Những trào lưu giúp 'cách ly mạng' thời COVID-19

Một góc L2A cổ vũ việc viết thư tay, nhất là trong giai đoạn ở nhà cách ly
Một góc L2A cổ vũ việc viết thư tay, nhất là trong giai đoạn ở nhà cách ly
TP - Những ngày cách ly ở nhà khiến cho số đông phụ thuộc vào internet và mạng xã hội. Kết quả là mọi tốt, xấu, hay, dở của “những kẻ nghiện net” cứ 24/24 mà bày ra. Mạng xã hội quá tải với những nội dung không lệch lạc thì cũng chẳng có ích gì cho ai. Đã xuất hiện những trào lưu giúp “cách ly mạng”.

Kiềm chế trước bàn phím

Từ phong trào làm thơ tụng ca, cầm đèn chạy trước ô tô tung tin fake về dịch bệnh... cho đến cả những màn khoe thân, khoe tài, khoe vén khéo đảm đang khi xuất hiện với tần suất quá dày đều đang ít nhiều làm “những người còn lại” cảm thấy phiền hà, bức xúc.

Chưa từng có thời điểm nào mà phong trào “làm thơ ca ngợi” lại nở rộ như thời điểm này. Có người nói vui là “dịch mang đến thơ”. Từ khắp các tỉnh thành, những người làm thơ không chuyên mang tâm tình “thật lòng” lần lượt cho ra đời những bản tụng ca khiến người được khen đỏ mặt. Cư dân mạng lấy đó như một bia ngắm của “thơ-phản-thơ” đua nhau chia sẻ khiến những bài thơ này hôm trước hôm sau thành nổi tiếng. Cũng may, sau khi phong trào “xin đừng làm thơ” được một số văn sĩ trí thức chia sẻ, hiện tượng này giảm hẳn. Thì thường dân facebook lại hoa mắt vì nhà nhà trở thành hãng thông tấn. Một nick bán kem nghệ trị mụn hôm trước, hôm sau đã vụt sáng lòa ngày hai cữ điểm tin COVID-19 “hầu phây hữu”. Một công chức có mối quen biết với người ở bộ nọ cũng úp mở “nguồn độc quyền” mỗi ngày cập nhật tên tuổi, hộ khẩu, chứng minh thư... của bệnh nhân mới để “cảnh báo cộng đồng”...  Đạo diễn Lê Hoàng có lần từng nói: facebook giống như miếng bả với những kẻ háo danh, bập vào là không rút ra được. Trong muôn vàn những người muốn nhờ “điểm tin COVID” mà nổi tiếng, sau đó, không ít người phải “ra đồn xơi nước” vì “tung tin thất thiệt”.

Nhà văn Hồ Anh Thái có viết: “Facebook và các phương tiện kết nối khác chẳng phải chỉ là sổ tay cá nhân. Nó còn là cái phòng khách mở toang cửa, bạn bè người thân tới lui, thậm chí người không quen qua đường cũng có thể ghé vào đọc tờ báo tường dán trong phòng khách nhà ta”.

Theo đó, nhà văn đề nghị: “nhân chiến dịch này nên biết kiềm chế ngọn bút và cái bàn phím. Xin cứ vần vè, nhưng chỉ là sổ tay cá nhân, rất cá nhân thôi”.

Để trả lại “sự bình thường cho facebook”, gần đây, rất nhiều bạn trẻ đã share lại bài viết của một KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) nay đã “gác bút” có tiêu đề: “Lớn rồi, đừng có cái gì cũng đem lên facebook”. Trong đó, câu nói gan ruột của nguyên KOL được rất nhiều người lấy làm tâm đắc: “Vài năm trước, một câu chuyện khó chịu, một cảm xúc bốc đồng đều được tôi đăng tải lên facebook. Và bây giờ, với chức năng nhắc nhở của facebook, nó gợi lên cho tôi những kỷ niệm. Tôi chỉ muốn chui xuống ống cống vì xấu hổ, tự hỏi tại sao ngày xưa lại đăng những thứ linh tinh như vậy”.

Ngồi yên đọc sách

Những trào lưu giúp 'cách ly mạng' thời COVID-19 ảnh 1 Thử thách ngồi yên đọc sách được hưởng ứng rộng rãi

Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào internet và mạng xã hội, Bloom Books - một thương hiệu sách về cảm hứng sống đã kêu gọi bạn đọc tham gia chương trình Ngồi yên đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, kể từ khi lời kêu gọi phát ra, hơn 3.000 người đã quan tâm và hưởng ứng; mỗi ngày đều có rất nhiều KOL lan tỏa chiến dịch và tình nguyện trở thành những “đại sứ ngồi yên”...

Blogger Quỳnh in Seoul chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi bạn không đi tụ tập, bức bối lắm phải không? Nhưng đừng lo, ngay lúc này việc ở yên một chỗ chính là tiếp sức cho tiền tuyến phòng dịch, cùng nhau vượt qua thời gian này. Nhưng thật ra những ngày ở lì trong nhà này cũng không khác với đời sống của một nhà văn hay một người làm youtube bao nhiêu đâu, vẫn ở nhà sáng tác, vẽ tranh, học thêm một điều mới mẻ qua mạng và đọc sách, mở lòng nhìn vào sâu trong chính mình”.

