Những quyết sách thiếu thuyết phục

Những quyết sách thiếu thuyết phục
Khi góp ý xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, các chuyên gia tâm huyết cho rằng giáo dục nước ta không chỉ lạc hậu so với thế giới, mà lo ngại hơn là đang đi không đúng hướng.

> Thu hồ sơ thi đại học từ 11-3
> Những điểm mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013

Phân ban, biết thất bại vẫn làm

Ngành GD-ĐT loay hoay với 4 lần phân ban khác nhau ở cấp THPT trong mấy chục năm trời và chưa lần nào thành công. Cách thức phân ban hiện hành đã được dự báo sẽ thất bại ngay từ khi nó chưa được triển khai đại trà.

Thực tế đã chỉ ra rằng, chương trình phân ban qua các lần thí điểm thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt. Do thiếu lập luận khoa học vững chắc nên các nhà thiết kế chương trình vừa làm vừa nghe ngóng kiểu “đẽo cày giữa đường”.

Chẳng hạn tới tháng 9.2006 đã phải triển khai đại trà mà tháng 9.2005, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục mới đề xuất bổ sung ban cơ bản bên cạnh 2 ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn theo thiết kế ban đầu của thí điểm lần 3.

 Từ lâu, ngành giáo dục đã có thói quen xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái, mà điển hình là mười mấy năm liền thí nghiệm các chương trình phân ban THPT 

Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay: “Ngay từ ngày đầu tiên, trường tôi đã không có học sinh (HS) nào chọn ban khoa học xã hội và nhân văn, hiện nay chỉ có duy nhất ban cơ bản A (tự chọn nâng cao toán, lý, hóa) và cơ bản D (tự chọn nâng cao toán, văn, Anh) là còn tồn tại”.

Không chỉ có Trường Lương Thế Vinh, hiện nay trên thực tế, tổ chức dạy theo mô hình phân ban gần như không còn ý nghĩa mà bao trùm lên vẫn là phân hóa theo khối thi đại học.

Theo tổng kết của Bộ, sau 3 năm triển khai đại trà phân ban, năm học 2008 - 2009 cả nước có gần 84% HS lớp 10 học ban cơ bản, hơn 14% học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% học ban khoa học xã hội và nhân văn.

Từ đó đến nay, Bộ chưa công bố số liệu mới nào về tỷ lệ phân ban. Một lãnh đạo Bộ tỏ ra ngán ngẩm không buồn nhắc đến khi phóng viên hỏi về tình hình phân ban hiện nay.

Trong mọi báo cáo công khai của Bộ về tình hình giáo dục phổ thông đều không hề nhắc gì đến kết quả của mô hình phân ban, hiệu quả hay hậu quả ra sao.

Đem học sinh ra “thí nghiệm”

Nhiều chuyên gia tỏ ra không hề ngạc nhiên về kết quả phân ban lệch lạc nói trên và cho rằng, “phương án phân ban đã sụp đổ ngay từ lúc chưa mở đầu”.

Lật lại những tư liệu mà các cuộc hội thảo, hội nghị, họp báo… góp ý cho mô hình phân ban trước khi Bộ quyết định triển khai đại trà cho thấy, có không ít ý kiến can ngăn rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thứ trưởng phụ trách giáo dục phổ thông khi đó là ông Nguyễn Văn Vọng và ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục Việt Nam đều bảo lưu quan điểm cho rằng, nếu nói phân ban thất bại là không có căn cứ thực tế.

Chương trình phân hóa, HS được tự chọn môn học theo khả năng và nguyện vọng nên cho dù thực tế ở đâu đó chỉ còn lại một ban cũng không có nghĩa là phân ban đổ vỡ.

Tuy nhiên, để tổ chức được mô hình tự chọn, ở các nước, số phòng học phải nhiều ít nhất gấp ba lần số lớp học, trong khi ở ta đa số trường vẫn phải tổ chức học hai ca/ngày. Do vậy, ở nước ta, mô hình phân ban đến khi triển khai thực tế được xem là “không giống ai”, phân ban đã biến các trường thành lò luyện thi ĐH, HS thi khối nào sẽ chọn ban tương ứng để học nâng cao các môn của khối thi đó.

