Những thói quen 'giết gan' nhanh khủng khiếp, nhiều người Việt làm hằng ngày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gan là một trong bộ phận quan trọng của cơ thể, có trách nhiệm lọc thải độc tố. Dưới đây là một số thói quen thường gặp tưởng chừng vô hại nhưng có thể là 'sát thủ' tàn phá gan của chính mình.

Tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan mật ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là trước vấn nạn lạm dụng rượu bia. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên. Hội Gan Mật Việt Nam cảnh báo ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Vì vậy, bảo vệ và phục hồi chức năng gan là việc làm cấp thiết.

Trong cơ thể, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất và thực hiện tới 500 chức năng khác nhau. Chức năng chính của cơ quan này là đào thải độc tố nên nó được ví như "nhà máy lọc" của cơ thể. Hằng ngày, cơ thể tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn, nhưng có một số độc tố lẫn trong đó mà mắt thường không thấy và cơ quan tiêu hóa cũng không thể sàng lọc. Lúc này, các độc tố sẽ được tế bào gan phân giải thành những chất kém nguy hiểm hơn cho cơ thể.

Bên cạnh đó, tế bào gan còn là nơi sản sinh dịch mật và dự trữ chúng trong các túi mật. Dịch mật giúp ruột hấp thụ dễ dàng các chất béo cùng một số loại vitamin để nuôi dưỡng cơ thể. Gan cũng là nơi dự trữ rất nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, E, K, B12 cho cơ thể.

Gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hóa chúng thành glucose khi cơ thể cần để hấp thu vào máu, cân bằng lượng đường huyết, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động. Ngoài ra, gan còn có chức năng chuyển hóa protein, lipid...

Gan là bộ phận duy nhất có khả năng tái tạo, có nghĩa là gan có thể tự phục hồi hoàn toàn nếu khối lượng hao hụt mô dưới 25%. Chính vì thế, những người có vấn đề về gan thường ít được phát hiện, do cơ thể không cảnh báo bằng các triệu chứng rõ ràng. Đó là nguyên nhân khiến chúng ta đôi lúc vô tình hoặc cố ý đối xử tệ với lá gan của mình.

Những thói quen gây hại cho gan

Ăn mặn hại gan

Muối từ lâu đã là gia vị không thế thiếu trong các món ăn hàng ngày đồng thời muối rất cần cho cơ thể. Tuy nhiên, muối khi được sử dụng quá nhiều lại gây ra những tác hại không phải ai cũng biết, đặc biệt là với người gan yếu, mắc các bệnh lý về gan.

Thói quen ăn mặn (quá 10-15 g muối/ngày với người lớn và 3-5 g muối/ngày với trẻ nhỏ) có hại cho gan vì lượng muối vào cơ thể quá nhiều sẽ cản trở việc đào thải các chất cặn bã dư thừa ra ngoài, về lâu dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của gan.

Ngoài ra những người có bệnh gan có thể dẫn tới phù nề do bị giữ nước, và tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu thông qua hệ thống mạch máu. Do đó, cần hạn chế muối trong chế độ ăn uống và thậm chí cả từ các loại thực phẩm tự nhiên có hàm lượng muối cao để giảm phù nề và giảm nguy cơ về tim mạch.

Đặc biệt ở bệnh nhân xơ gan đã bị phù nề thì việc giảm lượng muối là cực kỳ cần thiết. Nếu trong giai đoạn này mà người bệnh vẫn ăn mặn thì nguy cơ biến chứng xảy ra là rất cao và gây tử vong ở người bệnh.

Béo phì, mỡ máu cao

Những tình trạng này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, cũng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Tiến sĩ Alqahtani cho biết: “Bệnh gan nhiễm mỡ hiện là nguyên nhân lớn nhất gây hư hại gan”.

Đồ ăn nhanh

Lạm dụng đồ ăn nhanh có thể gây hại gan, những thực phẩm là đồ ăn nhanh được chiên rán (cụ thể ở đây là món gà rán, khoai tây chiên) có chứa một lượng lớn các gốc tự do hoạt động. Chúng có thể làm hỏng các axit béo, tàn phá các loại vitamin A.E... trong cơ thể, gây tổn thương gan và thậm chí gây ra bệnh viêm gan nghiêm trọng. Thức ăn chiên rán cũng chứa rất nhiều chất béo, nếu sử dụng dài hạn sẽ gây ra cho cơ thể những rủi ro cao hơn nhiều so với nguy cơ trung bình của bệnh gan nhiễm mỡ.

Các nghiên cứu cho thấy, không chỉ thực phẩm ăn nhanh mà các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, mặc dù rất thơm ngon, nhưng giàu chất béo, lượng calo cao, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho các tế bào gan. Lâu dần khả năng chuyển hóa chất béo sẽ suy giảm, dẫn đến lượng lớn chất béo tích tụ trong gan, hình thành gan nhiễm mỡ. Gan bị bao phủ bởi lớp chất béo dễ dẫn đến viêm gan, nghiêm trọng hơn là xuất hiện xơ gan, ung thư gan.

