Lễ khai mạc có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam); đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).
Ảnh: Moet |
5 ưu tiên cho giáo dục
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Hằng năm, ngân sách dành cho giáo dục chiếm 20% ngân sách quốc gia. Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục. Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD&ĐT Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023 như chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu;bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”.
Sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức
Tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự này. Sự kiện này còn đặc biệt hơn nữa khi được tổ chức không phải là trực tuyến mà là trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành Giáo dục, phải chống chọi với đại dịch COVID-19, và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị. Ảnh Moet |
"Sau hai năm đại dịch, hôm nay chúng ta rất vui mừng được thấy trường học ở hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. Nhưng việc mở lại trường học là chưa đủ. Phải chăng câu hỏi về mục tiêu đặt ra cho chúng ta là cần tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng trước những thay đổi cũng những thách thức khó lường trong tương lai; như chủ đề của Hội nghị năm nay, đó là: “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Thông qua Hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng rằng những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Và sau đó, là về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.