Là người chịu khó nghe, đọc và tìm hiểu rất nhiều các thông tin về việc nên hay không cho trẻ học trước lớp 1, cuối cùng chị Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chọn giải pháp “để con phát triển tự nhiên”, “để con chơi nốt trước khi bước vào quãng đời đi học”…
Tuy nhiên, vào năm học mới, sau khi cùng con gái vượt qua “bước ngoặt” làm quen với cô và các bạn cũng như nề nếp sinh hoạt của buổi đầu đến trường thì chị Minh bắt đầu rơi vào khủng hoảng.
“Dù xác định, thời gian đầu con đi học sẽ vất vả nhưng khi con mình làm quen với nét cong tròn, nét sổ thẳng, rồi bập bẹ ghép vần thì tôi rơi vào khủng hoảng khi thấy các bạn cùng lớp đã viết thạo và đọc nhoay nhoáy” - chị Minh chia sẻ.
Cũng chung kiểu “thử nghiệm” chống lại phong trào đi học chữ trước, chị Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị rơi vào tâm “khủng hoảng” khi tối tối ngồi kèm con học. Nhìn con nhà mình “lớn ngộc” mà giờ mới bắt đầu bặm môi, gồng tay viết theo từng con chữ.
Chưa quên cảm giác đó, chị Phương kể: “Thấy các bạn cùng lứa với con đa phần đã biết đọc, biết viết, trong lòng tôi lúc đó lo lắng thực sự. Không biết với kiểu đọc viết bập bẹ từng nét, từng vần như này, đến bao giờ con tôi mới có thể đọc thông viết thạo”.
“Trong thâm tâm tôi cảm thấy day dứt vì đã không cho con đi học trước, thấy vừa lo lắng, vừa lúng túng không biết làm cách nào tiếp theo” - chị Phương trăn trở.
Đến giờ con đã sắp học hết lớp 1, đã đọc thông viết thạo nhưng chị Minh vẫn chưa quên cảm giác lúc đó: “Gia đình tôi lúc đó căng như dây đàn. Chồng giận vợ vì không chịu nghe, cho con đi học trước, vợ thì “gan lì” bảo vệ quan điểm và cấp tập lao vào dạy con”.
“Tối nào mẹ con tôi cũng “tra tấn nhau”. Mẹ quát, con khóc. Đến hơn 11h đêm vẫn chưa đi ngủ” - chị Minh ngậm ngùi nhớ lại.
Vượt khủng hoảng
Chị Minh kể, nói là “buông xuôi” nhưng không có nghĩa là kệ con học sao thì học. Ròng rã hơn 2 tháng trời, lo lắng của chị cũng nguôi ngoai nhờ việc trao đổi với cô giáo về cách dạy, cách học sao cho phù hợp. Thỉnh thoảng chị cũng ngó qua sách vở, thấy con viết tốt dần lên, đọc cũng trôi chảy hơn. Nhưng trong thâm tâm chị lúc đó vẫn chưa thấy yên tâm, vì chữ trong sách thường ngay ngắn, dễ đọc, với những chữ viết hoa hay viết loằng ngoằng một chút là con “bó tay”.
Cho đến gần hết học kỳ 1, ở cánh tủ bếp gẫy nhà chị cậu con trai lớn viết chỉ dẫn vào đó rất nghệch ngoạc, khó đọc, vậy mà con gái chị đã ngồi cần mẫn đọc được hết.
“Nghe thế, tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy đúng là đã vượt qua khủng hoảng” – chị Minh nhớ lại.
Chị Phương cũng bật cười thầm như chút được gánh nặng khi trên đường chở con đi học, tự nhiên thấy con đọc vanh vách “Bún chả, Bia hơi Hà Nội”. Không tin vào tai mình, chị tiếp tục hỏi con những biển hiệu khác. Mới đầu con còn bập bẹ, vừa đọc vừa đánh vần. Nhưng từ Tết ra thì tên đường, tên phố hay đứng bất cứ đâu có chữ con cũng đọc được.
Lo lắng là vậy, nhưng khi hỏi nếu cho làm lại có cho con học trước không thì chị Minh vẫn khảng khái: “Không”. Vì theo chị, đó là tâm lý lo lắng nhất thời, chứ thực chất, không phải con mình không học được.
Để có thể vượt qua những cú "sốc" và những khủng khoảng nói trên - không ít lần chị Minh đã "xung đột" với chồng về chuyện dạy con. Thậm chí đã dùng đến roi vọt những lúc con tư duy chậm.
Đến giờ con đã sắp học hết lớp 1, đã đọc thông viết thạo nhưng chị Minh vẫn chưa quên cảm giác lúc đó: “Gia đình tôi lúc đó căng như dây đàn. Chồng giận vợ vì không chịu cho con đi học trước...."
Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Nguyễn Thị Quỳnh Như thẳng thắn, phụ huynh không nên xây dựng cho mình 1 barem, rằng bạn khác biết viết, biết đọc mà con nhà mình chưa biết gì để rồi lo lắng. “Con chưa biết chữ thì mẹ vất vả một chút trong một vài tuần đầu. Chỉ hết học kỳ 1 là các con sẽ biết đọc, biết viết. Phụ huynh lo lắng thì có thể hỏi thêm cô giáo...” - cô Như tư vấn. Theo cô Như, con mới vào lớp 1 là sự thay đổi quá lớn, phụ huynh không nên quá lo lắng con chưa biết chữ bằng các bạn mà ép con đi học thêm hay tập viết nhiều. Điều đó sẽ khiến con mệt mỏi, căng thẳng và sợ đi học. “Tôi có nói các phụ huynh, con đi học lúc đầu còn viết xấu, viết sai, nhầm, cũng không sao cả. Điểm số không quan trọng. Việc của cha mẹ là hãy làm sao để con thích đi học, đó là thành công lớn nhất”, cô Như nói. |
Theo Bảo Anh
Vietnamnet