Những phụ nữ đánh thức sắc màu văn hóa

Bà H’ Yam giới thiệu sản phẩm thổ cẩm với khách hàng.
Bà H’ Yam giới thiệu sản phẩm thổ cẩm với khách hàng.
TP - Do ảnh hưởng từ nhiều mặt của đời sống xã hội, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một và lãng quên. Trước nguy cơ đó, may mắn thay vẫn còn có những phụ nữ ở các buôn bản vùng sâu đang tâm huyết lưu giữ, tìm mọi cách bảo tồn bản sắc dân tộc.

Người phụ nữ Nùng “mê” văn hóa Ê Đê

Chị Nguyễn Hải Yến (sinh 1987) chủ mô hình home stay Cư H’lăm chia sẻ: Năm 1991, cả gia đình chị từ Cao Bằng vào xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk lập nghiệp. Sau đó chị kết hôn với anh Niê Hoàng Kiệt, về buôn Ea Mắp, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar làm dâu. “Chất” Êđê cứ thế, ngấm dần vào người phụ nữ dân tộc Nùng này.

Chị Yến trải lòng: Từ thời còn là sinh viên ngành quản trị du lịch, Yến đã ấp ủ ước mơ sau này sẽ mở một “bảo tàng” văn hoá truyền thống. Nơi quê chồng, văn hóa người Êđê đang dần bị lãng quên, mình tự thấy phải có trách nhiệm bảo tồn không gian văn hóa đặc sắc ấy cho người Êđê.

Con đầu lòng mới được 3 tháng tuổi, Yến đã gùi con đi mua gỗ về làm nhà sàn, lượm nhặt những trái bầu khô. Gom góp được bao nhiêu tiền, chị đi tới tận các buôn làng để tìm mua những vật dụng hằng ngày, trong đó có 2 bộ cồng chiêng Ê Đê và Gia Rai. Học cách nấu rượu cần, Yến tự mày mò nghiên cứu cách ủ rượu sao cho thơm ngon nhất.

Bây giờ Yến có hai căn nhà sàn đúng kiểu truyền thống Ê Đê nối tiếp nhau, trong mọi vật dụng truyền thống được Yến sắp xếp ngay ngắn, tỉ mỉ. Dù bận rộn, Yến luôn sẵn sàng bỏ hàng giờ để giới thiệu cho du khách về giá trị, xuất xứ của từng hiện vật. “Tôi mở mô hình dịch vụ home stay, hy vọng đây sẽ là nơi để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đến trải nghiệm, hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc”. Đã có nhiều công ty du lịch đặt phòng lưu trú nhưng Yến chưa đáp ứng nổi những đoàn có số lượng khách lớn. Điều đó khiến chị càng quyết tâm thu vén, mở rộng dần thêm không gian phục vụ.

Những phụ nữ đánh thức sắc màu văn hóa ảnh 1 Chị Hải Yến bên ngôi nhà dài truyền thống Ê Đê.

Người lưu giữ tinh hoa nghề dệt

Bà H’Yam Bkrông (sinh 1965, buôn Tơ Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) xếp sợi bên khung cửi, cho biết: “Năm 2001 sau khi được tín nhiệm làm Hội trưởng hội phụ nữ của buôn, tôi đứng ra vận động chị em thành lập một tổ dệt, vừa để lưu giữ nghề truyền thống, vừa tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho chị em trong buôn.

Lúc đó, tổ chỉ có 10 người, các thành viên trong tổ phải góp mỗi người 100.000 đồng để mua khung xếp sợi, mời hai nghệ nhân về truyền nghề”.

Năm 2003, tập hợp tổ dệt 2 buôn Tơng Jú và buôn Bông thành hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông với 30 thành viên. Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 42 thành viên và 60 lao động thời vụ. Các nữ xã viên hiểu cần phải không ngừng đổi mới, đa dạng hóa loại hình sản phẩm, đưa nó trở thành sản phẩm du lịch quảng bá giới thiệu cho du khách. Năm 2012, bà H’Yam Bkrông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì những cống hiến trong việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Trước đây, những sản phẩm đầu tay của HTX Tơng Bông làm ra không thể tiêu thụ được vì họa tiết đơn giản, chất lượng chưa cao, mẫu mã thiếu tính sáng tạo. Nhiều lần hàng xuất đi bị trả về, bà H’Yam lại động viên các chị em chia sản phẩm về dùng. Bà tự bỏ tiền túi lặn lội khắp nơi từ Nam ra Bắc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề, nắm bắt thị hiếu khách hàng. Bà tự dệt nên những bộ thổ cẩm: váy ngắn, áo cổ tròn, đặc biệt là các loại ví và túi xách với nhiều hoa văn lạ được biến tấu trông bắt mắt của nhiều dân tộc khác nhau như: Êđê, Bana, Giarai, K’ho…

Ở đâu có triển lãm, hội chợ, bà H’Yam lại đưa sản phẩm đến giới thiệu quảng bá, chào hàng. Nhiều cửa hàng cảm thông sự vất vả, khó khăn, nhẫn nại của bà nên họ cho “gửi”. Về sau, khách hàng dần ưa chuộng, HTX dần có nhiều bạn hàng lâu dài ở khắp các tỉnh Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Có đầu ra ổn định, bà H’Yam tiếp tục mở lớp dạy nghề cho hội viên.

Theo thống kê của các ngành chức năng hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 5.443 doanh nghiệp, trong đó có 1.721 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 31,6%; có 236 hợp tác xã (HTX) trong đó có 22 HTX do nữ làm chủ nhiệm, chiếm 9%.  Các doanh nghiệp này hoạt động ở mọi ngành nghề, nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.