Những 'ông bầu' trẻ không lương

Những 'ông bầu' trẻ không lương
TP - Những ông bầu trẻ ở Bắc Giang đang tạo ra bước chuyển mới trong phong trào thể dục thể thao (TDTT) của thanh thiếu niên, cho ra lò nhiều vận động viên xuất sắc.
Lò vật tại gia của Tạ Xuân Phúc Ảnh: Ng. Trường
Lò vật tại gia của Tạ Xuân Phúc Ảnh: Ng. Trường.

Nguyễn Mạnh Tuấn, SN 1979, giáo viên trường Tiểu học Đại Hóa (Tân Yên, Bắc Giang), từng giành giải cao của tỉnh về môn đá cầu, đứng ra thành lập CLB đá cầu của trường. Ban đầu, Tuấn nhặt quân bằng cách ngắm giò, ngắm cẳng học sinh trong giờ thể dục hoặc buổi ra chơi.

Tuấn tự tìm sách hướng dẫn tập luyện đá cầu. Không có đủ tiền trang bị giày, cầu thi đấu và trang phục cho học sinh, Tuấn tự bỏ tiền túi và may mắn được một số phụ huynh tình nguyện hỗ trợ vì thấy có ích cho con em mình. Sân trường được kẻ vôi, chăng lưới thành 4-5 sân đá cầu. Mỗi buổi chiều sau khi tan học hoặc vào cuối tuần, thầy trò lại hăng say luyện tập.

Từ CLB của Tuấn, nhiều em giành giải cao cấp huyện, tỉnh. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2007-2008, các môn sinh của Tuấn giành giải nhì toàn đoàn, giải ba cá nhân môn đá cầu. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh gần đây, học trò của Tuấn ẵm 5 HCV. Hiện Tuấn được Phòng VH-TT Tân Yên giao dẫn dắt đội tuyển đá cầu của huyện và một phần lớp Năng khiếu đá cầu tỉnh.

Bí thư Đoàn làm huấn luyện viên

Nhà văn hoá xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên) vào cuối tuần luôn nhộn nhịp bởi sự có mặt của các bạn trẻ tới luyện tập cầu lông. Huấn luyện viên của các em là anh Trần Quyền, Bí thư Đoàn xã. Tại đây, các em được học những kỹ thuật cơ bản của môn cầu lông, thường xuyên được cọ xát với những đội tuyển cầu lông mạnh của huyện.

Cũng không được đào tạo chính quy, nhưng Quyền truyền lửa cho các em bằng chính sự nhiệt tình, đam mê của mình. Dù mới hoạt động gần 1 năm, nhưng học viên của CLB giành 3 giải nhất và 2 giải ba tại cuộc thi đấu cấp huyện.

“Vừa làm công tác Đoàn vừa huấn luyện các em, công việc rất bận, nhưng cũng thú vị”, Quyền tâm sự. Điều mà ông bầu còn trăn trở là điều kiện tập luyện cho các em còn thiếu thốn. “Huyện cũng đã hỗ trợ CLB mỗi tháng 500 nghìn đồng, nhưng các em chưa có được trang phục thi đấu riêng, ngay cả vợt cũng phải tận dụng đồ cũ”, Trần Quyền cho biết.

Nhà riêng thành lò vật

Xuất thân từ một vận động viên cấp I quốc gia, Tạ Xuân Phúc, SN 1983, hiện là giáo viên thể dục của Trường THCS Song Vân (Tân Yên, Bắc Giang). Đam mê môn vật, Phúc tận dụng khoảng sân trước làm lò luyện. Biết tiếng đô vật Phúc, nhiều bạn trẻ tìm đến học.

Hiện CLB vật của Phúc luôn có hàng chục bạn trẻ tham gia học vật tự do, cổ điển và vật dân tộc. Không có nhiều kinh phí, Phúc kêu gọi mỗi gia đình có con tham gia đóng góp một… bao trấu để làm sới vật. Ngoài ra, toàn bộ tiền chi phí nước uống, bồi dưỡng hằng ngày, Phúc tự bỏ tiền. Vợ Phúc cũng nhiệt tình ủng hộ bằng việc đun nước, giặt giũ quần áo cho chồng và các đô vật nhí.

Gần đây, nhận thấy mô hình của Phúc thu hút đông đảo bạn trẻ, chính quyền địa phương quyết định hỗ trợ một phần kinh phí.

Sau hơn 5 năm thành lập, lò vật của Phúc đã đào tạo hàng chục vận động viên tiêu biểu, nhiều em đỗ vào các trường năng khiếu của tỉnh hoặc đang theo học tại các trường đại học TDTT. Năm nay, tham gia giải vật của tỉnh, các võ sinh của Phúc giành 3 HCV và một HCB.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG