Những "thiếu gia" không xu dính túi

Những "thiếu gia" không xu dính túi
Ai cũng biết Đạt là con đại gia, thế nên chẳng ai tin nổi rằng sau khi mua quà cho bạn gái, Đạt phải ăn mỳ tôm “không người lái” đến chục ngày trời.

Nói đến “thiếu gia” là nói đến những trang công tử diện toàn đồ hiệu, đi toàn siêu xe, “cưa” toàn gái đẹp, tiền ném ra cứ gọi là như ném trấu… Thật khó mà hình dung con đại gia mà lại phải chật vật kiếm tiền.

Muốn "cưa gái" thì phải nhịn ăn

Đạt là con một nhân vật giàu “khủng” nhờ bất động sản, người gốc Hà Tĩnh. Cậu đang học đại học năm thứ ba tại Hà Nội. “Thân thế” của cậu, mọi người biết được là do cánh đồng hương “rỉ tai”, chứ nhìn Đạt thì chẳng có gì khác bạn bè: đi xe Wave, ăn cơm bụi, tuy không phải ở nhà thuê nhưng tiền chi tiêu bố mẹ cho cũng chỉ ở mức trung bình.

Vì thế, khi Đạt muốn mua một chiếc túi “tử tế một chút” làm quà sinh nhật cho cô gái mà cậu đang chinh phục, Đạt đành gọi điện xin phụ huynh. Ông bố bảo: “Bố nghĩ con là sinh viên, tặng bạn bó hoa hay cái khăn cũng đủ lãng mạn rồi, mà mua những thứ đó thì không cần xin bố vì tiền bố mẹ cho hằng tháng đã bao gồm cả những khoản như thế. Còn nếu con muốn mua quà hoành tráng hơn thì đành phải tự bớt chi tiêu đi thôi”.

Đạt thấy chỉ hoa và khăn chưa “đủ lãng mạn”, thế nên cậu đành làm theo cái phương án hai mà bố đề xuất. Cái túi giá hơn triệu đồng, thế nên cậu chẳng những phải cắt các loại phí mà còn ăn mỳ tôm “không người lái” cả chục ngày trời.

Đạt tâm sự: “Bố em bảo ở bên Tây, nuôi con đến 18 tuổi là hết trách nhiệm, bố mẹ giàu thì con vẫn đi làm bồi bàn kiếm tiền như thường. ‘Cụ’ còn bảo bố mẹ sẽ vẫn chu cấp cho con đến hết bậc đại học, con không phải đi làm để đóng học phí, trừ khi muốn có tiền tiêu thêm. Con ra trường, bố cũng không xin việc cho con đâu”.

Biết Đạt là con nhà “đại gia”, nhiều bạn ngạc nhiên thắc mắc, nhiều bạn khác lại buông lời khích bác, xúi bẩy, nhưng cậu vẫn thản thiên. “Em có phải thiếu gia gì đâu, bố em cũng mới giàu 5 – 6 năm nay, nên em sống bình thường nó quen rồi”.

Muốn du học thì tự mà tìm học bổng

Khi ông Khanh, một doanh nhân cự phú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thông báo con trai ông học ĐH Ngoại thương, nhiều người thắc mắc: “Nhà anh chị có điều kiện thế sao không cho cháu nó du học? Học trong nước làm gì?”. Ông đáp: “Nếu nó thích du học thì tự thi thố đoạt học bổng mà đi, còn nếu không đủ khả năng thì thôi”.

Ông Khanh khăng khăng như vậy vì muốn tạo cho con tính tự lập và luôn nỗ lực, cũng vì ông tin vào năng lực của con. Con trai ông, vì vậy cũng khá “điếc tai” với những câu hỏi kiểu “học khá thế, nhà giàu thế sao không sang Anh, sang Mỹ”, “sao thằng X, thằng Y học dốt hơn cậu, nhà không giàu bằng cậu cũng không thèm vào trường nội”…

Ghét nghe những câu tương tự, cậu quyết chí dùi mài, và chỉ sang năm thứ hai đã kiếm được một suất học bổng toàn phần ở Nhật Bản. Lúc này, ông Khanh mới bảo mỗi tháng sẽ cho con trai thêm chút tiền để chi tiêu, nhưng cậu ấm từ chối vì “nhận một đồng cũng vẫn mang tiếng là được bố nuôi”. Những năm du học, cậu cũng phải chịu cảnh thiếu thốn, dè sẻn như bao lưu học sinh khác.

