Những thủ khoa đặc biệt

Bùi Quỳnh Anh
Bùi Quỳnh Anh
132 thủ khoa xuất sắc, tốt nghiệp của các trường đại học, học viện tại Hà Nội vừa được tuyên dương vào ngày 24/5, tại tượng đài Lý Thái Tổ. Hai câu chuyện về 2 thủ khoa cùng tên là Quỳnh Anh sau đây sẽ giúp bạn biết được, họ đã trở thành thủ khoa như thế nào.

Nữ chỉ huy dàn nhạc hiếm hoi của Việt Nam

Bùi Quỳnh Anh là thủ khoa của trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (khoa Âm nhạc), với số điểm học tập toàn khóa cao ngất: 9,37. Không chỉ thế, cách đây 4 năm, Bùi Quỳnh Anh cũng là thủ khoa đầu vào của trường. Cô gái này đã duy trì vị trí số 1 của mình suốt toàn khóa học, ở một chuyên ngành khó: Chỉ huy dàn nhạc.

Ở Việt Nam, những chỉ huy dàn nhạc là nữ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Hiện tại, nữ chỉ huy dàn nhạc được biết đến nhiều hơn cả là giảng viên Đặng Châu Anh. Và bây giờ, Bùi Quỳnh Anh tiếp bước.

Bạn bè Bùi Quỳnh Anh, đôi khi, vẫn hỏi chuyên ngành học của Quỳnh Anh có gì đặc biệt mà hấp dẫn cô ấy đến thế. Nhiều người nói, chẳng lẽ, suốt 4 năm, cô chỉ học mỗi vài động tác đưa tay lên và hạ tay xuống.

Quỳnh Anh cười, bảo: “Trong các chương trình hòa nhạc, bạn sẽ thấy chỉ huy dàn nhạc là người luôn đứng quay lưng vào khán giả. Nhưng họ chính là người biến tác phẩm từ những nốt nhạc trên giấy thành âm thanh, với rất nhiều công đoạn: Dựng bản nhạc, lựa chọn và kết hợp nhạc cụ ra sao, hòa âm thế nào.

Trong giới, mọi người vẫn mặc định, chỉ huy dàn nhạc là nghề của nam giới vì đó là công việc không dễ dàng. Nhưng bởi nó khó khăn nên mình càng muốn học nó, chinh phục nó và khẳng định rằng, nó không phải địa hạt của riêng nam giới”.

Quỳnh Anh kể về quá trình khổ luyện: “Lấy ví dụ về một bài, chúng mình hay gọi là “quét vôi”. Chúng mình vẫn đứng tập trước gương, tựa lưng thật thẳng vào tường, tập đưa tay lên xuống. Bài tập không đơn giản, đôi khi, mình phải cầm chai nước lên để tập. Điều này rất quan trọng với chỉ huy dàn nhạc, vì có những chương trình, bạn sẽ phải đứng cả tiếng đồng hồ.

Nếu như người chỉ huy thiếu tập trung, thần thái và cảm xúc không tốt, tay quá mỏi, rệu rã sẽ ảnh hưởng lớn đến cả dàn nhạc. Thầy giáo vẫn khuyến khích bọn mình đi bơi để tay khoát nước liên tục như là một bài tập hữu dụng.

Không chỉ thế, chúng mình còn có các môn khác như: Phối khí, Kỹ năng nhạc cụ, Đọc tổng phổ… Với môn chuyên ngành Chỉ huy, bọn mình phải học cách để có được thần thái mạnh mẽ, gương mặt biểu cảm, nhiều sắc thái và có thể giao tiếp bằng xúc cảm với nhạc công…”.

Học vất vả như thế nhưng kể cả khi đã trở thành thủ khoa, bạn vẫn có thể thất nghiệp như thường, vì ở Việt Nam, các chương trình giao hưởng có ít “đất diễn”. Quỳnh Anh cho biết, đến giờ, bạn chỉ duy nhất một lần có cơ hội thể hiện trước một dàn giao hưởng lớn, đó là hôm… tốt nghiệp. Bạn cũng bày tỏ mong muốn du học để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Đêm ngủ cũng mơ thấy… răng

Lê Quỳnh Anh là thủ khoa của trường ĐH Y Hà Nội, chuyên ngành Răng Hàm Mặt, với số điểm 8,24. Quỳnh Anh nói vui: “Trong giấc ngủ, mình cũng mơ thấy… răng. Sáu năm học ở trường Y thì có đến 4 năm, mình học chuyên ngành về răng”.

Những ngày học tập và thực hành tại khoa Răng Hàm Mặt, trường ĐH Sydney, Úc cũng là những ngày đầy ý nghĩa, khi cô bạn được khám phá những kiến thức và kỹ năng chuyên môn rất mới. Chẳng hiểu, từ lúc nào, chuyên ngành này đã khiến Quỳnh Anh đam mê đến thế.

Năm học chuyên ngành đầu tiên, Quỳnh Anh học môn Hình thái răng: Mỗi sinh viên chuẩn bị 5 khối thạch cao để gọt tỉa thành hình những chiếc răng. Đêm nào, Quỳnh Anh cũng cặm cụi tỉa tỉa, gọt gọt tỉ mẩn đến từng chi tiết. Những môn học này thực sự đã khiến cho Quỳnh Anh hiểu và gắn bó hơn nữa với chuyên ngành của mình.

Những thủ khoa đặc biệt ảnh 1 Lê Quỳnh Anh

Những ngày đi thực tập ở bệnh viện mới thực sự là những thử thách. Quỳnh Anh bảo: “Việc liên hệ bệnh viện thực tập, tìm kiếm bác sĩ để nghe các bài giảng cụ thể, đôi khi rất khó khăn. Nhưng khi được tham gia hỗ trợ một ca mổ và khi gặp lại bệnh nhân xuất viện, khỏe mạnh, mình thực sự thấy vui và cảm nhận được ý nghĩa nghề nghiệp của mình. Nhiều bạn bè mình vẫn sợ môn Phẫu thuật hàm mặt nhưng càng là những môn khó khăn, mình càng muốn chinh phục”.

Có lẽ, đó là lý do khiến cô sinh viên tốt nghiệp thủ khoa này đã luôn dẫn đầu bảng điểm, trong suốt 6 năm học. Với đề tài tốt nghiệp được đánh giá cao, Quỳnh Anh đã tìm ra được mối liên quan giữa bệnh loãng xương và bệnh quanh răng.

Đây là đề tài mới nhưng Quỳnh Anh đã đưa ra nhiều thông tin thuyết phục để khẳng định rằng: Những người bị giảm mật độ xương sẽ có nguy cơ mắc bệnh quanh răng cao hơn những người bình thường. Mong muốn của cô thủ khoa này là trở thành giảng viên của trường ĐH Y Hà Nội, trao truyền niềm đam mê của mình tới những thế hệ sinh viên kế tiếp.

Theo Theo Sinh viên Việt Nam
MỚI - NÓNG