1h sáng 20/10, chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) tấp nập người mua, kẻ bán, xe tải xếp thành hàng dài chờ bốc hàng. Đây cũng là thời điểm những phu xe, bốc vác từ các nơi đổ về mưu sinh. |
Phu xe ở chợ Long Biên chủ yếu là nữ, với đủ mọi lứa tuổi, đến từ các tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương. Trong khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ đêm cũng là lúc những nữ cửu vạn, phu xe ở chợ Long Biên bắt đầu một ngày làm việc mới, công việc thường kéo dài từ tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. |
Không ai nghĩ những người phụ nữ chân yếu, tay mềm có thể kéo xe hàng nặng 300-400kg, chẳng kém gì đàn ông. Chia sẻ về ngày 20/10, chị Minh Tâm (42 tuổi, quê Hưng Yên) kể, chiều tối chồng và con gái gọi điện lên chúc mừng, dặn dò giữ gìn sức khỏe. "Nói chuyện với con xong nhớ nhà, nhớ con muốn về lắm nhưng về lại không có tiền, nhiều chi phí đổ lên đầu quá đành phải cố", chị Tâm chia sẻ. |
Những nữ phu xe dốc hết sức, "oằn mình" kéo xe hàng nặng hàng tạ qua con dốc ở đầu chợ Long Biên. "Nhiều lúc mệt muốn đứt hơi nhưng vẫn phải cố, còn có lần xe nặng quá không kéo qua con dốc được, tôi ngã xuống đường xước hết hai đầu gối", gạt ngang những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gò má, chị Mai Tâm (46 tuổi, quê Hưng Yên) nói. |
Công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho những người đàn ông sức dài vai rộng, nhưng vì miếng cơm manh áo mà những phụ nữ này không quản đêm hôm, miệt mài mưu sinh. |
Với họ dường như không có ngày nghỉ, ngày lễ, kể cả những ngày như 20/10 hay 8/3. Chỉ khi nào gia đình có việc cần thiết, hoặc ốm đau họ mới tranh thủ nghỉ 1-2 ngày. |
2h sáng 20/10, thời tiết se lạnh nhưng mồ hôi vẫn nhễ nhại trên gò má của những phụ nữ kéo xe. Một bảo vệ tại chợ cho biết, khoảng 70-80% phu xe ở chợ Long Biên là nữ. Thời gian cao điểm, tại chợ Long Biên có khoảng 800-1.000 phụ nữ kéo xe. Mặc dù là nữ nhưng những người này sức khỏe tốt, luôn làm việc miệt mài từ đêm đến sáng. |
00h10 ngày 20/10, bà Lan (60 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội) miệt mài đào đường ống nước sạch trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm). Mặc dù tuổi đã cao, công việc nặng nhọc nhưng từng nhát xà beng bà lao vào lòng đất rất nhanh, chắc chẳng khác nào thanh niên. |
23h30 ngày 19/10, chị Đàm Thị Thiên (38 tuổi), miệt mài quét dọn trên phố Kim Mã (quận Ba Đình). Do làm ca đêm nên công việc của chị thường kéo dài từ 18h ngày hôm trước đến khoảng 2h ngày hôm sau. |
Cùng thời điểm này, bà Bảy (64 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định) cặm cụi nhặt đồ đồng nát là những vỏ hộp đựng thức ăn, hộp đồ uống... từ chiếc xe chở rác trên phố Kim Mã. Nhắc đến gia đình và ngày 20/10 đang cận kề, bà chợt dừng tay giây lát nghẹn ngào nói: "Mấy chục năm rồi tôi có biết hoa với quà là gì đâu. Vợ chồng tôi có 3 đứa con nhưng chúng cũng khó khăn lắm, tôi lại có bệnh thường xuyên uống thuốc nên phải tự mưu sinh để nuôi thân". |
Bà bộc bạch, mỗi ngày nhặt đồng nát có thể kiếm 100.000-200.000 đồng, số tiền này đủ trang trải cuộc sống. Công việc của bà thường kéo dài từ tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau. |
Trong dịp 20/10, đa số phụ nữ sẽ được gia đình, người thân tặng hoa, quà kèm những lời chúc thân thương nhất. Song đâu đó vẫn có rất nhiều phụ nữ thậm chí không có nhiều thời gian dành cho mình. Bởi họ phải mưu sinh. |