Những tấm khăn thêu trong chốn tù đày

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Bảo tàng Đà Nẵng, chiếc khăn thêu “Khát vọng Hòa bình” đóng khung cẩn thận treo trên tường, trên nền vải trắng đã cũ và bạc màu có nhiều vết máu khô và một vài lỗ thủng. Bên phải chiếc khăn thêu đôi chim đậu trên cành mai, bên trái thêu dòng chữ “Thương về Chị” màu đỏ. Đó là một trong những chiếc khăn được các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà giam Kho đạn chợ Cồn tự tay thêu và tìm cách gửi ra ngoài...

Nhắc đến chợ Cồn, du khách hay người dân Đà Nẵng đều không lạ gì địa điểm nức tiếng này. Thế nhưng, nhà giam Kho đạn chợ Cồn lại được ít người biết đến, bởi đã giải tỏa sau ngày giải phóng.

Trong ký ức

Trung tâm cải huấn Kho đạn Chợ Cồn (hay còn gọi Kho đạn chợ Cồn) xưa và nay tọa lạc phía trước chợ Cồn nằm ngay giữa ngã tư hai con đường Hùng Vương (tên cũ là Rue de la République) và đường Ông Ích Khiêm (tên cũ là Rue Sabiella), phường Hải Châu 1 quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Theo một số người dân sinh sống hiện nay trên kho đạn, khi thực dân Pháp xâm chiếm Đà Nẵng, kết cấu hạ tầng của thành phố từng bước phát triển, nhà cửa, đường sá xung quanh khu vực chợ Cồn được nâng cấp và xuất hiện nhiều hơn. Do nhu cầu chiến sự, Pháp đã mở phía trước chợ Cồn một đường ray xe lửa và xây dựng dãy nhà kho chứa vũ khí, vật liệu nổ nên người dân thường gọi là “Kho đạn”. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Kho đạn được sửa sang, xây cất thành nơi giam cầm những người yêu nước, bao bọc xung quanh là các dãy nhà gia binh, chủ yếu là lực lượng cảnh sát để theo dõi.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1966, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) sống từ nhỏ phía sau kho đạn chợ Cồn hồi tưởng, xung quanh nhà giam có một bức thành kiên cố, chằng chịt dây kẽm gai, cảnh sát canh gác cẩn mật ngày đêm, ai yếu bóng vía đi ngang qua, nhất là ban đêm đều rợn tóc gáy. Ngày đó, trại giam chia làm nhiều khu, khu B thuộc về hình sự. Trong phòng độ 4 mét vuông, hai bên là hai bục xi măng thay giường nằm, trời lạnh thì thấu xương, trời nắng, nhất là với cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè Đà Nẵng thì mình như ở trong chiếc thùng sắt, mồ hôi vuốt không kịp.

Ông Tuấn kể, kể từ ngày Đà Nẵng giải phóng (29/3/1975), kho đạn được Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp quản, giao cho Công an thành phố Đà Nẵng (thuộc tỉnh) làm nhà tạm giữ. Cuộc sống dần ổn định, dân cư đông đúc, thành phố quyết định giải tỏa kho đạn nhưng nhiều lần mới xong.

Theo thời gian, Đà Nẵng phát triển kinh tế thương mại, đất chật người đông nên vết tích Kho đạn xưa đã bị xóa sạch để hình thành khu dân cư đông đúc. Dấu tích còn lại là một đoạn đường ray xe lửa…

Thêu khăn trong Kho đạn

Từng bị bắt giam tới 3 lần, bà Phan Thị Khanh, 79 tuổi, hiện trú tại thôn Lỗ Giáng, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng vẫn nhớ như in khoảng thời gian ấy. Bà hoạt động cách mạng trong Ban Công vận Quảng Đà được 17 (từ năm 1958 đến 1975). “Trong thời gian tham gia cách mạng, tôi bị địch bắt liên tục ở huyện Cẩm Lệ (nay là quận Cẩm Lệ) nhưng nhất quyết không khai nên được thả. Đặc biệt, tôi vẫn nhớ như in 3 lần bị bắt và tống vào Kho đạn chợ Cồn vào các năm 1965, 1967 và 1971”, bà Khanh không giấu được xúc động.

Những tấm khăn thêu trong chốn tù đày ảnh 1

Chiếc vỏ gối được bà Khanh thêu vào năm 1967 khi bị giam giữ trong Kho đạn chợ Cồn. Ảnh: Thái Lâm

Trong thời gian bị giam cầm, mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đoạn, cách thức tra tấn, khủng bố nhưng bà vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Cạnh những tờ giấy khen, bà Khanh kể, ngồi tù nhưng lòng vẫn luôn khát khao tự do, mong muốn đất nước được hòa bình, thống nhất nên bà nhờ bạn tù đi chợ tranh thủ mua cho cái vỏ bọc gối về thêu tranh (thời đó, người ở tù lâu năm sẽ được đi chợ nhưng có người theo dõi sát sao).

Vỏ gối thêu đơn giản nhưng chứa đựng khát vọng hòa bình của rất nhiều người, góc trái bên dưới có một con thuyền, bên trái phía trên là đôi chim bay lượn trên trời, bên phải phía dưới là lũy tre xanh, cùng 2 câu thơ đối xứng “Thuyền độc lập thuyền về cập bến/Chim tự do bay khắp bốn phương trời”.

Bà Khanh rưng rưng tâm sự về ý nghĩa của tranh thêu, câu đầu có nghĩa là chiếc thuyền chở độc lập đã sắp cập bến rồi, sự khao khát, mơ ước cái ngày độc lập của mình sắp đến được miêu tả qua hình ảnh con thuyền trên sông trong khăn thêu. Câu thứ 2 có nghĩa là giành được tự do, mình được thoát khỏi cái lồng, sự bó chặt của căn phòng chật chội, tối thui và vẫy cánh bay khắp bốn phương trời.

Những tấm khăn thêu trong chốn tù đày ảnh 2

Bà Khanh với Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày. Ảnh: Thái Lâm

Những tấm khăn thêu trong chốn tù đày ảnh 3

Chiếc khăn thêu với dòng chữ “Thương về Chị” đã được ông Kiên tìm mọi cách chuyển ra khỏi nhà tù. Ảnh: Thái Lâm

Hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, ông Phạm Trung Kiên (70 tuổi) trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã trở thành chiến sĩ biệt động quận III, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, công tác và chiến đấu tại xã Hòa Hải. Vào năm 1969, ông bị bắt giam tại Trung tâm cải huấn Kho đạn.

Trong thời gian bị giam cầm, ông đã thêu được nhiều bức tranh thể hiện khát vọng tự do, mong muốn đất nước được hòa bình, thống nhất. Trong đó, chiếc khăn thêu với dòng chữ “Thương về Chị” đã được ông tìm mọi cách chuyển ra khỏi nhà tù và nhờ cơ sở chuyển ra vùng giải phóng để trao lại cho người chị kết nghĩa là chị Sáu, hoạt động tại quê hương Hòa Hải.

Cuối năm 2014, Bảo tàng TP Đà Nẵng tổ chức lễ tiếp nhận 34 hiện vật, kỷ vật của các cựu quân nhân và nhà sư hiến. Trong đó, ông Kiên đã hiến tặng chiếc khăn thêu cùng bản đồ được dán bằng tem quý, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cho Bảo tàng Đà Nẵng làm hiện vật để trưng bày và giới thiệu cho người dân, du khách nhất là thế hệ trẻ hiểu biết thêm về một thời kỳ sục sôi cách mạng, đấu tranh kiên cường chống thực dân, đế quốc của quân và dân Đà Nẵng.

Tại Bảo tàng Đà Nẵng, chiếc khăn thêu “Khát vọng Hòa bình” đóng khung cẩn thận treo trên tường, bên trên nền vải trắng, đã cũ và bạc màu, có nhiều vết máu khô và một vài lỗ thủng. Bên phải của chiếc khăn thêu đôi chim đậu trên cành mai với nhiều gam màu tươi sáng, bên trái thêu dòng chữ “Thương về Chị” với chỉ thêu màu đỏ. Cuối năm 1970, cơ sở hoạt động bí mật trong nội thành bố trí cho ông trốn thoát khỏi nhà tù.

Được biết, cuối năm 1977, ông được các đồng chí xã đội Hòa Hải trao lại chiếc khăn thêu và kể lại sự hy sinh anh dũng của chị Sáu trong một chuyến công tác chị bị phục kích và bị thương nặng (khoảng đầu năm 1973). Trước khi hy sinh, chị Sáu đã nhờ đồng đội chuyển chiếc khăn về lại quê hương Hòa Hải và nhờ trao lại cho ông Phạm Trung Kiên.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.