Những sinh vật 'ma quái' dưới đáy đại dương
Nhiều sinh vật biển chưa từng biết đến trước đây được phát hiện đang “sống khỏe” gần các ống thông thủy nhiệt dưới đáy đại dương gần Nam Cực, trong một môi trường quá nóng, tối và độc hại.
Loài bạch tuộc ma quái vừa được phát hiện. Ảnh: PLoS Biology |
Theo trang tin Discovery, các nhà nghiên cứu Anh cho biết, đáng chú ý nhất trong những loài mới được phát hiện là các con sao biển ăn thịt, cua Yeti ức đầy lông lá và một con bạch tuộc hình dạng ma quái màu nhợt.
Các nhà khoa học đã sử dụng một phương tiện điều khiển từ xa có tên gọi Isis để thăm dò những ống thông thủy nhiệt, vốn trồi lên từ đáy biển ở độ sâu 2.400-2.600m tại một khu vực gần Nam Cực.
Những ống thông thủy nhiệt đầu tiên được phát hiện dưới đáy Thái Bình Dương cùng với dốc Galapagos vào năm 1977. Nơi đây có mức dưỡng khí cực thấp và hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời. Nhiệt độ của những luồng khí và chất lỏng cuồn cuộn liên tục phun trào từ các ống thông thủy nhiệt có thể lên đến 400 độ C.
Những sinh vật định cư tại các ống thông này không được tìm thấy ở bất kỳ đâu. Thay vì dựa vào mặt trời, các sinh vật sống ở ống thông thủy nhiệt thu năng lượng bằng cách phân hủy các hóa chất trong hỗn hợp giàu dinh dưỡng phọt ra khỏi đáy đại dương từ sâu bên trong trái đất.
Các hợp chất hóa học, chẳng hạn như hydrogen sulfide, vốn duy trì sự sống của các loài vật bí hiểm này có độc tính rất cao, thậm chí gây tử vong đối với đa số động vật dưới nước và trên đất liền.
Cuộc nghiên cứu do Đại học Oxford (Anh) chủ trì đã được công bố trên chuyên san PLoS Biology.
Theo Khang Huy
Báo Thanh Niên