Một ý kiến khác, của nhà văn best seller Jenifer L. Scott (người sáng tạo ra Madame Chic - nhân vật rất có ảnh hưởng với phụ nữ) cũng được chia sẻ rầm rộ: “Cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. So với việc ngồi xem tivi, đọc sách giúp cho bộ não của bạn hoạt động nhanh nhạy hơn và giữ cho vốn từ vựng (chưa kể đến trí tưởng tượng của bạn nữa) sắc nét hơn. Đọc được càng nhiều, bạn càng muốn biết được nhiều hơn”.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương (một người đặc biệt trên facebook, học tiến sĩ tại Nhật song lại từ bỏ những công việc lương cao để đi bán sách rong và lan tỏa văn hóa đọc) cho rằng đây là “cơ hội vàng” để những người ngày thường than “không có thời gian đọc” được dịp nghiền ngẫm, chiêm nghiệm với sách. Nguyễn Quốc Vương cũng cho rằng cái dở của Google và internet hiện nay là người ta chỉ biết kết quả mà người ta muốn biết, còn không biết đến quá trình. Trong quá trình đó, khi đọc, người ta sẽ có cơ hội gặp hoa thơm cỏ lạ và nó tạo sự phong phú trong văn hóa. Từ lượng thông tin phong phú nằm vô thức trong não ấy mà tạo ra nền tảng cho người đọc hiểu sâu, rộng về nhân vật đó. Sự phổ cập của internet và các phương tiện kĩ thuật số ở nước ta, nơi có nền tảng văn hóa đọc mỏng giờ đây khiến nhiều người có ảo tưởng là mình thông thái nhưng thực chất lại không biết gì bởi vì chỉ biết mỗi kết quả nhìn thấy mà thôi.

Những thú vui “tao nhã” ngoài internet gồm đọc sách, xem phim, nghe nhạc, thiền... được các nhà tâm lý học gọi là “con đường gắn kết với bản thân”. Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho rằng: “Tôi thường yêu cầu khách hàng của mình áp dụng những thú giải trí này như là một phương pháp hữu ích giúp giải tỏa những phiền muộn, lo lắng của bản thân, ít nhất là vào thời kỳ khủng hoảng do Social Distancing (cách ly xã hội) như hiện nay”.

Chị Mai Hoa cũng khẳng định: “Làm một việc gì đó sẽ khiến bạn suy nghĩ về một vấn đề khác thay vì những gì đang diễn ra. Một mặt, nó khiến bạn bận rộn có ích. Mặt khác, nó cũng khiến bạn thoát khỏi mạng xã hội, nơi tràn lan những thông tin và con số khủng bố về dịch bệnh”.

Viết thư tay để “cai” mạng xã hội

Dường như đi ngược lại xu hướng 4.0 nhưng bất ngờ là phong trào viết thư tay trong giới trẻ gần đây lại được hưởng ứng. Kiểu giao tiếp có phần lỗi thời này chính là một phương pháp giãn cách để “cai” mạng xã hội.

Letter To Angel (L2A) là một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng thư tay như một phương tiện nghệ thuật để xây dựng sự cảm thông và sự tự nhận thức bản thân cho tất cả mọi người. Theo đó, L2A sẽ viết thư tay phản hồi, gửi kèm quà tặng tinh thần cho những bạn gửi nỗi lòng vào trang Letter To Angel hoặc viết thư tay cho chương trình.

L2A thành lập từ năm 2016, ban đầu chỉ nhận thư trong khu vực TP Hồ Chí Minh, nhưng những năm gần đây đã mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Một thành viên của L2A lý giải về ý tưởng viết thư tay: “Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận các câu chuyện bằng rất nhiều phương tiện khác nhau: qua chuyện trò trực tiếp, qua điện thoại, qua báo đài v.v… Nhưng sẽ không có câu chuyện nào đặc biệt như chuyện của thư tay. Bởi vì chúng lỗi thời. Hoài niệm. Và khác biệt. Viết thư khiến người ta dễ dàng cởi mở hơn”.

Trong thời điểm “đổ cả cuộc sống vào internet” như hiện nay, việc khuấy động tinh thần viết thư tay trong giới trẻ được coi là một động thái tích cực khiến họ ít bị phụ thuộc hơn vào bàn phím. Bởi đa phần những người viết thư cho L2A còn trẻ, và những nội dung thư phần lớn đều “có vấn đề”, việc có thể “nói ra câu chuyện của mình” ngoài giải tỏa còn có tác dụng chữa lành những chấn thương tinh thần.

Từ phong trào của L2A, nhiều người bắt đầu áp dụng công thức thư tay trong cuộc sống. Thay vì nhắn tin, gọi điện, họ viết giấy nhắn trong những gói quà gửi cho các y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch. Thay vì “trình bày bản thân” trên facebook, có người tự viết thư gửi mình ở hai, năm, mười năm sau. Thay vì ngồi gửi những icon (biểu tượng chat), đã có những hội nhóm mách nhau cách ướp thơm giấy viết thư, cách chế màu mực như ý.

“Với nhịp sống bình thường, tôi không nghĩ mình có đủ kiên nhẫn để ngồi viết thư tay. Nhưng vì ở nhà lâu, tôi quyết định thử xem. Lâu không cầm đến bút, những lá thư đầu tiên khá khó khăn. Song càng viết thì càng thú vị. Thư tay có sự bất ngờ và tình cảm mà thư điện tử không có được. Mỗi hai ngày tôi sẽ viết một lá thư, cho người yêu, bố mẹ và bạn bè. Tôi nghĩ, khi hết dịch COVID-19 tôi vẫn sẽ viết thư tay” - tác giả Hân Nhiên chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.