Những tòa nhà tái định cư bỏ hoang: Lãng phí và mù mờ trách nhiệm

Tòa nhà TĐC Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bỏ hoang hơn 10 năm. Ảnh: Như Ý.
Tòa nhà TĐC Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bỏ hoang hơn 10 năm. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, có những tòa tái định cư (TĐC) khang trang bị bỏ hoang nhiều năm. Trong khi đó, hàng nghìn người dân phải sống chật vật trong những căn nhà trọ tồi tàn. Cơ quan chức năng Hà Nội đã quá chậm trễ trong giải quyết vấn đề nhà TĐC...

Chủ đầu tư, cơ quan quản lý đổ lỗi

Những ai đi qua phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều ngỡ ngàng, vì một khối nhà chung cư cao hơn 20 tầng đẹp đẽ lại không có người về ở. Đây là dự án TĐC với khoảng 154 căn hộ do Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Được biết, năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm bỏ hoang. Cứ ngỡ người dân sẽ được dọn về ở tại vị trí trung tâm, nhưng gần 2 năm nữa trôi qua, tòa nhà vẫn chưa có người đến ở. Tòa nhà mới xây, song cầu thang thoát hiểm bằng sắt đã gỉ sét, dây điện chằng chịt bao quanh ổ điều hòa. Nhiều mảng tường đã ngấm nước, bong tróc… Người dân xung quanh tận dụng nuôi gà, trồng rau trong khuôn viên tòa nhà.

Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng, chỉ khi nào chất lượng công trình gắn với trách nhiệm chủ đầu tư, dự án TĐC mới tốt được. Việc thay thế nhà TĐC bằng nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề về diện tích căn hộ, mức giá, nhưng chất lượng nhà vẫn là vấn đề lớn. Hiện tại nhiều nhà xã hội đưa vào sử dụng chất lượng còn kém không khác gì nhà TĐC. Vấn đề ở đây là quản lý từ khâu xây dựng đến hậu kiểm.

Một lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, chủ đầu tư tòa nhà gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý. Quận đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thành phố xem xét, xử lý dứt điểm những vướng mắc để bố trí người dân vào ở. Thế nhưng đến nay, sự việc hiện vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi đó, một lãnh đạo Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà cho rằng, nguyên nhân việc chậm đưa toà nhà vào sử dụng do thành phố chưa bố trí được người dân vào TĐC.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng, xác nhận, dự án đã hoàn thành đến 90% các hạng mục nhưng chưa có hồ sơ hoàn công nên chưa được phép đưa vào sử dụng.

Tòa TĐC C1 (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) do Cty Vinaconex 1 làm chủ đầu tư cũng bỏ hoang hơn 3 năm nay khi mới hoàn thành xong phần thô. Nhìn khối nhà bằng bê tông đang xuống cấp từng ngày, ai cũng sốt ruột.

Ông Đinh Hoàng Diệp, Phó Tổng giám đốc Vinaconex 1, nói rằng, công ty chờ đợi nhiều năm nhưng Hà Nội vẫn chưa chấp thuận chủ chương đầu tư dự án TĐC C1 theo hình thức nào. Một là chủ đầu tư bỏ tiền ra đầu tư và thành phố mua lại để bố trí cho người dân TĐC hay là thành phố bỏ tiền ra đầu tư.  Hiện tại, công ty ứng hơn 80 tỷ đồng vào xây dựng và dự án càng dừng lại lâu, công ty càng chịu thiệt. “Chúng tôi đang chờ đợi quyết định của UBND TP Hà Nội chấp thuận làm TĐC theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, thành phố cũng phải duyệt giá để công ty làm cho phù hợp. Trước đây, dự án làm cho nhà ở công chức với diện tích lớn. Nay, chúng tôi phải xin điều chỉnh lại những căn hộ trên 100m2 để phù hợp làm TĐC, nhưng đến nay mọi thủ tục vẫn chưa xong”, ông Diệp nói.

Nhà xã hội hay nhà TĐC?

Một Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, hầu hết các dự án TĐC đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận quy hoạch kiến trúc nhưng triển khai rất chậm. Nguyên nhân chính là nhiều dự án ban đầu phê duyệt làm nhà cán bộ, nhà thương mại với diện tích lớn sau đó chuyển đổi sang TĐC nên mất nhiều thời gian chuyển đổi, chia nhỏ diện tích. Ngược lại, một số dự án được phê duyệt TĐC, nhưng lại chuyển đổi mục đích xây dựng sang hình thức khác khiến quỹ nhà TĐC thiếu thốn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục triển khai dự án.

Những bất cập về nhà TĐC từng được Bộ Xây dựng chỉ ra trong nhiều cuộc họp với UBND TP Hà Nội. Theo đó, Bộ Xây dựng từng đề xuất bỏ khái niệm “nhà TĐC” và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà TĐC mới. Thay vào đó sẽ là những dự án nhà ở xã hội dành tỷ lệ nhất định căn hộ phục vụ TĐC.

Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, khi dự án được xây dựng với mục đích nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải chú trọng đến chất lượng công trình, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng đảm bảo hơn, đồng thời chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, giữ gìn tòa nhà của mình. “Trước đây, nhà TĐC làm từ ngân sách nhà nước, đơn vị thi công xong bàn giao nhà cho ban quản lý. Sau đó, Ban quản lý giao lại cho Cty Quản lý nhà Hà Nội. Giữa các đơn vị không thống nhất, khiến nhiều khu TĐC rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ”. Nay TĐC được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, UBND TP mua lại giá rẻ nên chủ đầu tư cũng không thể làm với chất lượng tốt nhất”, vị này nói.

Theo thống kê của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành 173 tòa nhà chung cư TĐC, với tổng cộng 15.209 căn hộ. Trong đó, 147 tòa nhà thành phố giao Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vận hành. Tổng số căn hộ đã bàn giao, sử dụng là 14.452 (bao gồm cả bố trí tạm cư). Còn theo UBND TP. Hà Nội, đến 31/11/2016, trên địa bàn Thành phố có 36 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với khoảng 1,33 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở (gần 20.000 căn hộ). Thành phố xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2012-2020 là hơn 8,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (1 triệu căn hộ).

MỚI - NÓNG