Những nơi bão Durian đi qua

Những nơi bão Durian đi qua
TP - Đến 11giờ ngày 5/12, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức sơ tán gần 8.000 dân đến nơi tránh bão an toàn. Phần lớn số di dời là trẻ em, phụ nữ, người già.
Những nơi bão Durian đi qua ảnh 1
Nhà dân tan hoang sau bão

Đến thời điển này, tỉnh Bạc Liêu đã sơ tán hết các hộ sống trong vùng xung yếu, ven biển đến nơi trú bão an toàn; gần 800 tàu thuyền đã cập bến.

Cà Mau: Sẽ cưỡng chế nếu tàu thuyền ra biển

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo lực lượng biên phòng kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế đối với tàu thuyền lén lút ra khơi hoạt động và không tuân thủ hướng dẫn neo đậu trú ẩn.

Hiện có hơn 2.000 hộ dân di dời khỏi các cửa biển, cửa sông, đê biển và kết thúc việc di dời. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 5/12, bảo vệ trường lớp trong thời gian phòng chống bão.

Sóc Trăng: Cho học sinh nghỉ học 2 ngày

Chính quyền các huyện Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Long Phú tiến hành di dời hơn 500 hộ dân cư trú ở cửa biển, cửa sông, ven biển để tránh triều cường dâng cao.

Cán bộ thuỷ sản trực tiếp xuống vùng nuôi tôm công nghiệp hướng dẫn bà con gia cố đê bao, hạn chế thiệt hại do bão lũ. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định cho học sinh nghỉ học 2 ngày (5 và 6/12).

TPHCM: 5 người mất tích

Cơn bão số 9 đã gây thiệt hại khá nặng nề tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Toàn huyện đã sơ tán khẩn cấp 8.329 người.

Ngày 5/12, trên địa bàn huyện đã có 5 người còn mất tích. 216 căn nhà bị sập hoàn toàn, 1.483 căn bị tốc mái, xiêu vẹo; 6 trụ sở cơ quan bị hư hại, 10 trường với 115 phòng học tại 5 xã, thị trấn thiệt hại từ 20-80%.

UBND huyện Cần Giờ đã tạm ứng 1,5 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân bị sập nhà, tốc mái; đồng thời chỉ đạo cứu trợ 2,4 tấn gạo, 500 thùng mì, thuốc men, quần áo; ước tính giá trị 45 triệu đồng. Thành Đoàn TPHCM cứu trợ 4.000 phần ăn, nước uống, mì; ước tính giá trị 30 triệu đồng.

Quảng Nam: Di dời khẩn cấp 200 hộ dân

Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường lên vùng cao của tỉnh bị tắc nghiêm trọng. Đặc biệt, tại khu vực Sông Tranh (thuộc huyện Nam Trà My) nơi đang thi công thủy điện Sông Tranh 2- việc đi lại đã bị gián đoạn từ chiều ngày 4/12. Chiều 5/12, 200 hộ dân thuộc xã Trà Bui trong khu vực này đã được di dời khẩn cấp.

Tiền Giang: 2 người chết, 20 người bị thương

Ngoài ra, Tiền Giang còn bị sập và tốc mái 6.689 căn nhà, 26 trường học, chìm 25 tàu thuyền, trôi 21 bè nuôi cá, hư hỏng 82 ha lúa, 416 ha hoa màu.

Vĩnh Long: 1 người chết

Vĩnh Long hiện đã có 1 người chết và 3 người mất tích, 7 người bị thương, sập 728 căn nhà, tốc mái 2.558 nhà. Chìm 1 xà lan, 20 bè nuôi cá.

TP Cần Thơ: 1 người bị thương

Cần Thơ cũng đã  tốc mái 326 căn nhà, 2 trường học, chìm 2 ghe chở thức ăn nuôi cá, trôi 1 bè nuôi cá, đổ 7 trụ điện.

Chiều 5/12 chính quyền và nhân dân các địa phương tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra. Trong đó hàng nghìn thanh niên tình nguyện đã ra đường thu dọn cây gãy đổ và giúp những gia đình bị sập hoặc tốc mái nhà che tạm nơi nghỉ qua đêm.

Chiều 5/12 và ngày 6/12 học sinh các tỉnh, thành phố bị bão đi qua đều nghỉ học.

Bến Tre: 19 người chết, trên 4.000 căn nhà sập

Chỉ sau mấy giờ càn quét, vùng biển huyện Bình Đại, Ba Tri, qua Giồng Trôm, Thạnh Phú, Mỏ Cày, Chợ Lách và thị xã Bến Tre, theo ước tính sơ bộ ban đầu, bão Durian đã làm sập hơn 4.000 ngôi nhà, trong đó huyện Bình Đại bị sập trên 2.800 căn.

Khoảng 24.000 căn nhà khác bị tốc mái, hư hại một phần và hàng ngàn cây trồng, vườn tược, hoa màu bị thiệt hại nặng nề chưa thể thống kê được. Bão Durian đã làm 16 người chết, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em.

Trao đổi với Tiền phong vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 5/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Tấn Khổng cho biết, thiệt hại do bão số 9 gây ra đối với tỉnh là rất lớn, chưa thể thống kê đầy đủ hôm nay. 

Hàng chục ngàn thuê bao mất liên lạc

Tính đến chiều 5/12, có trên 90 trạm thu phát sóng di động của tất cả các nhà cung cấp bao gồm VNPT, Viettel, EVNTelecom, S-Fone mất liên lạc. 4 tuyến cáp quang bị đứt và 3 tuyến viba gặp sự cố trong cơn bão. Thiệt hại này đã khiến 11.000 thuê bao VNPT bị mất liên lạc hoàn toàn, chủ yếu ở Bình Thuận trong nhiều giờ liền.

Tại huyện đảo Phú Quý, 2 cặp viba bị mất liên lạc dẫn đến tình trạng mất liên lạc thông tin di động. Nhiều trạm thu phát sóng (BTS) của 2 mạng Vinaphone và MobiFone mất liên lạc do bị xoay anten hoặc mất nguồn điện.

Những trạm được lắp đặt tại nhà dân không có máy phát điện dự trữ, phải chạy bằng ắc quy dự phòng nên những trạm này chỉ hoạt động được 4 tiếng.

Tại Vũng Tàu, đến chiều 5/12 vẫn còn một trạm MobiFone Phước Thuận gãy trụ anten chưa khôi phục được.

Cũng tại Vũng Tàu, cáp quang của EVNTelecom bị đứt khiến thuê bao của nhà cung cấp này mất liên lạc hoàn toàn. Viettel chạy cùng cáp quang với EVNTelecom nên các thuê bao của nhà cung cấp này cũng phải chịu thiệt hại tương tự.

MỚI - NÓNG