ông nói với chúa Trịnh tha cho người tù trưởng ấy, được chúa chuẩn y.

Việc của quan Chưởng quản Lục bộ Nguyễn Văn Giai và Quốc lão Phạm Đình Trọng, người đời sau xét đến, mới ghi rằng: “Ôi! Hai ông là quan tể tướng thời Lê Trung hưng; một người vì thịt lợn, một người vì chả chim, vậy những sự ưa thích, há chẳng rất nên cẩn thận ru!” (Lời Tang thương ngẫu lục – Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án).

Kể ra ở những trường hợp trên, dù vô tình hay hữu ý, thì đúng là bởi món ăn mà làm việc trái lương tâm, hoặc bởi miếng ăn mà phạm lỗi lầm. Câu ngạn ngữ “Dân dĩ thực vi thiên”, quả là đời nào cũng đúng.

Theo Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG