12h trưa, ca trực của cô giáo Lê Thị Thu Thảo (Trường Mầm non Sơn Ca, quận Sơn Trà) tại chốt trên đường Phạm Cự Lượng (phường An Hải Đông) bắt đầu. Đây là chốt trong khu dân cư nên lượng người ra vào không quá nhiều, chủ yếu là người đi giao các mặt hàng thiết yếu. Mỗi lần có người qua chốt, Thảo thành thạo yêu cầu dừng xe, kiểm tra các giấy tờ. “Nếu giấy tờ đảm bảo thì mình cho qua, chưa đúng thì mình yêu cầu họ quay đầu, về bổ sung theo đúng quy định. Có một số người không hiểu thì mình hướng dẫn cho họ cách xin Giấy đi đường, những loại giấy tờ cần mang theo khi lưu thông…”, Thảo nói.
Cô giáo mầm non này chia sẻ, ngày trước về trường, Thảo là giáo viên trẻ nhất, năng động nhất nên xung phong làm Bí thư Đoàn. Các hoạt động tình nguyện ở trường, hay địa bàn Thảo đều hăng hái tham gia. “Nghe trường vận động giáo viên ra chốt giúp các lực lượng, mình đăng ký ngay, không chần chừ gì cả. Vì mình chưa lập gia đình nên có nhiều thời gian. Hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng thế này, mình cũng mong được đóng góp chút sức nhỏ bé của bản thân để giúp thành phố mau lành bệnh”, Thảo trải lòng.
Lực lượng tại các chốt làm nhiệm vụ dưới thời tiết nắng nóng như chảo lửa |
Vậy là mỗi ngày, từ 12h trưa đến 18h tối, cô giáo có mặt tại chốt. Có hôm vừa trực xong, nghe chốt phía cầu Rồng (phường An Hải Tây) thiếu người, Thảo lại tiếp tục “vào ca”. Thảo nói bên đó lượng người tham gia giao thông vào giờ tan sở, lúc chiều tối rất đông nên rất cần người hỗ trợ.
Cũng như Thảo, thầy Lê Thi (Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà) những ngày qua cũng cắm chốt ở phường An Hải Đông. Chốt nơi thầy đứng là nút giao đường Phạm Cự Lượng với Võ Văn Kiệt nên lượng người ra vào nhiều hơn. Thầy kể trải qua mấy lần dịch cùng thành phố, nhưng năm nay mới nhận được lời kêu gọi giáo viên tình nguyện ra chốt. Thầy sắp xếp việc dạy online vào buổi sáng, dành toàn bộ thời gian từ trưa đến tối ở ngoài đường. Công việc chính của thầy là kiểm tra giấy tờ, hướng dẫn bà con đi lại, đồng thời giải thích, tuyên truyền cho người dân thực hiện Chỉ thị mới của thành phố về thực hiện giãn cách xã hội.
Đà Nẵng những ngày qua trời như đổ lửa. Chạy trên các tuyến đường, qua các chốt, thấy tấm lưng của những người làm nhiệm vụ ở đó ướt đẫm mồ hôi. Những chốt nằm trên trục đường lớn lúc ban trưa hệt cái lò nung, xung quanh chẳng một bóng cây. Mọi người có dựng lên lán trại bên vỉa hè, song xe cộ qua nhiều, chẳng có thời gian vào tránh nắng. Thầy Đặng Văn Dũng (Trường THPT Sơn Trà) da sạm đen, mồ hôi chảy thành dòng hai bên má tất bật giữa dòng xe cộ ở chốt kiểm soát trên đường Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn).
Ca trực của thầy không phải 6 tiếng như những giáo viên khác mà kéo dài 8 tiếng, vì “mình là giáo viên thể dục, nắng nôi quen rồi”. Chốt quá nhiều xe qua lại, việc kiểm tra giấy tờ liên tục. Để tránh ùn tắc khi gặp những người chưa hiểu về quy định, thầy in sẵn văn bản của Công an thành phố về các trường hợp được phép qua chốt. Vừa đỡ mất thời gian giải thích, vừa tuyên truyền cho bà con.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, quận Sơn Trà liên tục ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, Sở Nội Vụ TP Đà Nẵng đã đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, quận, huyện huy động nhân lực của các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Hiện tại, riêng ngành giáo dục, trên địa bàn quận Sơn Trà có khoảng 250 thầy cô giáo đăng ký tình nguyện tham gia.
Ngoài kiểm tra giấy tờ, hướng dẫn đi lại, thầy cũng sẵn lòng giúp những người gặp khó trong dịch bệnh. Thầy kể: “Hôm trước có cụ ông đi lĩnh chế độ thương binh để đi khám bệnh, tới chốt thì thấy cụ đi không nổi nên mình tới cõng cụ đi luôn. Có hôm thì gặp người phải nhập viện, đi khám thai… mình cũng phải linh động để giúp họ tới bệnh viện sớm nhất”. Hết ca trực, thầy còn là một “tư vấn viên” khi bà con trong xóm liên tục hỏi và nhờ vả cách làm giấy tờ để ra đường vì biết thầy trực ở chốt.
Quận Sơn Trà vẫn đang là điểm nóng dịch bệnh ở Đà Nẵng, với các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái và một phần phường Khuê Mỹ bị phong tỏa cứng. Đầy những kiệt, xóm bị “băng bó”, rào chắn.
Những người ở trong phong tỏa nơm nớp mình có thể là F0 bất cứ lúc nào. Thầy Trịnh Quang Lộc (Hiệu trưởng trường THCS Phạm Ngọc Thạch) trải lòng rằng rất lo cho gia đình và bản thân, cũng như toàn thể giáo viên và học sinh trong trường. Bởi dịch bệnh đã rất căng thẳng, tốc độ lây lan quá nhanh.
Những ngày qua, gia đình thầy “ở yên”, lương thực thực phẩm ghi ra giấy chuyển cho tổ dân phố đi chợ giúp, chẳng ai dám ra khỏi nhà. Vậy mà nghe lời kêu gọi của thành phố, thầy vẫn đăng ký tình nguyện tham gia đứng chốt tại đường Nguyễn Trung Trực – Ngô Quyền (phường An Hải Bắc).
covid-19, thây cô“Mình lo sợ thì mình phải biết tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp phòng chống dịch thật nghiêm túc, kỹ càng. Nhưng cũng phải tham gia cùng xã hội ngoài kia đẩy lùi dịch bệnh. Chứ ai cũng biện lý do sợ lây lan mà không góp sức thì “gian khổ sẽ dành phần ai?”, thầy thẳng thắn.