Hút thuốc

Hút thuốc là thói quen bạn phải từ bỏ. Khói thuốc lá ảnh hưởng gián tiếp đến gan. Các hóa chất độc hại trong khói thuốc cuối cùng sẽ đến gan và gây ra căng thẳng oxy hóa, tạo ra các gốc tự do gây hại cho tế bào.

Căng thẳng ô xy hóa cũng có thể gây xơ hóa - trong đó gan phát triển các mô sẹo, trong quá trình cố gắng tự phục hồi và theo thời gian, có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động bình thường của gan.

Thiếu ngủ

Một nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể gây ra căng thẳng ô xy hóa cho gan. Một nghiên cứu khác từ Đại học Y Pennsylvania (Mỹ) cho thấy những người làm việc theo ca và bị thiếu ngủ phải chịu nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì, bệnh tim và tiểu đường.

Nguyên nhân do gan của họ không xử lý chất béo hiệu quả, cho phép chất béo tích tụ.

Hơn nữa, khi ngủ, cơ thể sẽ đi vào quá trình sửa chữa. Do đó, cần đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, vì thiếu ngủ sẽ phá hỏng quá trình đào thải và gây hại cho gan, theo Ba-bamail.com.

Lạm dụng thuốc, kể cả “thuốc bổ”

Vì một trong những vai trò của gan là phân hủy các chất mà cơ thể tiêu thụ, kể cả thuốc uống, “thuốc bổ” và thảo mộc. Vì vậy, sử dụng quá nhiều một loại thuốc nào đó có thể dần dần gây hại cho gan. Tổn thương này có thể từ nhẹ đến suy gan hoàn toàn.

Một trong những loại thuốc có thể gây tổn thương gan mạnh nhất là thuốc giảm đau, cảm sốt acetaminophen, mà mọi người thường tự mua về uống.

Với liều lượng nhỏ thì chất này an toàn, nhưng nếu dùng quá nhiều trong thời gian dài thì có thể gây hại cho gan.

Một số loại thuốc thảo dược và các chất bổ sung cũng có thể gây hại cho gan nếu dùng quá nhiều. Ví dụ, một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm độc gan là do uống quá nhiều vitamin A.

Uống rượu quá mức

Uống nhiều rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương gan. Quá nhiều rượu làm giảm khả năng loại bỏ chất độc của gan ra khỏi cơ thể.

Nguyên nhân là do gan tập trung vào việc chuyển hóa rượu thành một dạng ít độc hơn và bị “xao nhãng” các chức năng khác, từ đó gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và viêm gan.

Gan nhiễm mỡ gây viêm gan, và cuối cùng gây xơ gan và cả ung thư gan.

Tình trạng này thường xảy ra ở nam giới uống từ 4 ly trở lên mỗi ngày và phụ nữ uống từ 2 ly trở lên.

Vào thời điểm xuất hiện các triệu chứng, gan đã có thể bị hư hại đến mức không thể sửa chữa được.

Tuy nhiên, ngừng uống rượu bia ở giai đoạn gan nhiễm mỡ thì gan vẫn có thể tự hồi phục, theo Johns Hopkins Medicine.

Người uống nhiều rượu bia nên làm xét nghiệm mỡ gan để biết gan đã bị tổn thương hay chưa.

Uống ít nước

Đại đa số lỗi này thường thuộc về nam giới. Nam giới thường ít uống nước hơn phụ nữ, đặc biệt là nước lọc nên khả năng mắc các bệnh về thận là rất cao. Thận có chức năng lọc và đào thải chất thải, chất độc nên cần được cung cấp đủ nước để hoạt động.

Ngoài ra, thận còn có chức năng điện giải và điều tiết độ cân bằng lượng nước trong cơ thể. Để duy trì chức năng này, cần cung cấp đủ nước cho thận.

Ăn nhiều thịt

Đại đa số lỗi này thường thuộc về nam giới. Nam giới thường ít uống nước hơn phụ nữ.

Hiện nay lượng chất béo động vật đưa vào cơ thể mỗi người trung bình là 0,8mg/ngày, gấp đôi hàm lượng chất béo cho phép. Chất béo có nguồn gốc động vật thường chứa các chất khó tiêu hoá nên đòi hỏi gan và thận phải làm việc với công suất lớn dẫn đến dễ bị tổn thương.

Căng thẳng, mệt mỏi

Dân gian thường nói “trăm bệnh đều bắt đầu từ bệnh tinh thần”. Những căng thẳng mệt mỏi trong đời sống hàng ngày cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan và thận. Khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi, áp lực máu tăng cao, lượng máu lưu thông qua gan và thận cũng giảm mạnh, không đủ để duy trì hoạt động bình thường.

MỚI - NÓNG