Những tiết học đặc biệt ở sân trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những học sinh gen Z chưa từng biết tới chèo, tuồng, cải lương hay múa võ đã được hóa thân thành những nhân vật trong các tác phẩm kinh điển qua những tiết học. Đa phần các em đều hào hứng và yêu thêm văn hóa dân tộc khi hiểu sâu về các loại hình nghệ thuật cha ông truyền lại.
Những tiết học đặc biệt ở sân trường ảnh 1
Đoạn trích vở Hai Bà Trưng do thầy và trò Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng dàn dựng. Ảnh: Nguyễn Dũng

Học sinh vào vai nghệ sĩ cải lương, võ tướng

Chiều 16/4, 32 học sinh trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) trong trang phục đỏ và xanh, hóa thân vào các quân cờ trong môn cờ tướng đã “xung trận”. Các em lần lượt đứng vào các ô trên bàn cờ tướng khổng lồ giữa sân trường, tương ứng với quân cờ mặc trên người. Kỳ thủ của ván cờ là một giáo viên và một học sinh đạt giải nhất môn cờ tướng cấp trường. Ngồi trên lọng cao, hai đối thủ quan sát từng nước đi của đối phương và chỉ huy trận chiến. Mỗi lúc đụng độ nhau, các quân cờ sẽ biểu diễn các thế võ Tây Sơn trong tiếng hò reo cổ vũ của hàng nghìn học sinh, thầy cô trong trường. Đây là tiết hoạt động giáo dục địa phương phối hợp hoạt động trải nghiệm được trường thực hiện hàng năm và lần đầu tiên tiết hoạt động giáo dục này được tổ chức bằng hình thức thi đấu cờ người.

Người lên ý tưởng dàn dựng trận đấu cờ người kết hợp đánh võ là thầy Lê Trung Hiếu, Tổ trưởng Giáo dục thể chất - Quốc phòng của nhà trường. Vốn là một huấn luyện viên dạy võ nên thầy Hiếu rất am hiểu lĩnh vực trên. “Các em học sinh đã chuẩn bị cho hoạt động này từ đầu năm học đến nay. Mỗi học sinh phải thuộc 12 bài võ (tương ứng các quân cờ xe, pháo, mã, tượng, sĩ, tốt) trong khi các em chưa từng học võ. Đây là điều khó nhưng các em rất hào hứng và đã làm rất tốt”- thầy Hiếu nói.

Thầy Dương Hoài Bảo, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài thi đấu cờ người, trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động từ tham quan tưởng niệm Vua Hùng, gói bánh chưng, các trò chơi dân gian để giúp học sinh hiểu thêm giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.

Những tiết học đặc biệt ở sân trường ảnh 2
Học sinh Trường THPT Hùng Vương hóa thân thành các quân cờ tham gia môn cờ người. Ảnh: Nhàn Lê

Tương tự, tiết học giáo dục địa phương với chủ đề “Diễn xướng dân gian Nam bộ” do Tổ ngữ văn - Giáo dục địa phương Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM) thực hiện vào ngày 17/4 khiến học sinh thích thú. Trích đoạn cải lương về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng do giáo viên viết lời và biểu diễn cùng học sinh nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng.

Thay vì ngồi học trong lớp đọc qua những dòng giới thiệu sơ lược về bộ môn đờn ca tài tử trong sách giáo khoa, 250 học sinh được trực tiếp xem biểu diễn bộ môn nghệ thuật đặc trưng của Nam bộ. Sau mỗi phần giới thiệu về lịch sử phát triển của đờn ca tài tử, các điệu thức trong âm nhạc đờn ca…là phần minh họa bằng các trích đoạn do các nghệ sĩ, học sinh, giáo viên thể hiện.

Từ nhỏ, Nguyễn Trọng Phúc (học sinh lớp 11) đã thuộc làu giai điệu của nhiều bài đờn ca tài tử khi nghe bà nội ngân nga nhưng vẫn bất ngờ sau khi tham gia tiết học. “Em đã nghe đờn ca tài tử từ nhỏ và từng hát theo ông bà nhưng hôm nay em mới thực sự hiểu một cách cặn kẽ về các quy tắc của loại hình nghệ thuật này. Điều này làm em thêm yêu quê hương của mình, vì thế hệ cha ông có những di sản phi vật thể không ở đâu trên thế giới có được”, Phúc kể về tiết học.

Thầy Hoàng Minh Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chuyên đề trên là một phần của môn giáo dục địa phương thực hiện theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hình thức dạy học trực tiếp, sinh động giúp học sinh ghi nhớ được kiến thức sâu, hiểu thêm về văn hóa cũng như tạo hứng thú trong học tập.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhìn nhận, trên nội dung của tài liệu giáo dục địa phương, các trường được sáng tạo bài dạy phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Những phương pháp giảng dạy mới có tính lan toả tốt, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn nội dung giáo dục mà các thầy cô hướng đến cho các em.

Hào hứng, nhớ kiến thức nhiều hơn

Chuyên đề “Diễn xướng các loại hình sân khấu truyền thống” trong môn Ngữ văn tổ chức vào cuối tháng 1 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức) cũng để lại nhiều ấn tượng cho học sinh. Mở đầu tiết học là một trò chơi nhỏ với những câu hỏi xoay quanh kiến thức về chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước. Tiết học trở nên lôi cuốn hơn với màn trình diễn được đầu tư rất công phu của các em qua tiết mục cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, chèo “Thị Mầu lên chùa”, múa rối nước “Đánh cáo bắt vịt”...

Đóng vai vợ trong “Đánh cáo bắt vịt”, em Nguyễn Ngọc Bảo Trân, học sinh lớp 10D2 cho biết, cả nhóm mất nhiều thời gian chuẩn bị. Các em phải suy nghĩ cách đem nước vào hội trường, đặt rối từ các nghệ nhân và tự luyện tập với nhau sau khi tham khảo trên mạng. “Lâu nay em cứ nghĩ môn nghệ thuật này đơn giản nhưng khi tìm hiểu và tự điều khiển những con rối mới thấy không dễ dàng chút nào. Học qua những trải nghiệm thực tế khiến em nhớ kiến thức nhiều hơn”, Trân nói.

Cô Phan Thị Thoa, giáo viên tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Hữu Huân thông tin, trước khi tiết học diễn ra, cô đã làm một khảo sát với học sinh trong trường. Điều bất ngờ là chỉ hơn 12% học sinh yêu thích, hứng thú với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, hơn 80% học sinh chưa từng nghe qua tên nghệ sĩ thể hiện loại hình này. “Nhiều học sinh đều chưa từng nghe qua về các nghệ sĩ thể hiện nghệ thuật dân gian truyền thống song lại rành rẽ những bài nhạc trẻ. Nguyên nhân do các em không có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc các loại hình nghệ thuật này, môi trường sống thay đổi tác động vào cảm nhận khiến khoảng cách giữa nghệ thuật truyền thống với giới trẻ ngày càng xa” - cô Thoa nói.

Từ những tiết học về loại hình sân khấu dân gian, cô Thoa cho biết, hoạt động này giúp học sinh tiếp thu kiến thức sâu hơn, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm thông qua việc lồng tiếng, phân vai, chọn kịch bản, dựng sân khấu. Điều đặc biệt, thông qua những tiết học như thế này, các em được giáo dục lòng yêu nước, tự hào truyền thống dân tộc. Thế hệ trẻ nhận ra được tầm quan trọng của nghệ thuật truyền thống, đặc trưng văn hóa của dân tộc và cảm thấy cần có trách nhiệm kế thừa, bảo tồn những loại hình này.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.