Những tình tiết giảm nhẹ tội cho vợ nhà báo đốt chồng

Những tình tiết giảm nhẹ tội cho vợ nhà báo đốt chồng
Theo luật sư, việc đi mua xăng, dây dù về cất trong tủ, hai ngày sau mới sử dụng chứng tỏ bà Liễu có sự chuẩn bị, quyết tâm đạt mục đích đến cùng nhưng vẫn được xem xét giảm nhẹ vì đã ra đầu thú.

Những tình tiết giảm nhẹ tội cho vợ nhà báo đốt chồng

 >> 'Tôi không tin Liễu hành động một mình'

Theo luật sư, việc đi mua xăng, dây dù về cất trong tủ, hai ngày sau mới sử dụng chứng tỏ bà Liễu có sự chuẩn bị, quyết tâm đạt mục đích đến cùng nhưng vẫn được xem xét giảm nhẹ vì đã ra đầu thú.

Bà Trần Thúy Liễu trong đám ma chồng - nhà báo Hoàng Hùng
Bà Trần Thúy Liễu trong đám ma chồng - nhà báo Hoàng Hùng. Ảnh: Internet

Sau hai ngày kể từ khi ra đầu thú, bà Trần Thị Liễu, 40 tuổi, trú tại phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An, vẫn trong tình trạng hoảng loạn, bị ngất nhiều lần. Do tình trạng sức khỏe của nghi can, việc khám xét nơi ở để tìm dụng cụ phóng hỏa được tiến hành dưới sự chứng kiến của người thân và tổ dân phố, không có mặt bà Liễu.

Trả lời về những tình tiết liên quan đến vụ vợ nhà báo đốt chồng, luật sư Trần Tiến, Công ty luật Hà Nội VDT, cho rằng tội của bà Liễu đã rõ ràng, tuy nhiên trước khi đề nghị truy tố theo điều khoản nào cần làm rõ thêm một số tình tiết nữa.

Điều 93 Bộ Luật hình sự về tội giết người quy định:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm

Theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự, bà Liễu phạm tội giết người. Tuy nhiên, theo luật sư Tiến, tình tiết còn nhiều điều chưa rõ ràng, động cơ dẫn đến hành vi phạm tội hiện chưa thực sự cụ thể nhưng có thể thấy rõ là bà Liễu đã cố ý, có sự chuẩn bị từ trước để thực hiện hành vi đổ chất cháy để đốt chồng.

Theo lời khai ban đầu của bà Liễu thì do mâu thuẫn về việc tiền bạc trong gia đình, sáng 17-1, bà đến tiệm tạp hóa số 177, quốc lộ 62 mua một đoạn dây dù khoảng 10m và đến cây xăng bưu điện mua 20.000 đồng xăng bỏ vào bịch nilon đem về cất vào tủ. Đến trưa 17-1, trong lúc ở nhà một mình, bà Liễu lấy dây dù cột vào lan can nhà (tầng 1), thắt các nút thắt trên dây rồi giấu vào một góc lan can.

Khoảng 0h ngày 19-1, bà Liễu đi từ phòng ngủ ra lan can thả một đầu dây dù xuống đất, sau đó lấy bịch xăng tạt vào giường nạn nhân đang ngủ và châm lửa đốt, phát hiện lửa cháy, bà Liễu về phòng ngủ nằm, khi nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân thì bà Liễu cùng với 2 con chạy ra dập lửa trên người nạn nhân và kêu cứu.

Luật sư Trần Tiến phân tích, về những khả năng dẫn đến hành vi giết người của bà Liễu, hay có thể nói là động cơ của hành vi này, còn chưa rõ. Tuy nhiên, nhận định có thể do những tình huống sau đây:

- Bà Liễu cần tiền để trả nợ, sau khi cãi nhau với chồng để bán nhà lấy tiền trả nợ không được, nên đã sinh ra ý định giết chồng.

- Cũng với mục đích kiếm tiền trả nợ. Có thể biết chồng mua bảo hiểm mệnh giá lớn mà người thụ hưởng chính là bà Liễu nên bà đã có ý định giết chồng mong chiếm tiền bảo hiểm.

Trong trường hợp bà Liễu còn có người đồng phạm. Đã có những vụ án mà người vợ thông đồng với người khác để cùng giết chồng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Việc bà Liễu đã tự nguyện ra đầu thú có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 46, Bộ Luật Hình sự. Bà Liễu cũng có thể được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa nếu thành khẩn khai báo theo điểm p, khoản 1, Điều 46, Bộ Luật Hình sự.

Trả lời phóng viên về chi tiết gia đình có hai con là trẻ em và trong độ tuổi vị thành niên (một em đang học lớp 7, một đang học lớp 11 hiện bỏ học), luật sư Tiến cho biết, đây không phải là tình tiết giảm nhẹ được xem xét tại tòa. Bởi theo luật, bị can có con dưới 36 tháng mới được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, xét về khía cạnh "tình", có thể tòa sẽ lưu ý xem xét khi đưa ra xử vụ án hy hữu này.

Trao đổi qua điện thoại, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng dư luận nên nhìn nhận vụ vợ nhà báo đốt chồng như một vụ án hình sự bình thường, thi thoảng vẫn xảy ra không chỉ ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới.

Ông Bình cho rằng các phương tiện thông tin đại chúng hãy đưa tin có định hướng, không nên “đào” quá sâu về đời tư của những người liên quan đến vụ việc này bởi xét về góc độ tình người, đó là việc làm gây đau khổ cho những người vô tội như cha, mẹ, hai đứa con và những người thân của bị can, bị hại. Người phạm tội sẽ phải chịu sự phán xét của pháp luật nhưng còn người thân của họ, tất nhiên phải chịu hệ lụy nhưng đấy là những người vô tội.

“Hãy để pháp luật làm chức năng, phận sự của mình còn chúng ta hãy coi đây như một bài học để ứng xử với nhau tốt hơn, đừng vì sự vô tình mà đẩy hai đứa trẻ đang chịu nỗi đau tột cùng về cha, về mẹ vào chỗ đường cùng, không lối thoát trong khi các em không đáng phải chịu hình phạt như vậy”, ông Bình nói.

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Theo Minh Châu
Báo Đất Việt

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG