Những người tuyệt vọng hơn cả bệnh nhân Covid-19

Cô sinh viên Wan Ruyi đang nằm trên giường chờ được điều trị ung thư tủy. (Ảnh: Weibo)
Cô sinh viên Wan Ruyi đang nằm trên giường chờ được điều trị ung thư tủy. (Ảnh: Weibo)
TPO - Trong những bệnh viện đông đúc ở Vũ Hán, rất nhiều bệnh nhân đang được điều trị bệnh do virus corona mới (Covid-19) gây ra. Tuy nhiên, với những người ở tâm dịch nhưng không mắc bệnh này, tình thế còn khốn khổ hơn.

Wan Ruyi được chẩn đoán bị ung thư máu từ tháng 5 năm ngoái. Cô sinh viên đại học 21 tuổi này đã nằm trong Bệnh viện công đoàn Vũ Hán trong 10 tháng qua. Và giờ, tình hình của cô đang rất xấu và rất cần được thay tủy.

“Wan đã trải qua 3 đợt hóa trị, nhưng đợt cuối vào tháng 10 năm ngoái không thành công lắm. Kết quả kiểm tra vào cuối tuần qua cho thấy quá trình điều trị không mang đến kết quả như kỳ vọng”, mẹ của Wan, bà Wu Qiong, kể.

Bệnh viện công đoàn Vũ Hán là một trong những bệnh viện đầu tiên được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ ngày 23/1. Gia đình Wan được bệnh viện thông báo rằng họ dừng phẫu thuật cấy ghép vì không có đủ bác sĩ và máu. Gia đình Wan thử liên hệ với một bệnh viện khác ở Hồ Bắc, nhưng họ được bảo rằng hãy cứ ở lại Vũ Hán.

Cuối tuần qua, Wan bị đau đến mức cô bảo chỉ muốn chết đi.

“Mỗi ngày trôi qua ở Hồ Bắc khiến tôi trở nên bất lực và tuyệt vọng hơn khi con gái tôi cứ đau đớn khổ sở như thế. Tình trạng của con bé ngày càng bất ổn”, bà Wu nói.

Wan là một trong hàng ngàn bệnh nhân đang rất cần được điều trị ở Vũ Hán nhưng bị từ chối vì các nguồn lực y tế đã được chuyển sang chống dịch Covid-19. Đó là những bệnh nhân ung thư, hen phế quản và động kinh. Một số bệnh nhân tuyệt vọng đã đăng thông điệp lên mạng xã hội Weibo để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Giới chức Trung Quốc áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ để kiểm soát dịch Covid-19, bao gồm biện pháp phong tỏa Vũ Hán và ít nhất 15 thành phố ở Hồ Bắc trong nhiều tuần qua, khiến hơn 50 triệu người bị ảnh hưởng.

Tại Vũ Hán, 2 bệnh viện dã chiến được xây dựng trong chưa đầy 2 tuần để ứng phó với cuộc khủng hoảng, cùng với nhiều bệnh viện tạm thời khác được dựng lên trong những cơ sở cộng đồng như nhà thi đấu thể thao. Nhưng số người nhiễm căn bệnh giống như viêm phổi này vẫn tiếp tục tăng, cho đến nay đã giết chết 1.355 người và gần 60.000 người nhiễm bệnh, chủ yếu ở Hồ Bắc.

Đối với bệnh nhân 81 tuổi Fu Daoshun, dịch bệnh lần này khiến ông không được tiêm mũi tiêm hằng ngày để chữa bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Trước đây ông thường đến tiêm ở Bệnh viện Puai, nhưng nay viện này cũng được chỉ định làm trung tâm điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Từ ngày 23/1, bệnh viện không còn nguồn lực để điều trị cho những bệnh nhân như ông Fu.

Cháu gái ông, chị Fu Yufen, cho biết giờ ông chỉ có thể ngồi trên giường.

“Sau nhiều ngày không được tiêm, giờ ông đau quá nên không đi lại được. Và giờ việc đến bệnh viện đối với ông cũng quá nguy hiểm vì có thể nhiễm virus”, chị Fu cho biết.

“Vì thành phố bị phong tỏa, chúng tôi không đến thăm ông được. Bà tôi đã già vẫn phải tự chăm sóc ông. Tôi rất lo ông bà sẽ ốm nặng hơn”, chị nói thêm.

Chị cho biết ông bà chị nhận được rau thịt từ cán bộ địa phương, nhưng chị lo lắng không biết ông bà còn chịu được bao lâu nữa. Ông chị quyết định viết di chúc từ tuần trước.

Giới chuyên gia y tế nói rằng dù các bệnh nhân nhiễm virus corona mới được ưu tiên nhưng những người bị bệnh kinh niên và cấp tính khác cũng cần được hỗ trợ.

Ông Tang Shenlan, giáo sư công tác tại Khoa khoa học sức khỏe cộng đồng tại Trường Y thuộc ĐH Duke (Mỹ), nói rằng thật sai lầm khi dồn tất cả vào bệnh nhân nhiễm virus corona mới mà không giúp đỡ những người mắc bệnh nghiêm trọng khác.

“Các bệnh viện ở Vũ Hán nên tìm ra cách mới để cung cấp dịch vụ thiết yếu cho những bệnh nhân khác, như sử dụng cách khám, chữa bệnh và kê đơn từ xa”, ông Tang nói.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc đã có nhiều tiến triển trong cuộc cải cách hệ thống chăm sóc y tế từ năm 2009, giúp nhiều người được hưởng bảo hiểm y tế hơn, nhưng “việc cải tổ hệ thống bệnh viện công đã thất bại”.

Ông Tang là người soạn thảo đề xuất lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc cải cách hệ thống y tế Trung Quốc khi còn là cố vấn cấp cao của tổ chức này cách đây hơn 1 thập kỷ.

Ông Gregory Gray, một giáo sư chuyên về các bệnh truyền nhiễm đang công tác tại ĐH Duke, cũng cho rằng Trung Quốc cần dự đoán tốt hơn nguy cơ dịch bệnh sắp bùng phát để có thể phản ứng nhanh hơn.

“Một cách để làm điều đó là khuyến khích nghiên cứu ở những nơi con người và động vật sống chung như các khu chợ bán động vật hay trang trại nuôi gia súc. Chúng ta cần tìm cách phối hợp chặt chẽ hơn, bao gồm y tế cho con người, thú y, sức khỏe môi trường và các ngành nông nghiệp”, ông Gray nói.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...