Việc cùng một cấp học, một lớp học vừa có chương trình chuẩn vừa nâng cao làm cho việc dạy và học trở nên phức tạp, căng thẳng, nặng nề.

Học sinh chủ yếu chọn ban cơ bản

Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm học 2006 - 2007 có 75% HS học ban cơ bản, 22% ban khoa học tự nhiên, 3% ban khoa học xã hội. Đến năm học 2012 -2013, dù không thống kê cụ thể nhưng đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết hầu hết HS đăng ký học ban cơ bản. Còn ở Hà Nội, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho hay, số HS học ban cơ bản chiếm khoảng hơn 80%, ban khoa học xã hội khoảng 5%.

Cũng vì để phân ban có vẻ như “có đầu có đuôi” nên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, lứa HS đầu tiên áp dụng đại trà phân ban, đề thi có phần đề riêng dành cho chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao.

Thí sinh học chương trình nào chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó. Tuy nhiên, bản thân Bộ cũng không có biện pháp nào để có thể biết thí sinh có làm đúng phần đề theo ban mình học hay không.

Dư luận cũng lên án quy định này và sau đó Bộ phải sửa quy chế thi tốt nghiệp để cho phép thí sinh được chọn một trong hai phần đề riêng để làm bài, không còn ràng buộc “học theo chương trình nào phải làm phần đề dành riêng cho chương trình đó nữa”.

Nói về vấn đề này, GS Hoàng Tụy bức xúc: “Từ lâu ngành giáo dục đã có thói quen xem HS như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái, mà điển hình là mười mấy năm liền thí nghiệm các chương trình phân ban THPT. Rất khó hiểu tại sao lợi ích của HS lại bị xem thường đến vậy. Mỗi lần thí điểm đều kết luận chưa thành công, kết quả chưa tốt, thế mà người ta vẫn vô tư tiếp tục”... Đó là còn chưa kể, mỗi lần thí điểm và triển khai đại trà như vậy, kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ tiền thuế của nhân dân là không hề nhỏ.

Ngày 25.12.2012, tại phiên giải trình của Chính phủ về chất lượng giáo dục phổ thông, báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi đề cập đến vấn đề này chỉ có vỏn vẹn vài dòng: Hình thức phân ban kết hợp tự chọn ở cấp THPT chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của HS và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Lựa chọn ban và môn tự chọn chủ yếu theo cơ cấu môn thi, khối thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Loay hoay, lúng túng

Được khởi xướng từ năm 1993, chương trình học ở THPT được chia làm 3 ban: ban tự nhiên (A), ban xã hội (C) và ban kỹ thuật (B). Trong đó ban B khi triển khai đã không thành công.

Năm 1998 toàn bộ phương án phân ban của Bộ đã bị xóa khi luật Giáo dục được thông qua.

Năm 2003 phân ban mới được khởi động lại, chỉ có 2 ban, dự kiến là tự nhiên A (60% HS) và ban xã hội C (40% HS). Khi triển khai vào thực tế, lượng HS theo học ban A chiếm khoảng 90%, trong khi ban C chỉ có 10%. Thậm chí, tại các vùng khó khăn ở các tỉnh phía bắc, HS có nguyện vọng học một ban với một số môn tự chọn khác. Trước tình hình này, thay vì đến năm 2003 triển khai đại trà chương trình - sách giáo khoa mới đối với lớp 10 theo hướng phân ban thì Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ cho thêm 2 năm để nghiên cứu.

Đầu năm 2005, 2 ban A và C ở lớp 10 được kiến nghị điều chỉnh thành 4 ban theo khối thi ĐH nhưng không thành công. Đến khi triển khai đại trà, phương án 2 ban A và C lại được thiết kế thành 3 ban mới, gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và cơ bản (học theo chương trình “chuẩn” và tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, gọi là cơ bản A, C, D).

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG