Tháp Thần Nông làm từ cối đá
Trả lời cho câu hỏi “Bắc Ninh giờ có gì hay”, một thổ công ở đây hỏi lại chúng tôi bằng giọng rất tự tin: “Xem Tháp Thần Nông chưa”? Theo lời người ấy, thì đây là cái tháp hình hạt lúa cao 15m được ghép bởi 1.012 chiếc cối đá, chia thành 5 tầng, xung quanh trang trí bằng trục đá kéo lúa, cối đá xay lúa…
Rồi như để chúng tôi hết đường thoái thác việc đi đến một “sản phẩm du lịch mới”, người bạn này còn bồi thêm: Tháp Thần Nông vừa được công nhận Kỷ lục thế giới, trước đó nó cũng đã được công nhận Kỷ lục của Việt Nam. Không ai trong số bốn người chúng tôi bị những kỷ lục kia tác động, nhưng nếu là bộ sưu tập cối đá thì lại là câu chuyện khác.
Tháp Thần Nông được xây dựng từ năm 2021, đặt tại Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Từ xa nhìn lại, người xem dễ bị cảm giác uy hiếp trước một tháp đá khổng lồ được liên kết với nhau bằng hàng nghìn cái cối đá. Bên trong tháp có một cầu thang xoắn ốc theo trục thẳng đứng để đi lên các tầng. Ở lưng chừng tháp có trổ một ban công ngắm cảnh được trang trí bằng những bông lúa giả (có lẽ nhà đầu tư muốn làm một giáo cụ trực quan bởi theo như lời giới thiệu, tháp Thần Nông là một mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm).
“Khi sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, tại nhiều vùng quê, những chiếc cối đá, trục đá, cối xay lúa… bị bỏ đi nhiều. Với tình yêu, mong muốn lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc, tôi dành thời gian, công sức, của cải sưu tầm cối đá, xây dựng khu trưng bày để lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê miền Bắc, ký ức của một thế hệ...”, trích lời chia sẻ của ông Trần Văn Toản, chủ sở hữu và là người sáng lập khu trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước, trong đó có Tháp Thần Nông ở Bắc Ninh.
Ông Toản cho biết, thế hệ ông sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ nhỏ đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc cối đá giã gạo, giã bèo, xay bột, xay lúa…. Khi máy móc xuất hiện và chứng tỏ sự ưu việt của mình, những công cụ thủ công này bị biến thành đá kê cầu ao, kè chân tường rào, thậm chí bị ném vào lò gạch để nung thành vôi hoặc vứt chỏng chơ ở lề đường, bờ bụi. Ông Toản đã bỏ tiền thu mua khoảng hơn 3.000 chiếc cối đá các kích cỡ và khẳng định rằng vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm, lưu giữ cối đá, cột đá mà người dân vứt bỏ.
Tháp Thần Nông được thai nghén từ ý tưởng của ông Toản và được hiện thực hóa bằng sự trợ giúp của kiến trúc sư Nguyễn Sánh.
Mặc dù mới mở cửa đón khách không lâu, Tháp Thần Nông đã thu hút sự chú ý của khá nhiều người. Khi tôi hỏi, bạn nghĩ gì về công trình kiến trúc này, Hương (sinh năm 2001, ở Hà Nội) thật thà bảo: “Đẹp nhưng không phải lý tưởng lắm để check in vì tháp quá cao, nếu muốn chụp toàn cảnh thì người chỉ còn bằng hạt gạo”. Trong khi đó Huy (sinh viên ĐH Ngoại giao) thì lạc quan hơn: “Biết đâu vài năm nữa, khi rêu xanh mọc lên bám vào đá, Tháp Thần Nông lại chẳng trở thành một biểu tượng của Việt Nam, giống như Tháp Eiffel của Pháp”.
Tháp Thần Nông ghép từ 1.012 cối đá ở Bắc Ninh |
Cùng ý kiến với Huy, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh đi cùng đoàn chúng tôi cũng cho rằng: “Tháp Thần Nông sẽ phát huy tối đa vẻ đẹp cổ xưa của những chiếc cối đá nếu nó được phủ lên một lớp rêu phong cổ kính”. Cũng theo anh Minh, việc “hô biến” một công trình kiến trúc mới thành cổ kính có thể được rút ngắn bằng cách xay cơm nguội với đường rồi phun lên các ngóc ngách, đảm bảo đủ độ ẩm, rêu sẽ mọc rất nhanh trong vòng một hai tháng mà không phải chờ tới mấy năm.
Lão nông mua cối đá về… chơi
Năm ngoái, trong một chuyến điền dã về Thái Bình, chúng tôi tình cờ lạc vào xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ và được mục sở thị một bộ sưu tập cối đá khá thú vị của lão nông Trần Công Nhẫn.
So với chủ sở hữu Tháp Thần Nông, ông Nhẫn sưu tầm cối đá sớm hơn nhiều. “Gần 50 năm, tính ra tôi phải có hơn 5.000 cái, ngoài xây trong nhà, xây cổng làng… tôi còn phải bán đi non nửa vì nhà chật, không còn chỗ để”.
Ông Nhẫn không ngần ngại tạo ra một nhận diện đặc trưng cho mình bằng những cối đá xếp dày đặc suốt từ cổng vào tận trong nhà. Bàn, ghế từ cối đá, tường từ cối đá, bồn hoa từ cối đá… Cối đá trong nhà ông có đủ kích cỡ, hình dáng, màu sắc, cân nặng… Khi thấy chúng tôi loay hoay chụp ảnh, ông bê ra một cái cối đã mòn vẹt, một bên cạnh đã bị vát sắc như dao và giới thiệu rằng: Đây là cái cối đầu tiên tôi sưu tầm, quý lắm! Đặt cái cối xuống, ông lại lấy tay chỉ vào miệng mình: Tôi còn bị gãy hai cái răng vì lắp bàn đá!
Đây là chiếc cối đá đầu tiên mà ông Nhẫn sưu tập, chiếc cối từng bị lấy mất nhưng sau khoảng 2 năm, ông đã tìm lại được |
Được biết, việc thu mua cối, vận chuyển, xếp đặt, xây lắp đều do chính tay ông Nhẫn tự làm. Những cối nhỏ, nhẹ, ông xách bằng tay. Cối nặng hơn ông dùng chiếc tời bằng thân tre tự chế và xe lôi để di chuyển. Hầu hết cối đá đều do ông tự tìm kiếm và đi xin người dân quanh vùng. “Tôi nói xin về xây đình làng thì người ta cho ngay”. Cá biệt, cái nào đẹp và hiếm lắm ông mới phải mua lại với giá “năm chục, một trăm” ngàn đồng. Nhiều nơi, cối đá đã mất giá trị sử dụng bị người dân vứt thẳng xuống ao, ông phải lặn xuống rồi xê dịch từng chút một để đưa vào bờ. Những cối đá của ông xin về có cái nặng 5kg, nhưng cũng có những cái nặng từ 30kg cho đến gần 60kg.
“Cối đá dùng để giã gạo thường được chôn cố định dưới lòng đất, đường kính miệng của nó có khi rộng đến 40-50cm, phải dùng hẳn một thân cây to gắn vào trụ đá làm chày để giã. Thóc được đổ vào cối, người đứng giã tay bám vào cái móc treo bên tường nhà, giậm chân lên thân cây gỗ rồi từ từ thả chân ra cho đầu chày rơi xuống cối. Giã gạo kiểu này rất vất vả, có khi hàng tiếng đồng hồ mới xong một mẻ”. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài San)
Bộ sưu tập của ông Nhẫn không chỉ có cối giã (nông dân miền Bắc chủ yếu dùng cối để giã lúa, giã ngô, giã giò…) mà còn có cối xay (dùng để xay bột). Cối giã chỉ có một thớt, trong khi cối xay gồm hai thớt ăn khớp với nhau. Khi chưa có máy xay xát và máy xay bột thì cối đá là một vật thiết thân trong gia đình.
Cái cổng đình làng Tân Dân hiện nay và toàn bộ tường bao quanh đình là do chính tay ông Nhẫn tự thiết kế, thi công từ hàng nghìn cái cối đá, trụ đá… liên kết lại với nhau. “Về độ bền thì khỏi phải bàn”, lão nông cười bảo.
Tháp Thần Nông được dự đoán sẽ đẹp hơn nhiều khi rêu phong phủ kín những chiếc cối đá có tuổi đời hàng trăm năm này |
Một góc bộ sưu tập cối đá của ông Nhẫn |
Về chi tiết “mình ông Nhẫn làm cả”, người làng của ông cũng lên tiếng xác nhận: “Chả ai muốn dây vào đồ đá, vì sơ sẩy là dập tay, dập chân như chơi. Trả 500.000 đồng một ngày công họ bảo trả 1 triệu cũng không làm vì quá nguy hiểm”. Ông Nhẫn bảo, mình cứ xây từ thấp đến cao, bốn hòn đầu tiên (theo thứ tự xếp chồng) thì dùng chân tay và xe lôi để vận chuyển, lên đến hòn thứ năm trở lên dùng ba cây tre làm thang, lấy giẻ trói vào cối rồi dùng tời bẩy lên.
Bắt đầu sưu tập cối đá từ năm 20 tuổi, ông Nhẫn khẳng định mình có thể liếc mắt là biết cối nào quý, cối nào lâu đời, cối nào có giá trị cổ vật. “Tôi từng phải bán nhiều cái cối quý để lấy tiền xây đình, tiếc lắm nhưng biết làm thế nào được”. Hiện, cối có giá vài chục triệu trong tay ông “còn vài cái”, “nhưng nếu không “bấn” quá thì tôi không bán đâu”! Ông cười hồn nhiên khoe hàm răng đã khuyết mất hai cái vì “bất cẩn trong lúc xây bàn bằng cối đá”: “Xưa cối đá là vật quan trọng, đến khi hết quan trọng người ta vứt đi, thì tôi lôi về, xây thành tường, thành nhà, thế là nó sẽ sống lại theo một cách khác cô ạ”!