Cận Tết, những vườn phật thủ ở Đắc Sở lúc lỉu quả, sẵn sàng theo khách hàng, thương lái mang đi khắp nơi.
Lớp vỏ ngoài bóng bẩy, căng mọng, phật thủ tỏa ra mùi thơm dịu, đặt lên bàn thờ tỏa hương thơm ngát cả gian phòng. Cắt cành rồi mà quả không bị héo, vẫn căng mọng và đầy hương cho tới tận 7-8 tháng sau.
Quả phật thủ này có giá 4 triệu đồng, được một người chơi đặt mua trước Tết vài tháng. Chủ vườn buộc dây, đánh dấu và chăm sóc cẩn thận, chờ ngày giáp Tết khách sẽ xuống hái về.
Không cần độc, lạ những quả có hình dáng đẹp cũng bán được giá 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
Cây phật thủ bình thường cho từ 25 đến 30 quả. Bình quân mỗi quả nặng từ 1,5 kg đến 2 kg, có những quả nặng hơn. Chủ vườn phải làm giàn để giữ cành. Một cây phật thủ sai quả cho chủ vườn thu nhập không dưới 10 triệu đồng.
Nhiều quả phật thủ mọc thành chùm rất đẹp, chủ vườn phải buộc dây để tránh cho quả không bị rụng. Khách mua thường thích hái cả đôi về đặt lên bàn thờ.
Hoa phật thủ khá giống hoa bưởi, hoa chanh.
Tầm tháng 10, những quả phật thủ còn xanh bắt đầu căng mọng để kịp thu hoạch vào dịp Tết.
Lúc chín sau khoảng hai tháng, quả sẽ chuyển sang màu vàng, màu tượng trưng cho giàu sang, phú quý.
Không giống như đào, quất chỉ chơi được vào dịp Tết, quả phật thủ chín rộ vào dịp Tết và chín rải rác quanh năm. Thứ quả này luôn đắt hàng vào rằm, mùng một và không bao giờ lo bị ế. Trừ chi phí, vườn phật thủ cho chủ vườn lãi từ 400 đến 500 triệu đồng mỗi năm. Nhiều nhà thoát nghèo, xây được nhà tầng, mua ô tô. Hiện nay, khoảng 80% người dân Đắc Sở trồng loại cây này.
Người dân Đắc Sở thuê đất ở các xã lân cận để trồng phật thủ và hầu như ở đây cả ngày. Phật thủ bán được giá cao nhưng dễ bị sâu bệnh nên phải thường xuyên phun thuốc, bón phân và... canh trộm. Đây là loại quả ưa hàn, nên hầu hết chỉ được trồng ở miền Bắc.
Theo Phương Hoàng