Những thói quen vứt bỏ canxi khi ăn cực kỳ lãng phí

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Theo PGS Lê Thị Bạch Mai – người Việt Nam đang lãng phí rất nhiều khoáng chất từ thực phẩm hàng ngày do chính thói quen “hoàng gia” của mình.

PGS Mai cho biết, người Việt Nam hiện nay đang mắc thiếu can xi trường diễn, nhu cầu can xi chỉ đáp ứng được 60% với đối tượng trẻ em.

Riêng phụ nữ, họ đang đối mặt với hàng chục bệnh tật khác nhau do việc thiếu can xi gây ra nhưng không phải ai biết.

Phụ nữ trải qua thời kỳ sinh lý, mang thai, cho con bú, vì thế nhu cầu canxi rất cao. Trung bình phụ nữ cần 800mg mỗi ngày nhưng thực tế chúng ta mới chỉ đáp ứng được rất thấp, thông qua bữa ăn vốn nghèo can xi.

PGS Mai chỉ ra các thói quen xấu đã loại bỏ canxi. Đó là:

Ăn cua bỏ mai, yếm

PGS Mai cho biết cua là thực phẩm vô cùng giàu canxi, rất tốt cho sức khoẻ nhưng 100% người dân Việt Nam ăn cua xay ra lọc nấu canh hoặc cua bể thì bóc lấy thịt ăn còn lại bỏ hết mai, yếm mà quên đi rằng đây là nơi giàu can xi nhất của con cua.

Cách ăn cua ăn đúng, giúp tận dụng được các khoáng chất quý giá nhất, đó chính là cua rang, thì hầu như ít ai ăn kiểu này. Mọi người đều ăn theo kiểu “hoàng gia” thành ra bỏ hết chất quý của nó.

Ăn tôm bỏ vỏ, thích con to

Cũng giống như cua, canxi trong tôm chủ yếu là ở vỏ tôm, nhưng mọi người chỉ ăn thịt tôm. Với trẻ nhỏ, gia đình càng giàu thì ăn tôm càng to và bỏ vỏ, bỏ đầu chỉ lấy phần thịt tôm. Vô tình họ bỏ đi những thứ quý giá nhất trong con tôm.

Ăn cá to, bỏ qua cá nhỏ

PGS Mai lấy thêm ví dụ lãng phí của người Việt, đó là thích ăn cá to. Cá càng to, càng ít xương người ta càng thích mà không biết rằng canxi ở trong cá chủ yếu ở xương. Vì thế càng ăn cá nhỏ, ăn được cả xương càng hấp thụ được lượng canxi cần thiết cho cơ thể.

Che kín ra đường

Không chỉ trong bữa ăn người Việt bỏ qua các loại thực phẩm chứa canxi, PGS Mai cho biết bà thấy lạ, không thấy ở đâu người ta ra đường lại bịt kín, kín tất cả hở mỗi con mắt như phụ nữ Việt Nam.

Bà Mai cho rằng nguyên nhân thiếu canxi của người Việt Nam do thiếu vitamin D.

Là đất nước nhiệt đới, vitamin D chủ yếu đến từ tổng hợp ánh nắng mặt trời nhưng người dân mình rất sợ nắng, ra ngoài bịt kín khiến da không thể tổng hợp được vitamin D từ ánh nắng mặt trời.

Trong khi đó, vitamin D sẽ giúp tổng hợp được canxi tốt hơn.

PGS Mai cho hay, bà thấy lạ lẫm vì người Việt che chở làn da nhưng lại ít bảo vệ đôi mắt. Họ không biết rằng đôi mắt cần bảo vệ, tránh tia tử ngoại vốn rất có hại cho mắt.

PGS Mai chua xót khi nhìn thấy một thế hệ người Việt Nam có tầm vóc thấp bé, một phần thiếu canxi. Canxi chính là khoáng chất kiến tạo nên bộ xương, tầm vóc của người Việt thì mọi người đều thờ ơ, bỏ qua nó.

Bà nhấn mạnh người Việt mình ăn bữa cơm thừa đạm nhưng vẫn thiếu canxi. Lối sống thích tiện ích mà quên rằng họ đang “đón” những căn bệnh trong tương lai.

Ở trẻ, thiếu canxi máu (ion canxi), nhẹ thì hay khóc đêm, khó ngủ, hay cáu gắt, không tập trung cho nên học tập sa sút; nặng có thể dẫn đến tình trạng co giật các cơ (chân, tay, mặt, miệng méo).

Và nếu thiếu canxi kéo dài, còi xương ở trẻ em sẽ xuất hiện. Còi xương là bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ đang trong thời kỳ phát triển nhanh.

Nhẹ thì làm trẻ tăng trưởng kém, chậm mọc răng, nặng thì làm trẻ chậm phát triển chiều cao, biến dạng xương (chân hình chữ X, chữ 0), gây biến dạng lồng ngực, xương sọ hoặc biến dạng khung xương chậu.

Nguy hiểm nhất là thiếu canxi xảy ra ở bé gái, vì khi lớn lên, họ sẽ gặp khó khăn khi sinh nở.

Đối với người trưởng thành, đặc biệt là người tuổi cao, phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đã mãn kinh, thiếu canxi mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ dẫn đến giảm trọng lượng xương, tăng quá trình tiêu xương.

Bên cạnh đó, có thể thần kinh suy nhược, hay quên, tinh thần không ổn định, mất ngủ hoặc ngủ li bì, dễ cáu hay ngủ mơ, đau đầu, tính tình thay đổi thất thường và có thể dẫn tới bệnh xốp xương, loãng xương, tăng huyết áp.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.