Chỉ vì một điều nào đó được số đông chấp nhận, không có nghĩa là nó “phải đúng”. Việc thông tin lan truyền quá dễ dàng, cộng với các nghiên cứu mới ra đời liên tục khiến cho những thứ vừa mới được công nhận là đúng 5 phút trước thì 5 phút sau đã có thể bị coi là sai lầm.
Bạn hãy xem các nhà khoa học đã bác bỏ 8 quan niệm phổ biến (nhưng không chính xác) sau về sức khỏe như thế nào:
1. Càng tập thể thao nhiều, bạn sẽ càng thon thả
Không có nhiều bằng chứng cho thấy thực hiện những bài tập thể lực nặng là biện pháp tốt nhất để giảm cân. Vấn đề là khi đổ sức vào luyện tập, chúng ta thường quá chú trọng đến các con số - lượng calo mà chúng ta có thể rũ bỏ được.
Tuy nhiên, nếu lỡ ăn thêm một thanh sôcôla sữa nhỏ, bạn phải chạy liên tục trong 50 phút, hoặc đi bộ trong hai tiếng mới đốt cháy hết lượng calo vừa mới nạp.
Và theo các chuyên gia thì từ đây lại nảy sinh một vấn đề liên quan khác: tăng cường vận động sẽ kích thích sự ngon miệng, kết cục là bạn sẽ ăn nhiều hơn mức bình thường.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không nên luyện tập. Bạn chỉ cần nhớ một điều: hoạt động thể chất giúp bạn giảm được nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm như bệnh tiểu đường tuýp 2, hay bệnh tim. Vì thế, đừng chỉ lấy những con số làm lý do để bạn đến phòng tập.
2. Mỗi người cần 8 ly nước một ngày
Theo một nghiên cứu của BS. Stanley Golffarb trường Y - Đại học Pennsylvania, thì không có gì kì diệu với con số tám cốc nước một ngày cả. Tất nhiên, bạn không muốn bị mất nước. Có điều, một số người cần uống nhiều hơn trong khi một số người khác lại chỉ cần ít hơn con số đó. Trừ khi bác sĩ của bạn có yêu cầu khác (vì một căn bệnh nào đó chẳng hạn), còn không hãy tin tưởng vào những dấu hiệu cần nước của cơ thể.
Và nhớ rằng, những thực phẩm giàu nước (như hoa quả, súp...) cũng là nguồn cung nước dồi dào cho cơ thể. Trên thực tế, bạn chỉ cần uống đủ để không cảm thấy khát là được.
3. Sử dụng bông tai để làm sạch tai
Thực tế là tất cả chúng ta đều làm thế nhưng Khoa tai-mũi-họng thuộc Học viện Phẫu thuật Cổ và Đầu Hoa Kỳ lại cảnh báo điều điều ngược lại. Họ chứng minh, sử dụng bông ngoáy để làm sạch phía trong tai có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn, dẫn đến suy giảm khả năng nghe. Vì vậy mà “trong những điều kiện lý tưởng, không bao giờ nên làm sạch khoang tai cả”.
Lấy ráy tai chỉ cần thiết nếu bạn bị đau, ù tai; cảm giác lỗ tai như bị bít kín, có tiếng ù ù, tai bị ngứa ngáy, có mùi, chảy mủ, hoặc bạn bị ho. Khi những triệu chứng này xảy ra, nhỏ thuốc nhỏ tai (có bán tại các cửa hàng thuốc) để làm mềm ráy tai bên trong, và dùng khăn mặt làm sạch phần bên ngoài. Nếu những thứ này vẫn không cho kết quả như mong muốn, hãy đến gặp bác sĩ, họ sẽ có phương pháp đặc biệt để lấy ráy tai cho bạn.
4. Căng thẳng gây viêm loét
Thực tế là tâm trạng của bạn không có khả năng sinh ra một vết loét nào ở hệ tiêu hóa cả nhưng nó có thể khiến một vết loét có sẵn trở nên tồi tệ hơn.
Hầu hết những chỗ viêm loét là do vi khuẩn gây ra (vi khuẩn H. pylori) và có thể được xử lý bằng thuốc kháng sinh. Hút thuốc lá hoặc dùng quá nhiều NSAID - các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như aspirin và ibuprofen, có thể góp phần làm rộng thêm các vết loét. Bất kể trạng thái cảm xúc của bạn như thế nào, hãy đi khám ngay nếu bạn cảm thấy đau như có lửa đốt ở dạ dày, buồn nôn hoặc đi ngoài ra máu, phân có màu tối.
5. Đau tim thường gây ra những cơn co thắt ở ngực
Cơn đau ở ngực là triệu chứng đau tim phổ biến nhất, nhưng không phải là duy nhất. Thậm chí một số người đau tim (đặc biệt là phụ nữ) còn không hề có cơn co thắt nào ở ngực cả. Các triệu chứng khác có thể nhận thấy là: thở dốc, đột nhiên mệt mỏi, buồn nôn, đau lưng hoặc đau xương quai hàm.
6. Người già dễ mắc cúm nhất
Điều này đúng với bệnh cúm theo mùa, nhưng dịch cúm A/H1N1 năm nay có vẻ như “bất cần” luật.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch, người cao tuổi có vẻ ít có khả năng nhiếm H1N1 và bị biến chứng hơn trẻ em và người lớn dưới 60 tuổi. Một lý thuyết, được kiểm chứng bởi bác sĩ Anne Gershon, chủ tịch Hiệp hội các bệnh lây nhiễm xã hội Hoa Kỳ, giáo sư trường Đại học Columbia, NY, cho rằng người cao tuổi phải chịu đựng những triệu chứng tương tự của bệnh cúm qua nhiều năm trời nên cơ thể họ đã phát triển được những kháng thể bảo vệ hiệu quả hơn.
7. Ngửa đầu ra sau để dừng chảy máu mũi
Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng bác sĩ Yosef P.Krespi, giáo sư khoa tai-mũi-họng lâm sàng, trường đại học Y khoa và Phẫu Thuật, đại học Columbia, lại nói đây là một ý kiến rất tệ vì bạn có thể kết thúc bằng việc uống phải máu mình.
BS. Yosef P.Krespi nói “thay vào đó, nên giữ yên đầu và bóp chặt mũi trong 3-5 phút. Nếu máu vẫn chưa ngừng chảy, nhẹ nhàng nút một miếng bông gòn vào lỗ mũi”. Còn nếu bạn vẫn tiếp tục bị chảy máu hoặc thường xuyên bị như vậy, hãy đến gặp ngay chuyên gia tai-mũi-họng để được trợ giúp.
8. Ăn nhiều trứng tăng lượng cholesterol
Thực tế là lượng cholesterol trong thức ăn không có vẻ gì là ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu bạn nhiều như các chuyên gia vẫn tưởng.
Theo tờ Thông điệp sức khỏe của UC Berkeley, chỉ 1/3 dân số bị tăng cholesterol khi ăn những thực phẩm giàu chất này. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng trứng đặc biệt có ích trong việc gia tăng lượng HDL, một loại cholesterol “tốt”, có khả năng chống lại bất cứ tác dụng nào của việc gia tăng LDl, cholesterol “xấu”. Điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn trứng suốt ngày, nhưng thậm chí cả Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyên rằng ăn một quả trứng mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe.