Những “sát thủ” bất ngờ của hệ miễn dịch

Những “sát thủ” bất ngờ của hệ miễn dịch
Virus và vi khuẩn không phải là những kẻ xấu duy nhất tấn công hệ miễn dịch của chúng ta. Những phân tích dưới đây nêu đích danh một số “thủ phạm” phổ biến mà có thể bạn không ngờ tới.

Dụng cụ nhà bếp. Sử dụng một số loại nồi và chảo có chứa chất chống dính dẫn đến khả năng bị viêm xương khớp, một loại bệnh liên quan đến cơ chế tự miễn dịch. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng, khi phát hiện nồi, chảo bắt đầu có vết trầy xước, hãy thay mới bằng dụng cụ nhà bếp thủy tinh hoặc inox để tránh chất độc hại nói trên.

Cô đơn. Gần đây, khoa học phát hiện thấy các tế bào miễn dịch quét khắp cơ thể xem chỗ nào bị bệnh, sau đó chia sẻ thông tin giống như đàn ong mật. Tương tự như vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu ít kết nối xã hội, con người sẽ tăng nguy cơ bị bệnh và chết sớm. Không nhất thiết phải tìm kiếm những người bạn mới, sống vị tha với người xung quanh, hoặc làm từ thiện sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Thiếu ngủ. Ngủ kém có thể làm giảm số lượng tế bào cần thiết để chống lại nhiễm trùng. Một nghiên cứu của Đại học Chicago cho biết, những tình nguyện viên chỉ ngủ 4 tiếng đồng hồ một đêm trong một tuần bị giảm một nửa số lượng kháng thể chiến đấu chống bệnh cúm. Vì thế, mục tiêu của mỗi người là ngủ trọn vẹn 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, tránh xa màn hình ít nhất 2 tiếng trước giờ đi ngủ vì ánh sáng từ màn hình điện tử có thể ngăn cản bộ não chuyển sang chế độ ngủ.

Thuốc kháng sinh. Uống thuốc kháng sinh có thể giảm hàm lượng cytokine, các hormone truyền dẫn quan trọng của hệ miễn dịch trong thời điểm bệnh tật tấn công. Vì thế, cần nhớ nguyên tắc: Các bệnh nhiễm trùng tai, xoang, cảm lạnh, cúm hầu hết là do virus, nếu uống thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng, thậm chí còn quét sạch vi khuẩn hỗ trợ hệ miễn dịch trong ruột. Khi dùng kháng sinh, hãy tuân thủ đúng liều dùng và thời gian, đồng thời ăn thêm sữa chua và các loại thực phẩm lên men ít đường để phục hồi lại hệ vi khuẩn đường ruột.

Đường. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, tiêu thụ 100 gram đường (tương đương hàm lượng có trong một chai soda, một thanh kẹo) làm giảm đáng kể khả năng tiêu diệt vi khuẩn của các tế bào bạch cầu trong vòng 5 tiếng. Bởi vậy, tránh thức ăn có đường càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong mùa lạnh và khi bị cúm.

Mất nước. Chất lỏng giúp cơ thể loại thải các độc tố gây tổn hại đến hệ miễn dịch đồng thời mang chất dinh dưỡng đến bất kỳ khu vực nào đang bị nhiễm trùng. Đây là điều chúng ta ít để ý khi đề cập đến hệ quả của việc không uống đủ nước hàng ngày, trong khi rất nhiều người rơi vào tình trạng mất nước nhẹ mà biểu hiện là nước tiểu có màu vàng sậm.

Ô nhiễm không khí. Khoa học đã chứng minh, ô nhiễm không khí và sự tổn thương của hệ miễn dịch có liên quan đến nhau. Trong các chất gây ô nhiễm không khí, hóa chất từ ống xả xe hơi, keo nhựa than đá có tác hại nhất đối với hệ miễn dịch.

Thuốc trừ sâu. Sử dụng thuốc trừ sâu độc hại có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh tự miễn, theo số liệu vừa được trình bày tại một hội nghị về thấp khớp của Mỹ. Những phụ nữ phun thuốc trừ sâu ít nhất 6 lần một năm sẽ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus tăng khoảng 2,5 lần. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, nên sử dụng các biện pháp kiểm soát sâu bệnh không độc hại, chẳng hạn chăm sóc vườn bằng biện pháp hữu cơ, trồng cây cỏ thu hút côn trùng có ích cũng có thể giảm trừ sâu hại.

Theo Yến Chi

Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG