Theo quan niệm của người Hồi giáo, mỗi tín đồ phải hành hương về Mecca ít nhất một lần trong đời, khi họ có đủ khả năng về thể chất, tài chính cho cuộc hành hương tốn kém và khó khăn.
Trong suốt tháng Hajj, thánh địa Mecca sẽ đón khoảng 3 triệu người hành hương.
Sự phát triển của ngành hàng không giúp các tín đồ Hồi giáo tới từ khắp nơi trên thế giới tới Mecca một cách thuận tiện hơn và kết quả là các lễ Hajj ngày càng trở nên đông đúc.
Các nhà chức trách thành phố đã đưa ra các biện pháp để quản lý đám đông và cung cấp thực phẩm, lều trại cũng như các dịch vụ khẩn cấp cho hàng triệu người. Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn được các thảm họa.
Nghi thức ném đá xua đuổi ma quỷ là phần nguy hiểm nhất trong chuyến hành hương vì có quá nhiều người tham gia, đặc biệt là khi họ đi qua cầu Jamarat để ném đá vào những cây cột tượng trưng cho ma quỷ.
Những năm gần đây đã xảy ra một số vụ giẫm đạp chết người tại cây cầu Jamarat ở thành phố Mina, bên ngoài thánh địa Mecca. Sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra hồi năm 2006 khi 356 người thiệt mạng.
Ngoài các vụ giẫm đạp, lễ hành hương Hajj còn chứng kiến nhiều thảm họa đẫm máu khác trong gần 30 năm qua.
Ngày 11/9/2015: Ít nhất 107 người đã thiệt mạng và hơn 230 người đã bị thương khi một chiếc cần cẩu sập xuống Đại thánh đường hay còn gọi là Masjid al Haram, một trong những thánh đường quan trọng nhất của Hồi giáo.
Ngày 12/1/2006: Một vụ giẫm đạp đã cướp đi sinh mạng của 356 người và khiến gần 300 người khác bị thương. Vụ việc xảy ra khi những người hành hương chen nhau hoàn tất phần quan trọng cuối cùng của lễ Hajj.
Ngày 1/2/2004: 251 người hành hương đã thiệt mạng và 244 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ hội ném đá ở Mina.
Ngày 5/3/2001: 35 người đã bị chà đạp tới chết trong vụ giẫm đạp trên cầu Jamarat.
Ngày 9/4/1998: Khoảng 180 người hành hương đã thiệt mạng khi giẫm đạp lên nhau để qua cầu Jamarat.
Ngày 15/4/1997: Hơn 340 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương trong một vụ cháy lều trại ở thành phố Mina.
Ngày 23/5/1994: Một vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ ném đá ma quỷ đã cướp đi sinh mạng của 270 người, hầu hết là người Indonesia.
Ngày 2/7/1990: 1.426 người hành hương, nhiều người trong số họ là công dân Malaysia, Indonesia và Pakistan, đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra tại hầm bộ hành Al-Ma'aisim dẫn từ Mecca tới Mina.
Ngày 9/7/1989: Hai quả bom đã phát nổ tại Mecca, khiến 1 người hành hương tử vong và 16 người khác bị thương. Giới chức Ả rập Xê út đã đổ lỗi cho những kẻ khủng bố Iran và sau đó đã chặt đầu 16 người Hồi giáo dòng Shiite tới từ Kuwait. Iran đã phủ nhận có liên quan.
Ngày 31/7/1987: 402 người, đa số là người hành hương Iran, đã thiệt mạng và 649 người khác bị thương tại Mecca khi các lực lượng an ninh đụng độ với những người Iran đang dàn dựng các cuộc biểu tình chống Mỹ bất hợp pháp.
Ngày 24/9/2015, tính đến thời điểm 15h30 đã có hàng trăm người chết trong vụ giẫm đạp kinh hoàng tại Mecca. Trước đó, Hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Thánh địa Mecca, Ả-rập Xê-út, khi Lễ Hajji 2015 bắt đầu.
Chùm ảnh tín đồ đổ về Thánh địa Mecca:
Các tín đồ Hồi giáo tập trung ở Mount Arafat, thành phố thánh địa Mecca, Ả-rập Xê-út trước lúc bình minh để chuẩn bị cho một ngày cầu nguyện trong Lễ Hajj 2015.
Khoảng hai triệu người đã đến Mecca và bắt đầu một ngày cầu nguyện. Nhiều người khóc khi họ giơ hai tay lên trời, cầu xin sự tha thứ và cầu nguyện cho những người thân yêu.
Vào ngày này cách đây khoảng 1.400 năm, nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad đã có bài giảng cuối cùng ở Mout Arafat trong lễ hành hương Hajj, kêu gọi bình đẳng và đoàn kết giữa các tín đồ Hồi giáo.
Các tín đồ Hồi giáo tin rằng, cầu nguyện là cách tốt nhất giúp xóa bỏ những tội lỗi trong quá khứ và bắt đầu lại cuộc sống mới.
Một người hành hương bế con nhỏ trong lúc cầu nguyện.
Hành hương Hajj là một nghĩa vụ tôn giáo quan trọng mà mỗi tín đồ Hồi giáo phải tới viếng Thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời.
Một người hành hương Hồi giáo ngồi trong lều ở Mount Mercy.
Lễ hành hương Hajj 2015 kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ ngày 22/9. Các tín đồ nam sẽ mặc quần áo vải màu trắng biểu tượng cho sự khiêm tốn và bình đẳng trong khi các tín đồ nữ phải trùm đầu, mặc quần áo rộng và không được trang điểm hay xịt nước hoa.
Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện bên ngoài thánh đường Namira ở Arafat vào ngày thứ hai và cũng là ngày quan trọng nhất của lễ hành hương Hajji tại Ả-rập Xê-út.
Đối với nhiều người hành hương, đây là lần đầu tiên họ rời khỏi đất nước. Trước đó, họ phải tiết kiệm nhiều năm để có thể thực hiện cuộc hành hương tốn kém này.
Hajj là lễ hành hương quy tụ nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới.
Các nhà chức trách Ả-rập Xê-út cho biết, năm nay có 1,4 người nước ngoài tham dự lễ hành hương Hajj. Ít nhất 600.000 người Ả-rập Xê-út cũng tham gia lễ hành hương này.
Các tín đồ Hồi giáo vừa cầu nguyện vừa chạm vào Kaaba - tòa nhà hình hộp chữ nhật nằm trong trung tâm sân nhà thờ hồi giáo Al-Masjid Al-Haram ở Mecca, Ả-rập Xê-út.
Một tín đồ Hồi giáo phải ngồi xe lăn cũng tham gia lễ hành hương năm nay.
Các nhân viên an ninh Ả-rập Xê-út được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho người hành hương trong lễ Hajj 2015.