Chuyện của Mai Hương cũng có phần giống như vậy. Khi tốt nghiệp một trường đại học có tiếng đắt đỏ ở TP HCM, cô tiểu thư bày tỏ ý nguyện học tiếp bằng thạc sĩ. “Con đã chuẩn bị tiền học phí chưa?”, ông bố đại gia hỏi.

Mai Hương chưng hửng, bởi bố cô biết rõ cô chưa hề kiếm ra tiền. Đang nhìn bố ngạc nhiên thì ông nói: “Bố mẹ nuôi con học hết đại học là đủ hành trang cho con vào đời rồi. Bố rất vui khi con có chí học hành, tiến thủ, nhưng kể từ đây tiến lên đến đâu hoàn toàn là do con. Bố nghĩ con nên đi làm. Thực tế làm việc sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học thạc sĩ của con, và con sẽ để dành được tiền đóng học phí”.

Giận dỗi và tủi thân là cảm giác của Hương lúc đó. Vì tức khí, và vì cũng không có cách nào khác, cô quyết chí tự mình kiếm tiền học “cho bố biết mặt”. Và bây giờ, khi đã là phó tổng giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra, Hương rất biết ơn quyết định “dã man” của bố hồi xưa.

“Vay tiền bố hả? Cứ lập đề án xem thế nào đã!”

Lịch tốt nghiệp đại học thì bố - chủ một công ty lớn – hỏi: “Nếu con muốn thì có thể về công ty bố làm. Năng lực của con bố đã biết rồi nên không cần thi tuyển nữa”. Biết tính bố, Lịch nghĩ, có làm công ty bố thì anh vẫn chỉ là nhân viên quèn, muốn tiến thủ cũng phải trải qua mọi thử thách như ai, thà cứ làm ngoài cho thiên hạ khỏi nghĩ là núp bóng bố. Thế là anh từ chối, tự đâm đơn xin việc.

Cũng lên voi xuống chó mất mấy năm ở một số công ty, Lịch mới có một vị trí khá. Được một thời gian nữa, anh cho rằng mình đã tích lũy đủ kinh nghiệm để kinh doanh riêng. Tiền dành dụm bấy lâu dĩ nhiên quá nhỏ so với số vốn cần thiết, và nguồn hỗ trợ đầu tiên mà Lịch nghĩ đến là bố.

Nghe con trai trình bày, ông bố gật đầu: “Con muốn vay tiền bố hả? Được thôi, bố sẵn lòng giúp đỡ con. Nhưng con phải lập đề án đưa cho bố xem. Nếu bố thấy ổn thì mới cho vay”. Ót ngày sau, khi đọc đề án, ông bố lắc đầu quầy quậy: “Phiêu lưu quá. Con xem lại đi”. Lịch khăng khăng: “Con đảm bảo là OK, bố cứ cho con vay, con sẽ trả bố cả gốc lẫn lãi như người ngoài”.

“Không được con ơi, mày sập cầu thì lấy ai trả tiền cho bố? Phải biết là sẽ lấy lại được tiền thì bố mới đầu tư chứ”, bố Lịch lắc đầu quầy quậy. Lịch tức nổ đom đóm mà không làm gì được, đùng đùng bỏ về. Cậu rủ mấy người bạn cùng góp vốn làm, nhưng không ai nhận, bí quá, đành nghĩ đề án khác. Mấy tháng sau, anh mang trình bố một đề án mới, nhưng cái đầu của ông bố ghê gớm vẫn lắc.

Phải đến đề án thứ ba, đưa ra sau đó nửa năm, Lịch mới được bố duyệt cho vay vốn, kèm theo một số lời khuyên. Dự án kinh doanh thắng lợi, Lịch lại nghĩ ra một hướng mới, vừa nói qua cho bố để tham khảo ý kiến thì chính ông đã đề nghị được góp vốn. Lịch bảo: “Nếu bố muốn làm cổ đông thì phải chấp nhận một số điều kiện của con”. Hai bố con đập tay vào nhau, cùng cười phá lên.

Bây giờ khi đã là một doanh nhân thành đạt, Lịch càng biết ơn bố mình. Anh tâm sự: “Hồi xưa, bạn bè thường bảo tôi là thiếu gia. Những lúc cần tiền vay bố mà không được, tôi cay đắng nghĩ, thiếu gia gì mà không xu dính túi, xoay chỗ nào cũng không được. Giờ mới thấy ông già đúng là cao thủ”.

Theo Lệ Thu
Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.